Trong những ngày xét xử vụ án Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, với bị cáo Nguyễn Minh Hùng cùng 11 đồng phạm; doanh nhân Ngô Nhật Phương (chồng ca sĩ Trang Nhung) đều có mặt ở tòa.
Ông Phương đến vì bị tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Cụ thể, ông đã cử người giúp Hiệp hội Dược Ấn Độ nộp tài liệu đến cơ quan điều tra, chứng minh thuốc H-Capita là thuốc được sản xuất ở Ấn Độ và đạt tiêu chuẩn. Khi thư ký của ông Phương đem đến nộp thì tòa bắt trình CMND và sau đó gọi người này lên.
"Thư ký nói làm theo lệnh của tôi. Sau đó bên công an triệu tập tôi lên làm việc tổng cộng 7 lần và khi tòa xử lại tiếp tục triệu tập", ông Phương nói.
"Kinh doanh dược phải có lương tâm"
Ông Phương cho biết khi công ty dược ở Ấn bán thuốc cho Việt Nam, họ được đề nghị ghi xuất xứ ở Canada nhưng công ty này không đồng ý, nói bên mua có thể tự dán nhãn khi thuốc xuất ra khỏi Ấn Độ.
Trước phiên tòa VN Pharma, Ấn Độ lo ngại thông tin thuốc giả sẽ ảnh hưởng đến thị trường của họ nên cử người nộp hồ sơ, tài liệu cho cơ quan điều tra.
Việc ông Phương xuất hiện ở tòa, khẳng định H-Capita là thuốc thật khiến nhiều người đặt câu hỏi về mối quan hệ của ông với các bị cáo trong vụ án này.
Ông Ngô Nhật Phương. Ảnh:Lê Quân. |
Trao đổi với Zing.vn, ông Phương khẳng định không hề quen biết bị cáo Nguyễn Minh Hùng và Võ Mạnh Cường. Tuy nhiên, ông Phương có biết bị cáo Ngô Anh Quốc (nguyên Phó tổng giám đốc VN Pharma) và Phạm Văn Thông (dược sĩ). Vợ bị cáo Quốc và Thông có thời gian làm tại công ty dược của ông Phương lúc vụ án ở VN Pharma đang bị điều tra.
"Thời điểm họ làm cho tôi thì có tin đồn rằng tôi đứng đằng sau vụ án này, ngay cả bên công an cũng hỏi. Nhưng tôi khẳng định tôi không bao giờ làm chuyện bậy bạ này", ông Phương nói.
Ông cho rằng bản thân "quá mệt mỏi" khi cứ bị triệu tập lên cơ quan điều tra rồi lên tòa dù ông không hề liên quan đến vụ án. Tuy nhiên, điều ông mong muốn là thông tin được truyền tải đúng đắn, thuốc H-Capita chưa được bán ra thị trường, chưa được người bệnh ung thư uống và chất lượng hoàn toàn đạt tiêu chuẩn.
"Với hành vi phạm tội của Hùng và Cường thì cần phải xử nghiêm vì trục lợi trên người bệnh. Đã làm kinh doanh phải đàng hoàng và có lương tâm, kinh doanh dược càng phải có đạo đức vì là mạng sống con người. Nhưng vấn đề quan trọng là đừng đánh lừa dư luận để người dân hoang mang. Phải chỉ rõ bản chất bị cáo làm hồ sơ giả Canada giả để làm gì? Là để hợp pháp hóa hàng Ấn Độ. Vì sao hàng Ấn Độ hồ sơ thật lại không dùng? Vì nếu dùng thì có lời đâu, rẻ như bèo", ông Phương lý giải.
Nếu thuốc "kém chất lượng" có làm giảm tội các bị cáo?
Ngoài ông Phương, bị cáo Hùng cùng các luật sư cũng tranh cãi gay gắt với VKS xoay quanh việc H-Capita là thuốc giả hay thuốc kém chất lượng.
Cựu Tổng giám đốc VN Pharma cho rằng thuốc chỉ giả về nhãn mác xuất xứ, tức là giả về nguồn gốc, còn chất lượng thì hoàn toàn thật. Cục Quản lý dược Bộ Y tế tại tòa cũng khẳng định lô thuốc H-Capita đạt tất cả tiêu chuẩn lúc xuất xưởng. Do đó, thuốc đủ điều kiện sử dụng để chữa bệnh.
Tuy nhiên, VKS vẫn bảo lưu quan điểm thuốc giả về nguồn gốc lẫn chất lượng và cho rằng Cục Quản lý dược đang bao che cho hành vi của các bị cáo trong vụ án.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Đoàn Luật sư TP.HCM) đánh giá, để xác định thuốc H-Capital có phải là thuốc giả hay không thì cần căn cứ vào quy định của Luật Dược. Hiện Luật Dược 2016 đang có hiệu lực, nhưng thời điểm VN Pharma nhập thuốc là năm 2014, nên cẩn phải giải thích theo nguyên tắc có lợi, áp dụng Luật Dược 2005.
Theo khoản 24 Điều 2 Luật Dược 2005: "Thuốc giả" là sản phẩm được sản xuất dưới dạng thuốc với ý đồ lừa đảo, thuộc một trong những trường hợp như không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng hàm lượng đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn; mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác.
Luật sư Nguyễn Đình Hưng - bào chữa cho bị cáo Hùng. Ành:Lê Quân. |
Theo luật sư, kết quả giám định cho thấy H-Capital là một dạng thuốc có đủ 97% hàm lượng dược chất điều trị ung thư, nhưng có chứa 0,17 % tạp chất (vượt quá mức quy định) nên không đạt tiêu chuẩn chữa bệnh cho người.
"Chiếu theo quy định trên, H-Capital vẫn có dược chất và không mạo tên, kiểu dáng công nghiệp của thuốc đã đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp của cơ sở sản xuất khác. Do đó, việc xác định có phải thuốc giả theo Luật Dược hay không sẽ gây tranh cãi. Sẽ có quan điểm cho rằng những thông tin đăng ký và ghi nhãn thuốc đã là giả mạo thì thuốc không thể thật được", luật sư Hưng phân tích.
Những vấn đề có thể gây tranh cãi đó đã được khắc phục trong Luật Dược 2016, đã giả mạo nguồn gốc, xuất xứ thì dù có đủ hàm lượng thì cũng được xác định là thuốc giả. Tuy nhiên, Luật Dược 2005 lại không quy định rõ.
Luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng bản chất vụ án không thay đổi dù là áp dụng theo định nghĩa của Luật Dược 2005.
Bởi hiện tại hồ sơ vụ án thuốc H-Capita không rõ nguồn gốc. Chỉ có văn bản của Cục Quản lý dược nói do Ấn Độ sản xuất. Chiếu theo khái niệm "thuốc giả" trong luật 2005 thì không áp được hành vi nào. Nhưng theo định nghĩa thông thường thì thuốc đó giả xuất xứ, giả về hình thức, nhãn mác.
"Việc xác định H-Capital có phải thuốc giả hay không là rất quan trọng nhằm định tội và xác định mức độ chịu trách nhiệm hình sự một cách đúng đắn", luật sư Hưng nhất mạnh.
Đồ họa: Phượng Nguyễn. |
Theo Zing News