Định giá 3,2 tỷ USD, BSR trở thành DN có vốn hóa lớn nhất được CPH

VietTimes -- Ngày 31/5/2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký Quyết định số 1938/QĐ-BCT về việc xác định giá trị Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam để cổ phần hóa.
Một góc NMLD Dung Quất. (Ảnh: BRS)
Một góc NMLD Dung Quất. (Ảnh: BRS)

Theo đó, giá trị doanh nghiệp của BSR tại thời điểm ngày 31/12/2015 là 72.879.914.663.162 đồng (bảy mươi hai ngàn tám trăm bảy mươi chín tỷ, chín trăm mười bốn triệu, sáu trăm sáu mươi ba ngàn, một trăm sáu mươi hai đồng), tương đương khoảng 3,2 tỷ USD. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 44.934 tỷ đồng.

Việc xác định giá trị doanh nghiệp là căn cứ để Công ty TNHH một thành viên Lọc Hóa dầu Bình Sơn thực hiện các công việc tiếp theo để cổ phần hóa. Đây là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất từ trước đến nay tiến hành cổ phần hóa.

Trước đó, ngày 6/11/2015, Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã ra Quyết định số 2665/QĐ-DKVN về việc cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Việc triển khai cổ phần hóa Công ty BSR là thực hiện chủ trương của Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP và Nghị định 189/2013/NĐ-CP.

Công ty BSR là đơn vị quản lý, vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, chuyên cung cấp các sản phẩm chính gồm: Propylene, polypropylene, khí hóa lỏng, xăng RON 92 và 95, xăng E5/E10, nhiên liệu phản lực JET A1, dầu hỏa, dầu Diesel, dầu nhiên liệu và lưu huỳnh.

Sản lượng sản xuất luỹ kế của BSR từ khi Nhà máy đi vào hoạt động đến 5 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng 47 triệu tấn với tổng doanh thu gần 40 tỷ USD. Trong đó, luỹ kế số tiền nộp ngân sách nhà nước trên 7 tỷ USD, gấp đôi tổng mức đầu tư (3 tỷ USD).

Trong 3 tháng đầu năm 2017, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn đầu tư của chủ sở hữu (ROE) đạt 8,67 %; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu (ROA) đạt 4,81 %. Hệ số bảo toàn vốn là 1,091.

Cho dù giá dầu biến động nhưng BSR vẫn giữ vững hoạt động có hiệu quả với tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu rất cao qua các năm như năm 2015 là 21% (lợi nhuận sau thuế là 6.000 tỷ đồng) và năm 2016 là 14% (lợi nhuận sau thuế là 5.000 tỷ đồng).

Dự kiến BSR sẽ IPO trong quý IV năm nay và sẽ chào bán khoảng 5 – 6% cổ phần. Trong thời gian tới, BSR tiếp tục chào bán cho các nhà đầu tư định danh và nhà đầu tư chiến lược để đầu tư phát triển phân khúc hóa dầu và chế biến sâu nhằm mang lại hiệu quả cao trong tương lai.

BSR được thành lập theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu số 3404000189 ngày 05/06/2008. Theo Giấy đăng ký kinh doanh thay đổi ngày 04/12/2012, vốn điều lệ của Công ty tăng từ 19.000 tỷ đồng lên 35.009 tỷ đồng.

Cập nhật tại thời điểm 31/12/2016, giá trị vốn chủ sở hữu của BSR đạt 32.368 tỷ đồng, nợ phải trả là 28.952 tỷ đồng. Tổng số nhân viên của Công ty tại thời điểm cuối năm 2016 là 1.541 người, giảm 6 người so với cách đó 1 năm.

Hiện, BSR là công ty con và do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giữ 100% vốn điều lệ.

Về cấu trúc doanh nghiệp, BSR có 02 công ty con, là Công ty Cổ phần Nhà và Thương mại Dầu khí (PV Building) và Công ty Cổ phần Nhiên liệu Sinh học dầu khí Miền Trung (BSR-BF).

Tỷ lệ sở hữu của BSR tại PV Building là 83,26%; với giá trị đầu tư tính tại ngày 31/12/2016 là 146 tỷ đồng.

Còn tại BSR-BF, tỷ lệ sở hữu của BSR là 65,54% với giá trị đầu tư tính tại ngày 31/12/2016 là 742 tỷ đồng.

Nên biết, BSR-BF chính là chủ sở hữu của nhà máy Bio Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi). Dự án có tổng vốn gần 1.900 tỷ đồng này từng làm nóng dư luận về sự lãng phí và thiếu hiệu quả.

Do sản phẩm làm ra bán quá chậm, chi phí sản xuất lại lỗ nặng nên Bio Ethanol Dung Quất buộc phải tạm dừng hoạt động từ tháng 4/2015./.