Điều gì xảy ra khi Trung Quốc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định CTCPP?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày 16/9, Trung Quốc đã chính thức nộp đơn xin gia nhập "Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương" (CPTPP) – động thái khiến dư luận quốc tế rất quan tâm.
 Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tác động mạnh đến kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: niutanqin).
Việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ tác động mạnh đến kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Ảnh: niutanqin).

Ngày 16/9, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã đệ trình công thư chính thức của Trung Quốc về việc xin gia nhập CPTPP cho ông Damien O'Connor, Bộ trưởng Bộ Thương mại và Tăng trưởng Xuất khẩu New Zealand, là cơ quan lưu chiểu của CPTPP. Bộ trưởng của hai nước cũng đã hội đàm qua điện thoại để trao đổi về công việc tiếp theo liên quan đến việc Trung Quốc chính thức xin gia nhập CPTPP.

Trước đó, ông Trương Kiến Bình, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Khu vực thuộc Viện nghiên cứu Bộ Thương mại, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Daily Economic News rằng CPTPP là hiệp định thương mại tự do khổng lồ song song với RCEP. Năm 2014, khi Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Bắc Kinh, Trung Quốc và các quốc gia khác đã cùng nhau xây dựng lộ trình Bắc Kinh hướng tới Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy nhất thể hóa kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương.

Ông Vương Thụ Văn, Thứ trưởng Bộ Thương mại kiêm Phó đại diện các cuộc đàm phán thương mại quốc tế, đã phát biểu tại Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2020 tại Trung Quốc rằng CPTPP đã có hiệu lực được gần hai năm. Sau khi ký kết thành công RCEP, cả hai con đường đã thành hình. Trung Quốc sẽ làm việc với các nền kinh tế khác nhau để cùng thúc đẩy Khu vực Thương mại Tự do Châu Á - Thái Bình Dương từ tầm nhìn trở thành hiện thực.

Ông Trương Kiến Bình nói với phóng viên Daily Economic News, một khi tham gia đồng thời hai hiệp định thương mại tự do, Trung Quốc sẽ đóng vai trò là một trong những động lực quan trọng nhất trong quá trình nhất thể hóa kinh tế châu Á - Thái Bình Dương; có được vị trí chiến lược chủ động hơn trong chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong hệ thống mạng lưới sản xuất ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và chuỗi cung ứng toàn cầu Châu Á - Thái Bình Dương.

Ông cho rằng so với RCEP, hầu hết các thành viên CPTPP đều là các nền kinh tế phát triển và sự tham gia của Trung Quốc vào nó có thể giúp thúc đẩy quá trình di chuyển chuỗi công nghiệp lên trung, cao cấp, đồng thời mở thông hơn nữa những tắc nghẽn và điểm đứt gãy của chuỗi công nghiệp.

Đại diện các quốc gia thành viên CPTPP gặp gỡ tại Chile ngày 8/3/2018 (Ảnh: AFP).

Đại diện các quốc gia thành viên CPTPP gặp gỡ tại Chile ngày 8/3/2018 (Ảnh: AFP).

Ông Vương Huy Diệu, Giám đốc Trung tâm tư vấn Toàn cầu hóa (CCG), cho rằng nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, sẽ mang lại cơ hội to lớn cho ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số của Trung Quốc trong tương lai.

Ngày 30/12/2018, CPTPP chính thức có hiệu lực. Theo thỏa thuận, các bên ký kết sẽ bãi bỏ hoặc giảm thuế đối với các sản phẩm công nghiệp và nông sản, đồng thời đưa ra các biện pháp tạo thuận lợi trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ngoài ra, các nước cũng sẽ hợp tác để giảm phíchuyển vùng quốc tế điện thoại di động, gỡ bỏ các hạn chế về trao đổi dữ liệu xuyên biên giới và cùng nhau xây dựng luật và quy định cấm hành vi lừa đảo trong giao dịch trực tuyến.

Các thành viên sáng lập của CPTPP bao gồm 11 quốc gia bao gồm Australia, Nhật Bản, Canada, New Zealand, Singapore, Việt Nam, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia với tổng dân số 500 triệu người. Tổng sản lượng của các quốc gia này lên tới 11 nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 13% GDP toàn cầu.

Tiền thân của hiệp định này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do một số quốc gia thành viên của APEC khởi xướng vào năm 2002. Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi TPP vào năm 2017. 11 quốc gia khác sau đó bắt đầu đàm phán lại và đạt được CPTPP mà không có sự tham gia của Mỹ vào năm sau.

Trang web RFI ngày 16/9 cho rằng, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một công cụ được tạo ra đặc biệt dưới thời chính quyền Obama nhằm chống lại Trung Quốc ở cấp độ kinh tế. Về cơ bản, điều này có nghĩa là Mỹ đã quay lưng lại với Trung Quốc. Tuy nhiên, sau khi ông Trump lên cầm quyền, Hoa Kỳ đã rút khỏi TPP, TPP được đổi tên thành Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), bị thu nhỏ lại không còn nhiều ý nghĩa như trước.

Trung Quốc cho rằng họ gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy mạnh hơn quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực (Ảnh: Dwnews).

Trung Quốc cho rằng họ gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy mạnh hơn quá trình nhất thể hóa kinh tế khu vực (Ảnh: Dwnews).

Trung Quốc đã thúc đẩy Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhưng chỉ 5 ngày sau khi Trung Quốc chính thức ký RCEP vào ngày 15/11/2020, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố tại hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) rằng Trung Quốc sẽ xem xét tham gia CPTPP. Kể từ đó, Trung Quốc đẩy mạnh nỗ lực gia nhập CPTPP, theo cách ví von của các nhà kinh tế Bắc Kinh: Nếu việc Trung Quốc gia nhập WTO là bước đầu tiên để hội nhập vào hệ thống thương mại thế giới và sự phân công lao động quốc tế, thì việc gia nhập RCEP là bước thứ hai và tham gia CPTPP sẽ là bước thứ ba.

Xét về quy mô kinh tế, CPTPP bao gồm gần 500 triệu dân và tổng GDP của các nước thành viên là khoảng 10,6 nghìn tỉ đô la Mỹ, chiếm 13% tổng GDP toàn cầu. Ngược lại, RCEP bao gồm dân số 2,2 tỉ người và GDP là 26 nghìn tỉ USD. Từ quan điểm dữ liệu, khối lượng trực tiếp của CPTPP không lớn bằng RCEP. Tuy nhiên, RCEP bao gồm các nước Đông Á, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương. Phạm vi của CPTPP rộng hơn và nó cũng bao gồm các nước Vành đai Thái Bình Dương như Canada và Peru.

RCEP cũng bao gồm nhiều quốc gia có trình độ phát triển thấp hơn và mức độ mở cửa trong dịch vụ và đầu tư không tốt bằng CPTPP. Tuy nhiên, Trung Quốc cho rằng độ mở cửa kinh tế của họ đã tăng lên và điều cần giải quyết nhất là việc mở cửa các ngành công nghiệp nhạy cảm, CPTPP rõ ràng là quan trọng hơn.

Trong tương lai, một khi gia nhập CPTPP, Trung Quốc với dân số gần 1,4 tỉ người, GDP gần 14 nghìn tỉ USD, tính ra khối lượng của CPTPP sẽ không thua kém RCEP.

Quan trọng hơn, tiêu chuẩn của CPTPP không chỉ cao hơn tiêu chuẩn của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mà còn cao hơn hầu hết các hiệp định thương mại tự do hiện hành, bao gồm cả RCEP. Nếu Trung Quốc đồng thời có mặt trong hai hiệp định thương mại tự do quan trọng ở châu Á - Thái Bình Dương, thì nước này sẽ đóng vai trò động lực chính trong quá trình hội nhập của nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

Một số nhà phân tích cho rằng: ông JoeBiden có kế hoạch thành lập "Liên minh các nền dân chủ" để dựa vào các đồng minh chống lại Trung Quốc, vì vậy Bắc Kinh phải thu xếp và đáp trả trước, việc đề xuất tham gia CPTPP chính là một phần của phản ứng từ cấp độ kinh tế. Nếu Mỹ không quay trở lại, hai hiệp định thương mại tự do lớn ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đều không có Mỹ, và ảnh hưởng kinh tế của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ càng giảm sút trong khi của Trung Quốc lại tăng lên.

Có tin cho rằng, Nhật Bản hiện đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của tổ chức này cho rằng cần phải quan sát xem liệu Trung Quốc có thể tuân thủ các quy tắc tiêu chuẩn cao của CPTPP hay không và có lập trường thận trọng đối với việc gia nhập của Trung Quốc.

Tới đây, chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với việc có nên bắt đầu các thủ tục đàm phán để Trung Quốc gia nhập CPTPP hay không. Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga từng nói rằng vào năm 2021, ông sẽ tìm cách mở rộng CPTPP. Ngay từ tháng 11 năm ngoái, Bộ trưởng Tái tạo Kinh tế Nhật Bản, Nishimura Yasuhiro đã phản hồi tuyên bố gia nhập CPTPP của Trung Quốc vào thời điểm đó, nói rằng: Trung Quốc thực sự có ý định tuân thủ các quy tắc cấp cao, sẽ là điều kiện tiên quyết cho các cuộc đàm phán, bởi vì CPTPP có các quy tắc chặt chẽ hơn Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mặc dù Nhật Bản hoan nghênh tất cả các nước tham gia CPTPP, nhưng ông Nishimura Yasuhiro đặc biệt chỉ ra rằng Trung Quốc phải cẩn thận phân biệt xem liệu họ có sẵn sàng tuân thủ quy tắc về tự do và công lý hay không.

Vương quốc Anh đã chính thức nộp đơn gia nhập CPTPP vào tháng 2 năm 2021 và đã được các quốc gia thành viên đồng ý cho phép bắt đầu tiến trình gia nhập hiệp định. Đài Loan cũng cho biết đang tích cực tìm cách gia nhập CPTPP.

Ngày 15/1/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump chiêu đãi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau khi hai nước kí Hiệp định Thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một (Ảnh: AP).

Ngày 15/1/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump chiêu đãi Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sau khi hai nước kí Hiệp định Thương mại Mỹ - Trung giai đoạn một (Ảnh: AP).

Theo Dwnews ngày 17/9, khi trả lời câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ Joe Biden có ý định quay trở lại CPTPP hay không, người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nói: “Tổng thống Biden đã nói rõ rằng ông ấy sẽ không tham gia TPP khuôn khổ ban đầu”.

Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ phải làm việc với 40% quốc gia trên thế giới để đảm bảo rằng việc bảo vệ môi trường và quyền lao động được đưa vào.

Về việc Mỹ có lo lắng Trung Quốc sẽ gia tăng ảnh hưởng đối với các nước châu Á sau khi gia nhập CPTPP? Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng tuyên bố rằng việc này để các quốc gia thành viên của CPTPP đánh giá.

Quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng nhấn mạnh Mỹ đang xem xét các lựa chọn để xây dựng các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ hơn ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và Mỹ cũng đang làm việc với các đồng minh để ứng phó "các hành vi thương mại ép buộc" của Trung Quốc.

Người phát ngôn nói: “Chúng tôi đang làm việc với các đối tác và đồng minh để đảm bảo sự công bằng, bao gồm cạnh tranh, thực tiễn và thương mại, đồng thời chống lại các hành vi thương mại phi thị trường của Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng cưỡng bức kinh tế và để đảm bảo rằng các quy tắc thương mại không được đề ra bởi Trung Quốc".