Dồn vây tứ phía, cảm nhận của người Nga

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm qua (27/4) thừa nhận, Nga đang trở thành mục tiêu của một chiến dịch đối đầu chưa từng có: bao vây, dồn ép và bóp nghẹt trên mọi mặt trận, từ kinh tế, tài chính đến truyền thông. Liệu Nga có vì thế mà run sợ?
Ngoại trưởng Nga Lavrov
Ngoại trưởng Nga Lavrov

"Chúng tôi đã trở thành mục tiêu của một chiến dịch đối đầu chưa từng có nhằm gây sức ép với Nga”, ông Lavrov phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya 24. Theo lời ông này, chiến dịch đối đầu trên “không chỉ có trên mặt trận kinh tế, tài chính mà còn xuất hiện trong lĩnh vực thông tin và tuyên truyền”.
 
"Mục đích của chiến dịch đó là nhằm để cô lập nước Nga và nó đã được tuyên bố công khai. Tuy nhiên, chiến dịch đối đầu Nga đã thất bại", Ngoại trưởng Nga cho biết. Ông Lavrov tự tin khẳng định, những nỗ lực nhằm cô lập Nga đều đã thất bại.
 
Nhà ngoại giao hàng đầu Nga cho hay, ông đã nhìn thấy những thành công rất lớn của Nga “trong việc kiên nhẫn, tự tin, loại bỏ mọi nỗ lực trừng phạt chúng ta, đấu tranh vì công lý và kiên quyết không để những đồng bào của chúng ta gặp nguy hiểm”.
 
Phát biểu về những thành công gần đây của nền ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Lavrov khẳng định, Nga đã thành công “trong việc thu hút sự chú ý của mọi người vào tính cần thiết phải tôn trọng các nguyên tắc của luật quốc tế”, trong đó có quyền tự quyết của người dân.
 
Bất chấp sự dồn ép, bao vây và bóp nghẹt từ phương Tây, Nga vẫn giữ lập trường đầy kiêu hãnh và thách thức. Ngoại trưởng Lavrov tuyên bố, Nga sẽ không bao giờ ngừng ủng hộ những người đồng bào của mình ở Ukraine và sẽ tiếp tục nỗ lực để giữ cho Ukraine là một quốc gia thống nhất.
 
"Tôi không thấy có cảm giác rằng sau thảm kịch ở Ukraine hiện nay, chúng tôi sẽ từ bỏ lập trường của mình và sẽ không ủng hộ những người đồng bào của mình nữa”, ông Lavrov nói. "Mọi thứ chúng tôi đang làm hiện nay, tất cả mọi điều mà Tổng thống của chúng tôi đang làm (và chính ông đã đưa ra sáng kiến về các thỏa thuận Misnk - thỏa thuận đầu tiên hồi tháng 9 và sau đó phát triển thành một kế hoạch toàn diện hơn vào ngày 12/2), tất cả mọi điều chúng tôi đang làm đều là hướng tới mục tiêu duy trì Ukraine là một nhà nước thống nhất, tạo cho chính người Ukraine cơ hội đạt được một thỏa thuận về việc làm thế nào để các khu vực của đất nước họ dù khác nhau về văn hóa, văn minh và ngôn ngữ vẫn có thể tồn tại trong hòa bình và an ninh"
 
"Donbas (từ dùng để chỉ hai khu vực miền đông Donetsk và Luhansk) sẽ không bao giờ ăn mừng những ngày lễ mới mà giới chức Ukraine đưa ra để tôn vinh Shukhevich, Bandera, Quân đội Nổi dậy Ukrane (UPA), và như tôi biết, Lviv sẽ không bao giờ đeo dải băng chiến thắng St. George. Vậy, hai nền văn hóa khác nhau, những hệ thống giá trị và cách sống khác nhau này chỉ có thể hòa hợp thông qua đối thoại”, ông Lavrov nhấn mạnh.
 
"Và đó chính là điểm cốt lõi trong lập trường của chúng tôi – hãy để Kiev, Luhansk và Donetsk đối thoại với nhau. Đây là điều mà Tổng thống của chúng tôi liên tục thúc giục, ngay cả khi công có cuộc tiếp xúc với Tổng thống Petro Poroshenko. Chúng tôi hy vọng, Ukraine cuối cùng cũng thấy được sự tai hại của một phương pháp tiếp cận khác”, Ngoại trưởng Nga nói thêm.
 
Sẽ không có Chiến tranh Thế giới thứ III
 
Dù đang có cuộc đối đầu căng thẳng chưa từng có với phương Tây nhưng Ngoại trưởng Nga Lavrov vẫn bày tỏ tin tưởng rằng, sẽ không có một cuộc thế chiến III xảy ra.
 
Nga không có cảm giác rằng một cuộc chiến tranh thế giới thứ II có thể xảy ra, ông Lavrov nói với kênh truyền hình Rossiya-24 như vậy.
 
"Tôi tin rằng, Liên Hợp Quốc có một cái lề an toàn tương đối vững chắc. Những cha ông sáng lập ra tổ chức Liên Hợp Quốc của chúng ta đã rất là nhìn xa trông rộng khi họ đưa ra những nguyên tắc cơ bản trong Hiến chương Liên Hợp Quốc".
 
"Những nguyên tắc đầu tiên trong hiến chương chính là độc lập, chủ quyền của mỗi quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác, quyền tự quyết của các dân tộc và giải quyết tranh chấp bằng hòa bình. Tôi chắc chắn rằng ngày nay, không một nước nào dám nói điều gì đó tỏ ý hoài nghi về sự tồn tại của những nguyên tắc ABC nói trên, những sự thực vĩnh cửa”, ông Lavrov cho hay. Ông còn nhấn mạnh thêm rằng, “tổ chức Liên Hợp Quốc được lập ra để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh thế giới thứ III. Tôi tin chắc rằng, Liên Hợp Quốc đã làm được điều đó”.
 
Cuộc khủng hoảng ở Ukraine chứng kiến một cuộc đối đầu Đông -Tây nóng bỏng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
 
Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, các cường quốc Châu Âu dưới sự dẫn dắt của Mỹ vẫn tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Nga cũng đáp trả bằng việc áp đặt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ những nước áp đặt đòn trừng phạt nhằm vào họ.
 
Cuộc với “cuộc chiến” trên mặt trận kinh tế, Mỹ và phương Tây còn tìm cách bao vây, dồn ép và cô lập Nga trên mặt trận chính trị, ngoại giao, thông tin, tuyên truyền và quân sự.

Theo: Báo Tin Tức