Sáng 2/4, kênh YouTube MixiGaming đã bị tấn công chiếm quyền điều khiển. Hacker sau đó đã ẩn hết nội dung video và dùng kênh này để livestream nội dung quảng cáo tiền mã hóa.
MixiGaming là kênh YouTube thuộc sở hữu của Phùng Thanh Độ (SN 1989), thường được biết đến với tên Độ Mixi.
Theo số liệu thống kê của SocialBlade, các video được đăng tải trên MixiGaming có tổng cộng hơn 3,2 tỷ lượt xem, xếp thứ 611 thế giới về số lượng người theo dõi. Trong 30 ngày gần nhất, lượng người theo dõi "khủng" kiếm về cho kênh MixiGaming 52,8 triệu lượt xem.
Sau vụ việc MixiGaming bị tấn công, câu hỏi mà nhiều người đặt ra là vụ việc sẽ gây thiệt hại thế nào cho chủ sở hữu kênh YouTube này?
Thống kê của Social Blade cho thấy, chi phí cho mỗi 1.000 lượt quảng cáo (CPM) trên YouTube dao động trong khoảng từ 0.25-4 USD. Social Blade ước tính số tiền thu được hàng tháng của kênh MixiGaming sẽ dao động trong khoảng từ 7 chiếc máy ảnh (giá 1.995 USD) cho đến 5 chiếc ô tô Tesla Model 3 (giá 47.000 USD).
Tức là, theo ước đoán của Social Blade, doanh thu hàng tháng từ YouTube của kênh MixiGaming sẽ dao động trong khoảng từ 14.000 USD đến 235.000 USD. Mặc dù vậy, theo nhiều YouTuber Việt Nam, các con số thống kê về doanh thu từ Social Blade thường chưa phản ánh chính xác, số liệu bị cao vọt lên hẳn so với thực tế thu nhập của họ.
Một chuyên gia về kiếm tiền trên YouTube cho biết, ở các quốc gia Âu Mỹ, tùy theo từng chủ đề, các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube sẽ nhận được khoảng từ 4-8 USD với mỗi 1.000 lượt xem. Tuy vậy, tại Việt Nam, con số này thường dao động trong khoảng từ 0,3-0,7 USD trên 1.000 lượt xem, thậm chí thấp hơn.
Với các YouTuber, thông số này được phản ánh qua chỉ số RPM (Revenue per mille) hay doanh thu mỗi 1.000 lần hiển thị.
Nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch doanh thu YouTube giữa thế giới và Việt Nam đến từ hiệu quả của quảng cáo. Tại các nước phương Tây, tỷ lệ chuyển đổi giữa việc xem, click vào quảng cáo đến quyết định mua hàng thường ở mức cao.
Trong khi đó, tại Việt Nam, việc xem quảng cáo trên YouTube có tỷ lệ chuyển hóa thành đơn hàng thấp. Do không ảnh hưởng nhiều đến quyết định mua hàng, đơn giá mà các nhà sáng tạo nội dung Việt nhận về trên số lượt xem video vì thế cũng thấp theo.
Ngoài ra, do có nhiều người sử dụng thủ thuật (tip, trick) để câu view bất chấp, lượng lượt xem ở thị trường Việt Nam thường có điểm tín nhiệm không cao. Trong trường hợp đặt quá ít quảng cáo hoặc lượng người click vào quảng cáo quá thấp, tỷ lệ RPM của một kênh YouTube Việt Nam có thể tụt xuống 0,1 hoặc 0,2 USD/1.000 lượt xem, thậm chí về mức 0.01 USD/1.000 lượt xem.
Từ đơn giá này, cộng với số lượng lượt xem, ta có thể ước tính một cách tương đối thu nhập từ YouTube của Độ Mixi. Với 52,8 triệu lượt xem trong tháng qua, nếu áp đơn giá thấp 0,2 USD, số tiền Phùng Thanh Độ kiếm về trong tháng qua là khoảng 10.500 USD.
Điều này cũng có nghĩa, mỗi ngày, số tiền kiếm về từ YouTube của Độ Mixi là khoảng 350 USD/ngày. Với tỷ giá 1 USD đổi 24.620 đồng, số tiền thiệt hại của Độ Mixi khi kênh YouTube dừng hoạt động mỗi ngày là khoảng 8,7 triệu đồng. Nếu thời gian khắc phục sự cố kéo dài hoặc thậm chí mất kênh, con số thiệt hại sẽ còn lớn hơn nhiều.
Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng đây mới chỉ là nguồn thu từ YouTube. Thông thường, các YouTuber sẽ có nhiều nguồn thu, đến từ nhiều nền tảng số khác nhau. Nếu được các nhãn hàng quan tâm, những ngôi sao mạng xã hội như Độ Mixi còn kiếm được nhiều nguồn thu khác từ các hợp đồng quảng cáo, tài trợ.