Đối đầu trên Biển Đông, chỉ huy quân đội Mỹ ra lệnh xem xét toàn diện tương tác quân sự Mỹ-Trung

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mỹ-Trung liên tục đối đầu trên Biển Đông, thế giới lo lắng liệu có dẫn đến xung đột lớn? Tướng Milley, chỉ huy cao nhất quân đội Mỹ, đã ra lệnh xem xét toàn diện các tương tác quân sự giữa hai nước 5 năm qua.
Trong nửa đầu tháng 7, tàu USS Benfold của Mỹ hai lần áp sát các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông (Ảnh: HĐ7).
Trong nửa đầu tháng 7, tàu USS Benfold của Mỹ hai lần áp sát các đảo Trung Quốc chiếm đóng trái phép trên Biển Đông (Ảnh: HĐ7).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 19/7, với việc số vụ đối đầu quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông và các khu vực khác ngày càng tăng, đang tiềm ẩn nguy cơ nhất định về một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra. Chỉ huy hàng đầu của quân đội Mỹ đã ra lệnh đánh giá toàn diện các động thái tương tác quân sự giữa hai quân đội Mỹ và Trung Quốc trong 5 năm qua để tìm hiểu những thay đổi và mô hình hành vi của quân đội Trung Quốc.

Theo kênh truyền hình Mỹ CNN, ba quan chức quốc phòng ở Washington cho biết các tướng lĩnh hàng đầu của Lầu Năm Góc đã ra lệnh xem xét toàn diện các tương tác quân sự của Mỹ với các lực lượng Trung Quốc trong 5 năm qua do lo ngại gia tăng về hành vi cứng rắn của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley ra lệnh xem xét toàn diện các tương tác quân sự Mỹ - Trung 5 năm qua (Ảnh: AP).

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley ra lệnh xem xét toàn diện các tương tác quân sự Mỹ - Trung 5 năm qua (Ảnh: AP).

Thông qua khởi động việc xem xét đánh giá, Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, muốn tìm hiểu chi tiết về tất cả các tương tác giữa quân đội hai nước, đặc biệt là những tương tác được cho là "không an toàn" hoặc các hành động "không chuyên nghiệp" do máy bay hoặc tàu chiến của Trung Quốc tới quá gần quân Mỹ. Các quan chức cho biết, mục đích là để có được cái nhìn sâu sắc về bất kỳ sự thay đổi nào trong mô hình hoạt động quân sự của Trung Quốc.

"Trong hơn một thập kỷ qua, Trung Quốc đã liên tục trỗi dậy về kinh tế và quân sự. Họ đã trở nên hung hăng táo bạo hơn ở Thái Bình Dương", ông Mark Milley cho biết trong một văn bản tuyên bố gửi giới truyền thông. Ông khẳng định: "Duy trì các đường dây liên lạc cởi mở và quản lý cạnh tranh sẽ giảm thiểu rủi ro chiến lược. Trọng điểm của Quân đội Mỹ là hiện đại hóa và sẵn sàng chiến đấu. Mạng lưới các đối tác và đồng minh của chúng ta là nguồn sức mạnh."

Các tương tác giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ rất nhạy cảm nên các vụ xung đột thường không được công khai với bên ngoài. Ví dụ, vào tháng 6 năm nay, một máy bay vận tải C-130 của Mỹ do lực lượng đặc nhiệm Mỹ vận hành đã va chạm với một máy bay Su-30 của Trung Quốc trên vùng trời Biển Đông, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ chưa công khai thừa nhận vụ việc.

Truyền thông Mỹ CNBC dẫn lời các quan chức Lầu Năm Góc cho biết lệnh của Tướng Milley được ban hành sau khi ông và những người đồng cấp Trung Quốc tổ chức cuộc gọi video vào ngày 7/7. Trong cuộc điện đàm này, tướng Lý Tác Thành (Li Zuocheng), Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu Quân đội Trung Quốc (PLA), đã bác bỏ tuyên bố của phía Mỹ rằng các máy bay và tàu quân sự của Trung Quốc đã gia tăng hành động gây hấn chống lại các hoạt động quân sự của Mỹ và đồng minh ở Biển Đông.

Mỹ tố cáo Su-30 Trung Quốc có hành vi nguy hiểm và không chuyên nghiệp khi ngăn cản máy bay C-130 của Mỹ trên Biển Đông (Ảnh: QQ).

Mỹ tố cáo Su-30 Trung Quốc có hành vi nguy hiểm và không chuyên nghiệp khi ngăn cản máy bay C-130 của Mỹ trên Biển Đông (Ảnh: QQ).

Chống Trung Quốc trở thành trọng điểm chiến lược của Mỹ

Đối đầu với Trung Quốc là ưu tiên chiến lược then chốt của Mỹ. Vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã cáo buộc Bắc Kinh thực hiện một loạt các hành động nguy hiểm cưỡng bức, xâm lược, đe dọa sự ổn định của châu Á, đồng thời cam kết Mỹ sẽ hợp tác với các đối tác để chống lại mọi áp lực .

Ông Austin nói trong bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La: “Các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nên phải đối mặt với sự đe dọa chính trị, cưỡng ép kinh tế hoặc quấy rối bởi lực lượng dân quân biển.”

Ông liệt kê một loạt các lĩnh vực mà ông cho rằng Trung Quốc đang gây áp lực lên các nước láng giềng, bao gồm đưa một số lượng lớn máy bay chiến đấu vào vùng trời gần Đài Loan, ngăn chặn rất nguy hiểm các máy bay tuần tra của Mỹ và đồng minh, và đánh bắt cá trái phép kiểu "cướp phá ở khu vực."

Vào tháng 3 năm nay, Tướng Philip Davidson, khi đó là Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ -Thái Bình Dương của Mỹ, đã mô tả Trung Quốc là "mối đe dọa chiến lược lâu dài lớn nhất đối với an ninh trong thế kỷ 21".

Tuy nhiên, phía Trung Quốc khẳng định quân đội của họ là đội quân phòng thủ. Sách Trắng Quốc phòng năm 2019 của Trung Quốc viết: “Sự phát triển của quốc phòng Trung Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu an ninh chính đáng của mình và đóng góp vào sự phát triển của các lực lượng hòa bình thế giới”, "Trung Quốc sẽ không bao giờ đe dọa bất kỳ quốc gia nào khác, cũng không tìm kiếm bất kỳ phạm vi ảnh hưởng nào."

Ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải tập trận trên Biển Đông (Ảnh: Xinhua/Deutsche Welle).

Ông Tập Cận Bình thị sát Hạm đội Nam Hải tập trận trên Biển Đông (Ảnh: Xinhua/Deutsche Welle).

Mỹ và Trung Quốc liên tục đụng độ trên Biển Đông

Về phần mình, Mỹ dường như đang đẩy mạnh các hoạt động ở Biển Đông. Hôm thứ Bảy (16/7), Hạm đội 7 cho biết trong một tuyên bố, một tàu chiến của Hải quân Mỹ là chiếc khu trục hạm USS Benford đã thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo tranh chấp trên Biển Đông. Đây là hoạt động lần thứ hai chỉ trong vòng vài ngày.

Tuyên bố của Hạm đội 7 Mỹ cho biết chiếc tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường này đi gần quần đảo Trường Sa ở đông nam Biển Đông trong một "hoạt động tự do hàng hải". Tuyên bố chỉ rõ, các hành động của Hải quân Mỹ tại chuỗi pháo đài quân sự của Trung Quốc xây dựng trên các đảo nhân tạo đã thách thức những hạn chế của Trung Quốc đối với việc đi lại vô hại.

Tin cho biết, ngày 13/7, tàu khu trục USS Benfold của Mỹ đã tiến hành các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông, áp sát quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) do Trung Quốc kiểm soát trái phép. Quân đội Trung Quốc đã theo sát chiếc tàu Mỹ và ra lệnh cho tàu rời khỏi khu vực. Quân đội Trung Quốc ra tuyên bố cáo buộc Mỹ “xâm nhập lãnh hải Trung Quốc một cách bất hợp pháp và xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc”.

Hải quân Mỹ đã phủ nhận mọi hành vi sai trái và khẳng định rằng những lời đe dọa của Trung Quốc không buộc các tàu của Mỹ rời khỏi khu vực. "Hoạt động này phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc duy trì tự do hàng hải và sử dụng hợp pháp các đại dương như một nguyên tắc", Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ nói trong một tuyên bố.

Tuyên bố cũng khẳng định: "Mỹ đang bảo vệ quyền được bay, đi thuyền và hành động của mọi quốc gia trong phạm vi luật pháp quốc tế cho phép, như tàu USS Benford đã làm ở đây. Tất cả những điều mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa nói sẽ không ngăn cản được chúng tôi."