Nathan Resnick, người điều hành trẻ tài năng của công ty khởi nghiệp Sourcify nói với Forbes: “Do cuộc chiến về thuế quan mới đây, công ty chúng tôi không còn thấy hứng thú với việc sản xuất ở Trung Quốc nữa”. Trụ sở chính của Sourcify đặt ở Sandiego. Nathan Resnick nói: “Hiện nay chúng tôi có các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh, Việt Nam, Mexico và Philippines. Ngoài Trung Quốc, giá nhân công ở các nơi khác thực tế còn rẻ hơn, cho nên những sản phẩm cần những công việc như cắt may, thì đại đa số công ty đã được chuyển khỏi Trung Quốc”.
Nathan Resnick nói thêm: “Tôi đã qua lại Trung Quốc nhiều năm, giá thành sản xuất ở đó ngày càng đắt lên, nay thì thêm thuế cao, sao không chuyển đến nơi khác để sản xuất kia chứ? Các công ty đều bày tỏ, nỗi lo sợ về thuế đã hạ thấp hứng thú sản xuất ở Trung Quốc của họ”.
Sourcify là một công ty nhỏ, nhưng Kerry của nhà tỷ phú Hongkong Quách Hạc Niên lại là một tập đoàn công ty cung ứng hàng hóa lớn. Tờ SCMP đưa tin, Kerry đã chuyển một bộ phận dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc Đại Lục tới các quốc gia châu Á khác để tránh phải chịu thuế suất cao. Ông Mã Vinh Khải, Tổng giám đốc Tập đoàn Kerry nói: “Ngay từ hồi tháng 3, các khách hàng của chúng tôi đã di chuyển một bộ phận dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc đến một số nước châu Á khác đã có nhà máy của họ. Đó là việc phân phối lại căn cứ sản xuất trên toàn cầu”.
Trong mấy năm qua,Trung Quốc luôn chuyển giao các dây chuyền lắp ráp theo hướng tự động hóa, đưa ngành chế tạo giá thành rẻ sang các nơi như Việt Nam. Trung Quốc hiện là nước sản xuất người máy sử dụng trong dây chuyền lắp ráp lớn nhất thế giới. Với việc Trung Quốc nâng cao các chuỗi giá trị, những ngành nghề cũ như may mặc đang dần dần rời khỏi Trung Quốc. Nay, cùng với việc thuế suất cao ập tới, các công ty đã đẩy nhanh tiến độ di dời.
Ông Rajiv Biswas, nhà kinh tế của HIS Markit Châu Á – Thái Bình Dương nói, danh mục 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc sắp bị tăng thuế cho thấy Washington đang nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu then chốt của ngành chế tạo Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm điện tử, dệt may, sản phẩm kim khí và phụ tùng xe hơi.
Trong một báo cáo, ông Rajiv Biswas viết: “Khoảng một nửa số hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ phải hứng chịu mức thuế quan có tính trừng phạt của Mỹ. So với các hãng sản xuất hàng xuất khẩu ở các thị trường mới nổi khác như Việt Nam, Hàn Quốc, Thái Lan, Bangladesh, Mexico và Brazil, lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị giáng đòn rất mạnh”.
Mathan Resnick - ông chủ trẻ tuổi của Sourcify cho biết bắt đầu di dời công ty khỏi Trung Quốc
|
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, cố vấn của Tổng thống Donald Trump, ông Steve Bannon đã nói: chính sách dân tộc chủ nghĩa của Nhà Trắng cuối cùng nhằm tới tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu để có lợi hơn cho ngành chế tạo của Mỹ.
Ông Lưu Thiếu Hiên, Viện trưởng Học viện Sáng tạo cung ứng Ninh Ba, Trung Quốc nói với “The Wall Strett Journal”: một trong những ảnh hưởng lâu dài của chính sách thuế quan Mỹ là đẩy nhanh xu thế di chuyển ngành chế tạo từ các thị trường mới nổi quay về Mỹ hoặc tới các nước phát triển khác.
Hiện các công ty chế tạo Trung Quốc đã đứng trước áp lực về giá thành lao động cao, nay chính sách thuế quan của Mỹ lại càng khiến giá thành tăng hơn nữa. Ông Hiên khẳng định: “Mức thuế tăng lần này nhất định sẽ khiến thay đổi mọi chuyện”.
Một số học giả nổi tiếng và quan chức chính phủ đã bắt đầu tỏ ý nghi ngờ về chính sách kinh tế phát triển chậm lại và dựa vào mậu dịch liệu có chịu đựng được các đòn tấn công liên tiếp của ông Donald Trump hay không. Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã bị sụt giảm lớn do cuộc chiến tranh thương mại này.