Theo đó, 'spiderweb capitalism' được nữ nhà nghiên cứu gốc Việt này đề cập trong cuốn sách mà bà mới phát hành, có tựa đề: "Spiderweb Capitalism: How Global Elites Exploit Frontier Markets" (tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản mạng nhện: Giới tinh hoa toàn cầu đã khai thác các thị trường cận biên như thế nào).
Cuốn sách là kết quả của một nghiên cứu mà Kimberly Kay Hoang đã dày công thực hiện. Tập trung chuyên sâu về những "thị trường cận biên", Kimberly Kay Hoang đã phác hoạ tư bản mạng nhện như một mạng lưới, ẩn chứa nhiều bí ẩn, cho phép giới tinh hoa chính trị và kinh tế "không những tạo ra và bảo vệ tiền của mình mà cả danh tiếng của họ".
Thực tiễn tác nghiệp khiến Kimberly Kay Hoang nhận ra, rằng có những người giàu và siêu giàu - họ sở hữu khối tài sản khổng lồ, nhưng gần như “vô hình” trước phần còn lại của thế giới. "Họ ở mọi nơi, bởi tiền của họ ở khắp mọi nơi, nhưng về mặt pháp lý, lại chẳng thấy họ ở đâu cả" - bà nói.
Tạp chí kinh doanh Fast Company của Mỹ mới có bài phỏng vấn Kimberly Kay Hoang, cũng về chủ đề 'spiderweb capitalism'. VietTimes trân trọng chuyển ngữ và chuyển tải cơ bản nội dung bài phỏng vấn này tới quý độc giả.
- Fast Company: Hãy nói với chúng tôi về ý tưởng “chủ nghĩa tư bản mạng nhện.”
Kimberly Kay Hoang: Chủ nghĩa tư bản mạng nhện là một mạng lưới phức tạp gồm những công ty có liên kết lẫn nhau ở nhiều quốc gia và hầu như không thể nhận diện. Những trung tâm tài chính nước ngoài đã cho tạo điều kiện để giới tinh hoa kinh tế và chính trị - những người ở các nền kinh tế kém phát triển hơn – có cơ hội độc quyền và gần như hợp pháp để tích lũy của cải của họ.
Mạng lưới này rất phức tạp, và có liên quan tới nhiều tầng lớp và nhiều bên, đến nỗi việc truy vết nó là trở thành một thách thức. Mỗi thành phần của nó đều được kết nối bởi nhiều mạng lưới các chuyên gia tài chính, pháp lý, điều hành và quan hệ công chúng, tất cả họ đều ẩn danh đối với những người khác. Họ ẩn giấu mối quan hệ của họ với những thành phần khác của mạng lưới này một cách có chủ đích.
Tôi gọi những cá nhân cực kỳ giàu có đứng đằng sau kiểm soát mạng nhện này là những con nhện lớn. Nhưng những con nhện này sử dụng những kẻ gọi là “tay sai” để che đậy mối liên hệ với các giao dịch có thể bị coi là “bẩn” hoặc tham nhũng.
- Bà đã nói về cách mà những người siêu giàu thường “chơi trong vùng xám.” Vậy chính xác nó có nghĩa là gì?
Đó là cụm từ mà nhiều người tôi từng phỏng vấn đã sử dụng để mô tả cách mà họ xóa nhòa ranh giới giữa các hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp, thường là bằng cách đi trước (front-run) thị trường và luật pháp. Nhiều người cho hay – và đây là điều họ nói – “Phải, tất cả điều đó đều hợp pháp, nhưng đáng bị chỉ trích về mặt đạo đức. Tôi đáng lẽ ra nên bị bắt vì điều này. Nhưng, bà biết đó, đây chính là cách mà thị trường tài chính vận hành".
Chơi trong vùng xám cũng là chỉ một cảm xúc. Ở các thị trường mới nổi và thị trường cận biên, người ta không đưa ra các khoản đầu tư dựa trên những thuật toán cực kỳ tinh vi để tính toán rủi ro. Thay vào đó, nó dựa trên “linh cảm” có được thông qua một mạng lưới những người chuyên cung cấp cho các nhà đầu tư thông tin của người trong cuộc hoặc cách tiếp cận với những thỏa thuận không công khai.
- Bà hãy cho một ví dụ về những “hoạt động đáng lên án về mặt đạo đức” này?
Tôi sẽ đi đến các cuộc hội thảo, nơi mà giới chức chính quyền yêu cầu thứ mà họ cần để khuyến khích các khoản đầu tư nước ngoài. Và câu trả lời là để cho các chuyên gia tài chính cùng chắp bút viết các điều luật và chính sách về thuế, chuyển giá, và các hoạt động khác cho phép doanh nghiệp nước ngoài hoạt động mà chỉ chịu rất ít thuế, hoặc không bị đánh thuế.
Những người siêu giàu thường sử dụng các thể chế nước ngoài và công ty vỏ bọc để né các vấn đề về pháp lý và trốn thuế một cách hợp pháp ở cả quốc gia mà họ thuộc về và quốc gia mà họ đầu tư vốn.
Những thực thể nước ngoài này còn cho phép họ thiết lập những “bức tường lửa” pháp lý để ngăn cách tài sản của họ với đủ mọi loại rủi ro về tội hình sự và dân sự, và để bảo vệ khối tài sản tích lũy khỏi những quốc gia muốn cáo buộc các nhà đầu tư tội tham nhũng hoặc có tranh chấp với nhiều đối tác kinh doanh. Chúng cũng cho phép giới siêu giàu che giấu danh tính bằng cách thuê các chuyên gia tài chính khác đứng ra để thực hiện những thỏa thuận này.
Một người mà tôi từng phỏng vấn nói rằng tôi phải trả nhiều thuế hơn so với họ. Họ có thể chỉ phải trả 5% tiền thuế khi ở Hong Kong hoặc Singapore, và 0% ở Quần đảo Virgin, Cayman và Seychelles. Về mặt pháp lý, cơ bản là họ tuyên bố đang bị vướng nợ hoặc thua lỗ ở trong nước, nơi mà họ có hoạt động, và sau đó tuyên bố lợi nhuận ở nước ngoài, thường là ở công ty mẹ của các công ty trong nước nói trên.
Một hoạt động hợp pháp khác nhưng đáng lên án về mặt đạo đức chính là “chạy trước luật pháp” hoặc thực hiện những chiến lược mang lại lợi nhuận cao trước khi quy định được định hình ở các nền kinh tế phát triển và đem chúng áp dụng cho các thị trường cận biên, nơi mà họ đi trước các quy định chính thức.
Ví dụ, các hoạt động chuyển giá, khi mà nhiều công ty là một phần của cùng một thực thể theo đuổi các ngành dịch vụ, dịch vụ tư vấn hay tài sản trí tuệ. Họ lấy những hoạt động chuyển giá đó và mang tới Trung Quốc. Và sau đó, một khi chúng đã được mang tới Trung Quốc, họ lại đưa chúng tới một số quốc gia mục tiêu, chẳng hạn như nước nào đó ở Asean. Họ nói rằng họ bắt chước điều mà các nền kinh tế phát triển hơn đang làm, và họ cứ tiếp tục làm như vậy đối với các thị trường mới nổi.
- Bà thấy sao về vụ bê bối của quỹ đầu tư 1Malaysia Development Berhad (1MDB) – và thực tế là Goldman Sachs thừa nhận có kế hoạch chi hơn 1 tỉ USD tiền hối lộ cho các quan chức ở Malaysia và Abu Dhabi để có được những thỏa thuận béo bở. Liệu đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng?
Đúng vậy, nó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Tôi nghĩ đây là phần thú vị nhất. Thế giới này rất rộng lớn và trần tục, đến nỗi tôi không nghĩ rằng có công ty hay cá nhân nào có thể thực sự tuyên bố rằng họ đứng trên hoặc không tham gia vào các 'mạng nhện' này.
Như một người tôi phỏng vấn đã nói, “Jho Low (doanh nhân Malaysia lưu vong, bị truy nã vì dính líu tới vụ bê bối 1MDB) là một kẻ tự luyến tham lam. Bà có tin rằng kẻ như vậy lại kín tiếng được không?... Hắn ta thoát được là bởi (Chính phủ của) Malaysia và Singapore sẽ xóa nợ… để tránh bê bối có thể xóa sạch danh tiếng của họ.”
Phần lớn những người mà tôi phỏng vấn đều kín tiếng, và họ hoạt động theo một chiến lược ẩn mình dưới những mạng nhện tư bản.
PGS Kimberly Kay Hoang đang giảng dạy tại Đại học Chicago (Ảnh: uchicago) |
- Vậy những người siêu giàu đang ẩn náu đằng sau những người khác. Cuốn sách của bà từng dẫn một nguồn tin nói, “Đằng sau mọi CEO là một vị chủ tịch, người này giàu đến nỗi họ không ở đâu cả và cùng ở mọi nơi, và không phải chịu trách nhiệm với ai cả.” Hãy cho chúng tôi biết thêm về điều này.
Đây chính là điều giúp tôi phát hiện ra sự khác biệt giữa những cá nhân siêu giàu và những vị chuyên gia tài chính giàu có được thuê để quản lý tiền của họ. Nhiều vị giám đốc điều hành mà tôi phỏng vấn nói rằng, mặc dù họ thường xuyên trở thành đại diện của một thỏa thuận được đăng tải trên báo chí và truyền thông, nhưng họ chỉ đang làm công việc quản lý tiền cho những người khác – những người thường “vô hình” trong mạng nhện tư bản.
Những cá nhân siêu giàu này chuyển tất cả những rủi ro về pháp lý và phạm tội liên quan tới hoạt động tại các thị trường có mức độ tham nhũng cao sang cho các vị giám đốc điều hành này.
Ví dụ như ông Timothy Leissner – cựu giám đốc quản lý tại Goldman Sachs kiêm chủ tịch bộ phận Đông Nam Á của ngân hàng này – trong thỏa thuận liên quan tới Goldman Sachs và 1MDB.
Những người mà tôi phỏng vấn đều thông cảm với ông ta bởi họ hiểu ông ta chỉ là kẻ giơ đầu chịu báng, khi xuất hiện những cáo buộc tham nhũng. Ngay cả trong những trường hợp khi một ai đó như ông Leissner phải trả khoản tiền phạt khổng lồ, những người đứng đằng sau ông ta hiếm khi phải từ bỏ lợi nhuận của họ. Đó là một trường hợp cực đoan, bởi trong số những người mà tôi nghiên cứu, rất hiếm khi vị chủ tịch này xuất hiện ở bất cứ đâu.
Họ ở mọi nơi, bởi tiền của họ ở khắp mọi nơi, nhưng về mặt pháp lý, họ cũng không ở đâu cả và rất khó bị nhìn thấy.
- Vậy ai hay thứ gì là kẻ cầm đầu lớn nhất trong mạng nhện này?
Anh không thể chỉ ra một cá nhân hay một kẻ cầm cân nảy mực. Bởi nó mang tính hệ thống. Người ta tự xem mình như thể một bánh răng trong hệ thống.
Nhưng có một tác nhân chính là, các chuyên gia tài chính đang lựa chọn các vấn đề về pháp lý và hoạt động ở các nền kinh tế ít phát triển hơn. Tôi thậm chí có thể tranh luận rằng, trong những năm gần đây, dưới thời chính quyền Donald Trump, tầng lớp tinh hoa chính trị cũng giống như giới tinh hoa tài chính.
Ở các thị trường cận biên và đang nổi, giới tinh hoa tài chính có quan hệ rất mật thiết với giới tinh hoa chính trị. Trong đó, giới tinh hoa chính trị lựa chọn không ban hành các bộ luật hay chính sách để quản lý các hoạt động tài chính của giới tinh hoa tài chính, hoặc không thực thi các bộ luật đó.
Tôi từng đi cùng với nhiều nhà quản lý quỹ huy động vốn cho hàng loạt dự án đầu tư ở Myanmar chẳng hạn, và một trong những cách mà họ tự bán mình là nói “chúng tôi có quyền tiếp cận những thỏa thuận này”, điều đó có nghĩa rằng họ có quan hệ chính trị để cấp phép hoặc tiếp cận với các doanh nghiệp nhà nước đang tư nhân hóa đủ loại thỏa thuận vốn không sẵn có trên thị trường công.
Chúng ta cũng bắt đầu chứng kiến kiểu hoạt động này dưới thời chính quyền Trump, khi mà Jared Kushner tới Trung Quốc và Trung Đông, hầu như chỉ để bán mối quan hệ chính trị của bản thân mình. Những hoạt động mà tôi từng cho là chỉ có thể xảy ra ở các thị trường cận biên - mới nổi này có thể đã xảy ra ở nước Mỹ và ở các nền kinh tế phát triển.
- Bà bắt đầu cuộc nghiên cứu này với ý tưởng ban đầu về khoảng cách giàu nghèo, nhưng lại kết thúc bằng một thực tế khác. Hãy giải thích về điều này.
Khi tôi mới bắt đầu nghiên cứu này, tôi thường nghĩ về phong trào Chiếm Phố Wall (Occupy Wall Street) và một câu chuyện gây chia rẽ nước Mỹ giữa 1% và 99% còn lại. Phong trào đó bắt đầu cho chúng ta thấy một tầng lớp trung lưu đang thu nhỏ và sự chia rẽ rộng lớn giữa người giàu và người nghèo ở nước Mỹ. Dự án này cho tôi thấy rằng, có rất nhiều sự đa dạng trong top 10% người giàu nhất, và thậm chí top 1% những người giàu nhất còn đa dạng hơn.
Điều mà tôi không ngờ đến được là việc gia tăng bất bình đẳng toàn cầu. Thứ mà tôi học được là, những người giàu ở thế giới thứ ba có quan hệ tài chính với giới tinh hoa của Newport Beach, California; New York, Toronto và nhiều hơn nữa.
Khi những người siêu giàu có sự tiếp cận tới toàn thế giới, điều đó có nghĩa rằng họ có quyền lựa chọn những khu vực pháp lý có tác động tới hoạt động tài chính của họ. Những thị trường tài chính này được kết nối lẫn nhau theo cách mà không chỉ là sự chia rẽ giữa thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba.
- Bà kỳ vọng gì từ cuốn sách này?
Tôi hy vọng rằng nó sẽ cung cấp thông tin cho cộng đồng về cách vận hành của những hệ thống này, và khơi nguồn cảm hứng để những người có tài năng hỗ trợ chúng ta đưa ra những chính sách tốt hơn để kiểm soát những hoạt động đó, và điều phối hợp tác giữa chính phủ các nước.
Khi thế giới ngày càng trở nên bất bình đẳng, và không ai kiểm soát hoạt động tài chính của các tỉ phú, nó sẽ gây thêm nhiều vấn đề xã hội. Tôi hy vọng rằng cuốn sách sẽ mở ra một cuộc tranh luận, và từ đó khơi dậy những cách suy nghĩ mới về các thị trường toàn cầu có liên kết sâu sắc của chúng ta.
Cuối cùng, tôi tin rằng những người trong số chúng ta đang bị mắc kẹt trong những mạng nhện chỉ là những con mồi bị vướng vào đó.
Nữ giáo sư người Mỹ gốc Việt Kimberly Kay Hoang là chuyên nghiên cứu các vấn đề về giới, toàn cầu hoá, kinh tế xã hội học.
Bà từng dành 5 năm hoá thân thành cô gái phục vụ quán bar để tìm hiểu về hoạt động lẫn vai trò của mạng lưới mại dâm đầy phức tạp ở Tp. HCM.
Nghiên cứu nhập vai của bà tại TP. HCM được Hiệp hội Xã Hội học Mỹ (ASA) đánh giá là "độc đáo" và tạo ra cách hiểu mới với các vấn đề phức tạp của mối quan hệ sản xuất và tái sản xuất trên thị trường toàn cầu./.
[ĐỌC CHẬM CUỐI TUẦN] Nghị quyết 18, đất đai và công bằng xã hội
Ngân hàng Mỹ Goldman Sachs xin bồi thường 2 tỷ USD vì trách nhiệm liên đới trong vụ đại án công ty 1MDB, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bác thẳng thừng!
[ĐỌC CHẬM] Indonesia: Câu chuyện phát triển đáng kinh ngạc nhất thế giới...
Nguồn tham khảo: Fast Company