Theo hãng tin AP, tối 5/7, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã đến Manila, trở thành bộ trưởng Ngoại giao nước ngoài đầu tiên thăm Philippines kể từ khi tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nhậm chức.
Sau khi tới Manila, ngày 6/7 ông Vương Nghị đã hội đàm với Ngoại trưởng Philippines Locsin. Chính phủ Philippines thông báo Tổng thống Marcos cũng sẽ tiếp ông Vương Nghị và Vương Nghị sẽ chuyển lời ông Tập Cận Bình mời ông Marcos sang thăm Trung Quốc.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Vương Nghị nói với ông Locsin: "Chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 46 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc mong muốn thúc đẩy phát triển lành mạnh và ổn định mối quan hệ láng giềng Trung Quốc-Philippines trên tinh thần không phô trương sức mạnh và quan tâm lẫn nhau”. Vương Nghị cũng nói: "Trung Quốc chưa bao giờ gắn bất kỳ điều kiện chính trị nào đối với sự hợp tác với Philippines, cũng như chưa có bất kỳ thứ gọi là 'cái bẫy' nào. Chúng tôi kiên trì hai bên cùng có lợi và theo đuổi cùng nhau phát triển".
Ông Locsin nói, Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Philippines và hy vọng hai bên sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi cấp cao và đẩy nhanh tiến độ hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, cơ sở hạ tầng và an ninh mạng. Với tư cách là điều phối viên quan hệ ASEAN-Trung Quốc, Philippines ủng hộ việc nâng tầm quan hệ song phương lên tầm đối tác chiến lược toàn diện và tích cực nỗ lực để đạt được mục tiêu này.
Hôm 30/6, ông Ferdinan Marcos Jr. tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Philippines (Ảnh: DPA). |
Trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines diễn ra vào đầu tháng 5 năm nay, ông Marcos Jr, con trai duy nhất của cố Tổng thống Ferdinan Marcos, đã đánh bại đương kim Phó Tổng thống Maria Robredo với tỷ số cách biệt lớn và được bầu làm Tổng thống mới; Sarah Duterte, con gái của cựu Tổng thống Duterte, được bầu làm Phó tổng thống. Trước đây đã có các thông tin cho rằng gia tộc Marcos và Duterte rất thân thiết. Marcos và Sarah có thể hợp lực để chiếm ổn định số phiếu bầu ở miền Bắc và Nam của Philippines. Đồng thời, Marcos cũng là người kế nhiệm được lòng cựu Tổng thống Duterte.
Trước khi ông Marcos nhậm chức, thế giới bên ngoài đã rất quan tâm đến việc ông sẽ cân bằng giữa Trung Quốc và Mỹ như thế nào, liệu ông có theo đuổi chiến lược ngoại giao thực dụng như thời Duterte hay không.
Ông Marcos đã có một cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày ông thắng cử. Ông cho biết đã có một cuộc điện đàm "nội dung rất phong phú" với ông Tập Cận Bình. Ông Tập đã đảm bảo ủng hộ "chính sách đối ngoại độc lập" của ông và đồng ý đối thoại toàn diện hơn. Ông đã nói với ông Tập: “Bất kể giữa hai nước có xung đột hay vấn đề gì, chúng ta đều không được để chúng có ý nghĩa lịch sử nào”.
Ông Duterte thăm Bắc Kinh năm 2016 (Ảnh: DPA). |
Ngày 30/6, ông Tập Cận Bình đã cử Phó chủ tịch Vương Kỳ Sơn tới dự lễ nhậm chức và có cuộc gặp với ông Marcos ở Manila. Vương Kỳ Sơn nói Trung Quốc luôn đặt Philippines là ưu tiên trong chính sách ngoại giao láng giềng và mong muốn hợp tác với chính phủ mới của Philippines để xây dựng tình hữu nghị, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tiếp tục hợp tác, để mở ra một "Kỷ nguyên Vàng” cho quan hệ Trung Quốc-Philippines.
Mỹ đã cử một phái đoàn do ông Doug Emhoff, chồng của Phó Tổng thống Kamala Harris, dẫn đầu tham gia lễ nhậm chức của Marcos. Ông Emhoff đã trao cho ông Marcos Jr. một lá thư của Tổng thống Joe Biden mời ông đến thăm Mỹ. Đầu tháng 6, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Sherman cũng cho biết trong chuyến thăm Philippines rằng ông Marcos có "quyền miễn trừ ngoại giao" sau khi nhậm chức và có thể yên tâm đến thăm Mỹ.
Vào những năm 1990, Tòa án Hawaii đã yêu cầu gia đình của cựu Tổng thống Philippines Marcos Sr. bồi thường 353 triệu USD cho các nạn nhân nhân quyền, nhưng gia tộc Marcos từ chối thực hiện phán quyết và năm 1995 Tòa án Hawaii đã kết tội ông Marcos và những người khác có hành vi khinh thường.
Theo báo Philippines Times, vào ngày Vương Nghị đến Philippines, ông Marcos nói với giới truyền thông tại Phủ tổng thống rằng khi gặp Vương Nghị, ông "sẽ tìm cách giải quyết xung đột với Trung Quốc" và nhấn mạnh "Tăng cường mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines."
Ông nói rằng ông có thái độ cởi mở với việc "giao lưu" giữa Manila và Bắc Kinh, bao gồm các cuộc thảo luận trong các lĩnh vực khác như đưa ra nhiều thỏa thuận liên chính phủ và liên doanh thông qua khu vực tư nhân để giải quyết các vấn đề giữa hai nước.
Ông nói: "Một trong những cách tôi luôn đề nghị là mối quan hệ của chúng ta không chỉ ở một khía cạnh - Biển Tây Philippines (tức Biển Đông). Hãy làm những việc khác nữa. Chúng tôi đã đưa ra cho họ nhiều kiến nghị, hãy giao lưu văn hóa, giáo dục, truyền thông, thậm chí là quân sự, nếu điều đó có tác dụng ... Như vậy mối quan hệ của chúng ta sẽ bình thường hóa."
Ông cũng đề cập đến sự hợp tác với những "người tham dự quan trọng" về địa chính trị trong khu vực như ASEAN và APEC.
Philippines và Trung Quốc đang tranh chấp gay gắt bãi Scaborough (Ảnh: AP). |
Ông Jose Manuel Romualdez, đại sứ Philippines tại Mỹ nói, ông Marcos biết có ẩn hoạ trong sự cạnh tranh Mỹ-Trung; ông sẽ thúc đẩy quan hệ với hai cường quốc toàn cầu để giúp nền kinh tế Philippines phục hồi sau đợt phong tỏa do dịch COVID-19 kéo dài hai năm và giảm thiểu tác động toàn cầu của hành động của Nga đối với Ukraine.
Ông Romualdez nói: "Ông ấy (Marcos Jr.) luôn luôn trích dẫn câu: ‘Đây là hai con voi, khi chúng giao đấu, chúng sẽ dẫm lên cỏ. Chúng ta chính là đám cỏ".
Hãng tin AP chỉ ra rằng ông Marcos phải đối mặt một tình huống khó xử là, giữa Bắc Kinh và Washington, thành phố nào ông ấy nên đến thăm đầu tiên?
Sau chuyến thăm Philippines, Vương Nghị cũng sẽ tới Malaysia và Indonesia, đồng thời tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 tại Bali, Indonesia. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/7 xác nhận rằng "Theo thỏa thuận của Trung Quốc và Mỹ, Ngoại trưởng Vương Nghị sẽ gặp Ngoại trưởng Antony Blinken trong Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G20 để trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc-Mỹ hiện tại và các vấn đề quốc tế và khu vực lớn."