Đối đầu Trump – Biden: Tranh luận vòng cuối “nảy lửa”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Vòng tranh luận cuối cùng giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và đối thủ đảng Dân chủ, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, đã diễn ra ở Nashville trong tối 22/10 (sáng 23/10 giờ VN).
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ tranh cãi kịch liệt trong vòng tranh luận cuối cùng tại ĐH Belmont, Nashville (Ảnh: CNN)
Hai ứng viên Tổng thống Mỹ tranh cãi kịch liệt trong vòng tranh luận cuối cùng tại ĐH Belmont, Nashville (Ảnh: CNN)

Ông Trump bước vào vòng tranh luận này trong lúc đang cần có một biến động lớn để làm thay đổi cục diện vòng đua, trong bối cảnh ông đang đứng sau ông Biden trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc và ở các bang dao động.

Khi chỉ còn 12 ngày nữa là tới ngày bầu cử, ông Trump đã thực hiện chiến dịch trên khắp cả nước, tiếp tục phản bác ý kiến của các cố vấn và chuyên gia y tế, đổ lỗi cho Trung Quốc đã khiến COVID-19 lan khắp toàn cầu và không nhận sai trong công tác đối phó đại dịch.

Ông Biden hiện đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò toàn quốc. Trong cuộc thăm dò mới đây nhất mà CNN thực hiện, ông Biden đang dẫn trước ông Trump 10 điểm trên toàn quốc, và đang thể hiễn sức mạnh của mình tại các bang chiến trường quan trọng gồm Pennsylvania, Michigan và Wisconsin.

Biden: “Bất cứ ai chịu trách nhiệm cho nhiều cái chết đều không nên làm Tổng thống”

Ứng viên Biden mở đầu vòng tranh luận cuối cùng bằng đòn công kích cách ứng phó đại dịch của ông Trump.

“Hãy nghe điều này: Bất cứ ai chịu trách nhiệm vì không kiểm soát (dịch bệnh)…bất cứ ai chịu trách nhiệm cho nhiều cái chết cũng không nên làm Tổng thống của nước Mỹ” – ông Biden nói, và nhắc tới việc ông Trump từng nói trước các phóng viên rằng ông không phải chịu trách nhiệm trước virus corona chủng mới.

Ứng viên đảng Dân chủ cho rằng nếu làm Tổng thống, ông sẽ đưa ra cách tiếp cận khác hẳn ông Trump: Tập trung vào việc hối thúc người dân đeo khẩu trang và tăng tốc xét nghiệm virus corona chủng mới.

“Tôi đảm bảo sẽ đề ra các tiêu chuẩn toàn quốc, như làm thế nào để mở cửa các trường học, doanh nghiệp để họ được an toàn; trao cho họ các nguồn lực tài chính để làm điều đó” – ông Biden nói.

Cựu Phó Tổng thống cũng cảnh báo rằng tình hình tồi tệ nhất vẫn chưa đến, nói rằng nước Mỹ sắp bước vào “một mùa Đông đen tối” trong khi ông Trump “không có kế hoạch rõ ràng, và cũng không có triển vỏng sẽ có một chủng vaccine sẵn có để phục vụ phần đông người dân Mỹ trước thời điểm giữa năm tới”.

Về phần mình, ông Trump phản bác bằng cách nhắc lại những điều ông đã đưa ra từ trước, và cho rằng virus corona sẽ sớm biến mất nhờ một chủng vaccine hữu hiệu. “Nó sẽ sớm biến mất”; ông nói.

Ông nhắc lại rằng ông đã từng đưa ra quyết định đóng cửa với du khách Trung Quốc, mặc dù hàng nghìn người trong số đó vẫn được đặc cách tới Mỹ. Ông khẳng định rằng Mỹ cũng đang gánh chịu hậu quả từ COVID-19 giống với châu Âu. Nhưng không giống như ông, lãnh đạo các nước châu Âu đã áp đặt nhiều lệnh phong tỏa mới.

Và ông đặt mọi hy vọng vào một chủng vaccine mới, mà ông tuyên bố sẽ có “trong vài tuần”. Ông sau đó chữa lại rằng, ông hy vọng vaccine sẽ xuất hiện vào thời điểm cuối năm nay.

Tranh luận về chính sách đối ngoại

Cuộc tranh luận sau đó bắt đầu đề cập tới vấn đề an ninh quốc gia và các ứng viên được hỏi về quan điểm của họ về mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, Iran và Triều Tiên.

Trả lời câu hỏi này, ông Trump nhắc tới những thắng lợi của ông ở Trung Đông, trong đó có việc ký kết “thỏa thuận Abraham” nhằm bình thường hóa quan hệ giữa UAE và Israel, tiếp đó là bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Bahrain. Ông cũng nói về việc đưa binh sĩ từ nước ngoài về nước, tuy nhiên quyết định rút phần lớn binh sĩ từ Syria đã vấp phải nhiều chỉ trích. Ông Trump cũng nói ông muốn binh sĩ ở Afghanistan về nước vào kỳ Giáng sinh năm nay, bất chấp giới chức Mỹ nói rằng việc rút quân cần có “điều kiện”.

Chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump đã khiến Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức đa phương và thỏa thuận quốc tế, cùng lúc xa lánh dần các đồng minh truyền thống. Ông cũng tìm cách xóa sổ những thành tựu của người tiền nhiệm Barack Obama. Tháng 6/2017, ông Trump tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận về Biến đổi Khí hậu Paris. Ông rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018. Tháng 6/2018, Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ. Đến đầu năm nay, ông Trump cắt đứt quan hệ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Về phần ông Biden, trung tâm chiến dịch tranh cử của ông chính là nói về kinh nghiệm chính sách đối ngoại của ông trong 8 năm phục vụ dưới thời chính quyền Obama.

Tháng 6 vừa qua, ông Biden tuyên bố sẽ đảo ngược các động thái của ông Trump trong chính sách ngoại giao, đồng thời phục hồi lại thực trạng quốc tế giai đoạn trước khi ông Trump cầm quyền.

Tâm điểm trong những nỗ lực nhằm đưa nước Mỹ trở lại hoạt động hợp tác quốc tế chính là tổ chức một hội nghị thượng đỉnh, trong đó ông Biden sẽ kêu gọi các nền dân chủ, các tổ chưc sphi chính phủ và doanh nghiệp trên khắp thế giới…nhằm tìm kiếm một lối đi chung để bảo vệ những giá trị mà họ cùng chia sẻ.

Nhưng khi còn làm việc ở Thượng viện, ông Biden đã bỏ phiếu thuận để Mỹ tham chiếm ở Iraq vào năm 2002. Cũng giống như những đảng viên Dân chủ từng bỏ phiếu thuận, ông Biden sau đó bỏ ra nhiều năm để xin lỗi vì ra quyết định như vậy.

545 trẻ em bị chia tách khỏi cha mẹ

Ông Trump và Biden cũng có thời điểm tranh luận gay gắt về việc làm thế nào để hơn 500 trẻ em được đoàn tụ với cha mẹ của chúng, sau khi bị chia tách ở biên giới Mỹ, trong vài năm gần đây.

“Những đưa trẻ được đem đến đây bởi những kẻ vô lại và rất nhiều kẻ xấu, băng đảng…những kẻ này lợi dụng trẻ em để đi vào nước ta. Chúng ta giờ đã có một đường biên giới vững chắc hơn bao giờ hết. Chúng ta có hơn 400 dặm tường mới. Các bạn hãy nhìn vào con số. Chúng ta để người ta vào nước Mỹ nhưng họ phải vào một cách hợp pháp” – ông Trump nói.

Về việc đoàn tụ số trẻ em trên với gia đình, ông Trump nói chính quyền của ông đã có kế hoạch và “đang nỗ lực hết sức”. “Rất nhiều đứa trẻ đến đây mà không có cha mẹ. Chúng đi cùng những băng đảng, những kẻ tệ hại”; ông nói.

Ông Biden đã phản bác lại, gọi những hành động của chính quyền Trump là “phạm pháp”.

“Hơn 500 trẻ em đến đây cùng cha mẹ chúng. Và họ chia tách chúng ngay tại biên giới. Những kẻ tệ hại không hề đem trẻ em đến đây, mà chính là cha mẹ chúng. Và họ đã chia tách trẻ em khỏi cha mẹ. Và điều đó biến chúng ta thành trò cười” – ông Biden nói – “Những đứa trẻ bị tách khỏi vòng tay của cha mẹ chúng. Và giờ họ không thể tìm kiếm được hơn 500 cặp cha mẹ, bởi vậy mà những đứa trẻ đó vẫn phải ở một mình. Không có chỗ nào để đi. Đó là hành động trái phép”.

Tranh cãi trước thông tin Iran và Nga can thiệp bầu cử

Cả hai ứng viên Tổng thống đều được hỏi về cách phản ứng của họ trước thông tin mới đây cho rằng Iran và Nga đã nắm được thông tin cử tri Mỹ trong nỗ lực can thiệp vào cuộc bầu cử.

Ông Biden nói rằng: “Tôi đã nêu rất rõ, rằng bất cứ quốc gia nào can thiệp vào bầu cử Mỹ sẽ phải trả giá”.

“Họ sẽ phải trả giá nếu tôi đắc cử” – ông Biden nói tiếp, đặc biệt nhắc tới sự can thiệp của Trung Quốc, Nga và Iran – “Họ đang can thiệp vào chủ quyền của Mỹ. Đó là điều đang diễn ra”.

Ông Biden cũng cáo buộc ông Trump không dám nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin về vấn đề can thiệp bầu cử, cho rằng ông Trump đã được cố vấn an ninh quốc gia cảnh báo về việc ông Rudy Giuliani – luật sư của ông Trump – là mục tiêu của chiến dịch phát tán thông tin sai lệch của Nga.

Khi được hỏi về cách đối phó với sự can thiệp bầu cử từ bên ngoài trong nhiệm kỳ hai, ông Trump tiếp tục nói chi tiết về các thỏa thuận giữa con trai của ông Biden và Ukraine.

Tổng thống Mỹ cũng nói rằng ông đã được thông báo về âm mưu can thiệp bầu cử, thêm rằng Giám đốc tình báo quốc gia John Ratcliffe đánh giá rằng các nỗ lực can thiệp của Iran và Nga là nhằm hạ bệ ông.

“Tôi biết tất cả về điều đó” – ông Trump nói.

Ông thêm rằng, ông Ratcliffe đã nói với ông: “Cả hai nước này đều muốn ông thua cuộc, bởi lúc đó sẽ không có ai cứng rắn hơn với Nga”.

“Joe, tôi tranh cử là vì ông”

Tổng thống Trump đã chỉ trích cựu Phó Tổng thống Joe Biden và cả Tổng thống Barack Obama vì thực hiện một “công việc tệ hại” trong suốt 2 nhiệm kỳ của họ ở Nhà Trắng.

“Joe, tôi tranh cử là vì ông. Tôi tranh cử là vì Barack Obama. Bởi các ông đã làm một công việc tệ hại. Nếu tôi thấy các ông thực hiện tốt công việc, tôi đã không bao giờ ra tranh cử” – ông Trump nói.

Trong lúc ông Biden nói về kế hoạch chính sách của ông liên quan tới cải cách ngành tư pháp và vấn đề sắc tộc, ông Trump cáo buộc vị cựu Phó Tổng thống vì “chả làm gì cả” trong suốt nhiệm kỳ tại Nhà Trắng.

“Tại sao ông không làm điều đó cách đây 4 năm? Lúc đó ông là Phó Tổng thống. Ông cứ nói về những thứ mà ông định làm. Nhưng cách đây không lâu ông ở vị trí có thể làm điều đó, vậy mà chả làm gì cả” – ông Trump nói.

Tranh cãi về tình trạng ô nhiễm chết người

Người dân Mỹ theo dõi vòng tranh luận qua màn hình lớn (Ảnh: CNN)

Người dân Mỹ theo dõi vòng tranh luận qua màn hình lớn (Ảnh: CNN)

Khi được hỏi rằng hai ứng viên sẽ làm gì để chống lại ảnh hưởng từ ô nhiễm gây ra do chất hóa học và đốt nhiên liệu hóa thạch, ông Joe Biden nói ông sẽ tăng cường các quy định. Tổng thống Trump thì cho rằng các chứng bệnh liên quan tới việc phải sống bên cạnh các nhà máy và khu lọc dầu là một “ân huệ kinh tế” đối với các gia đình.

“Những gia đình mà chúng ta đang nói tới được tuyển vào làm việc rất nhiều và họ đang kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết” – ông Trump nói – “Nếu bạn nhìn vào những con số mà chúng tôi đã thực hiện cho người gốc Tây Ban Nha, gốc châu Á hay người da đen, nó cao hơn gấp 9 lần, trong 3 năm, so với 8 năm dưới thời của họ (chính quyền Obama)”.

Ông Biden nói trôi chảy hơn về vấn đề này, và công kích lại ông Trump.

“Những người phải sống ở nơi mà người ta gọi là hàng rào. Ông Trump không hiểu được điều này” – ông Biden nói – “Họ sống gần các nhà máy hóa chất thực sự gây ô nhiễm, các nhà máy hóa chất và nhà máy lọc dầu gây ô nhiễm”.

Ông Biden nói về việc bản thân ông sinh trưởng gần Claymont, bang Delaware, ở khu vực gần với con sông Delaware, nơi bị ô nhiễm do hàng loạt nhà máy lọc dầu.

“Khi mẹ tôi bước vào xe hơi, luôn có một vệt dầu trên cửa kính” – ông Biden nói – “Đó là lý do mà rất nhiều người ở bang của tôi đang chết dần chết mòn và bị ung thư. Vấn đề ở đây không phải là các ông trả họ bao nhiêu tiền, mà là các ông làm gì để bảo vệ họ”.