Theo báo cáo mới nhất của Vụ Quản lý doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), 10 tổng công ty thuộc bộ này sau gần một năm hoạt động theo mô hình cổ phần, các chỉ số về sản xuất kinh doanh như: sản lượng, doanh thu và lợi nhuận đều tăng so với thời điểm trước cổ phần hóa.
Trong đó, tổng tài sản tăng 18,59%, vốn chủ sở hữu tăng 17,21%, doanh thu tăng 15,23%. Đặc biệt, lợi nhuận trước thuế của 10 Tổng công ty này đã tăng 82,96% và nộp ngân sách tăng 108%. Thu nhập bình quân của người lao động tăng 22,6%.
Nhiều doanh nghiệp trước đây khi còn là doanh nghiệp nhà nước doanh thu rất thấp, việc làm thiếu. Ví dụ như Tổng công ty Xây dựng đường thủy (Vinawaco), trước khi cổ phần hóa, doanh nghiệp này ngập trong nợ nần và thiếu việc làm.
Năm 2013, trước khi cổ phần hóa, doanh thu của Vinawaco chỉ có 586 tỉ đồng, sau cổ phần hóa, doanh thu đã tăng lên 1.020 tỉ đồng. Lợi nhuận cũng tăng từ 660 triệu đồng năm 2013 lên 16 tỉ đồng năm 2014. Thu nhập bình quân của người lao động tăng từ 3,9 triệu đồng/người lên 7 triệu đồng/người/tháng.
Một doanh nghiệp khác là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) trong năm 2014, lợi nhuận cũng tăng trên 58%. Trước đây thu nhập bình quân của người lao động tại Tổng công ty này khoảng 8 – 9 triệu/tháng. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, thu nhập trung bình tăng lên khoảng 10 triệu đồng /người/tháng.
Theo Bộ Trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, cổ phần hóa là để đổi mới phương pháp quản trị doanh nghiệp, minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, làm cho doanh nghiệp tốt hơn. Giao cho tư nhân thì doanh nghiệp sẽ hoạt động lành mạnh, người lao động được hưởng lợi. Còn Nhà nước chỉ lo việc kiểm tra, giám sát chứ không còn phải lo việc sản xuất, kinh doanh như trước.
Chính vì vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của Bộ GTVT là tiến hành cổ phần hóa thêm 14 doanh nghiệp và 29 đơn vị sự nghiệp. Trong số này có nhiều đơn vị lớn như Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy, Bệnh viện Giao thông Vận tải…
Theo kế hoạch, đến hết năm 2015, Bộ GTVT chỉ còn lại 16 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong những lĩnh vực đặc biệt như đảm bảo an toàn hàng hải, đảm bảo hoạt động bay, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt...
Theo TBKTSG