Điều gì xảy ra khi giá các tài sản tăng quá nhanh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Khi dòng tiền chỉ đợi chảy vào kênh đầu cơ tài sản, theo các chuyên gia, rủi ro sẽ là nền kinh tế ngập trong "cơn lũ tiền" nhưng sản xuất kinh doanh không được bơm vốn.

Một chủ đề xuyên suốt trong năm 2020 trên thị trường tài chính quốc tế là "tiền rẻ", với những gói cứu trợ được bơm ồ ạt từ ngân hàng trung ương các nước. Điều này tạo ra một hiện tượng có tên "bong bóng tài sản", khi các nhà đầu tư theo đuổi lợi nhuận trên khắp thế giới đã đẩy giá tài sản tăng cao, định hình lại cách tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu. Bloomberg cho rằng giá tài sản tăng vọt sẽ phá hoại sự ổn định trước khi nền kinh tế thực sự hưởng lợi từ các chính sách đó.

Tại Việt Nam, những chính sách hỗ trợ của năm 2020 cũng không nằm ngoài xu hướng chung, với các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ, hỗ trợ kinh tế hay đẩy nhanh đầu tư công. Dòng tiền bắt đầu hướng nhiều hơn vào các tài sản tài chính, như chứng khoán, trái phiếu hay bất động sản.

Trái phiếu tăng đột biến cho tới trước khi có quy định siết phát hành riêng lẻ của Bộ Tài chính. Đến cửa cuối năm, chứng khoán trở thành một trong những chủ đề được bàn tán nhiều nhất. Dòng tiền và lớp nhà đầu tư mới ồ ạt vào thị trường tạo ra những kỷ lục mới về số lượng tài khoản, giá trị giao dịch mỗi phiên và cả mức tăng của chỉ số. VN-Index ghi nhận một năm thành công dù kinh tế tăng thấp nhất nhiều thập kỷ. Đến cuối tháng 1, khi chứng khoán có xu hướng chững lại, bất động sản được dự báo là điểm đến tiếp theo.

VN-Index tăng liên tục từ đáy cuối tháng 3/2020 và trở thành kênh tài sản được nhiều người quan tâm nhất năm vừa qua. Ảnh: Trading View.

VN-Index tăng liên tục từ đáy cuối tháng 3/2020 và trở thành kênh tài sản được nhiều người quan tâm nhất năm vừa qua. Ảnh: Trading View.

"Lo ngại về rủi ro bong bóng tài sản là có", PGS.TS Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Kinh tế quốc dân nói với VnExpress.

Nhờ hạ lãi suất và nới lỏng tiền tệ, tổng phương tiện thanh toán năm 2020 tăng 12,56%. Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng hơn 10%, trong khi kinh tế tăng thấp 2,91%. "Những con số trên cho thấy việc cắt giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ có tác động còn hạn chế, chưa thực sự vào nền kinh tế cho sản xuất kinh doanh", ông Thành phân tích. Điều này có thể do khả năng hấp thụ vốn còn yếu và một phần dòng vốn có thể đã chuyển sang trú ẩn ở các thị trường tài sản.

"Ai cũng tin rằng kinh tế tăng trưởng, nhưng sự tăng trưởng kinh tế đó trong môi trường vĩ mô như thế nào. Chúng ta có ổn định được lạm phát, tỷ giá hối đoái và lãi suất và ngăn ngừa rủi ro bong bóng tài sản hay không", PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Viện trưởng Viện Công Nghệ Tài Chính (Đại học Kinh Tế TP HCM) bình luậnvề rủi ro với năm nay.

Theo ông, một yếu tố hỗ trợ của năm 2021 là những chính sách "giải cứu" nền kinh tế đưa ra trong năm trước. Những chính sách này được ví như liều thuốc bổ, nhưng kinh tế năm 2020 còn ốm yếu chưa thể hấp thụ hết. Khi quá trình phục hồi diễn ra, việc hấp thu dòng vốn này tốt hơn, vào tiêu dùng, kinh doanh, làm gia tăng tổng cầu, khuyến khích khu vực sản xuất trở lại. Nhưng vị chuyên gia này đặt vấn đề, động lực của kinh tế có thực sự chảy vào kênh sản xuất không hay lại chảy vào đầu cơ tài sản?

"Tăng trưởng kinh tế năm nay là điều ai cũng thấy, nhưng còn những rủi ro tiềm tàng có thể gây ra bất ổn vĩ mô. Khi dòng tiền trực chờ ở các đường truyền dẫn, chỉ đợi chảy vào các kênh đầu cơ thì nguy cơ nền kinh tế sẽ bị ngập úng trong 'cơn lũ tiền', nếu chúng ta không thể điều hướng dòng chảy này", ông Bảo nói.

Tài khoản chứng khoán của một nhà đầu tư đỏ rực sau phiên 28/1. Ảnh: Hoàng Anh.

Tài khoản chứng khoán của một nhà đầu tư đỏ rực sau phiên 28/1. Ảnh: Hoàng Anh.

Tuy nhiên, trước những rủi ro này, các chuyên gia cho rằng nên thận trọng quan sát và tuân theo quy luật thị trường.

Từ góc nhìn thị trường, TS Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh) nhận xét, Chính phủ nên để thị trường vận hành theo cách của nó và lựa chọn tham gia vào kênh đầu tư nào là quyền của người dân.

"Ngăn cản đám đông muốn kiếm tiền nhanh là không thể, cấm cái này họ sẽ lại đem tiền đi làm chuyện khác", ông Tuấn nói. Tuy nhiên, trước rủi ro từ việc gia tăng giá tài sản quá nhanh, một số kênh đầu tư quá nóng, chuyên gia này cho rằng các biện pháp kỹ thuật để siết dòng vốn vào các kênh đầu cơ tài chính có thể sẽ phát huy tác dụng, thay vì các biện pháp hành chính.

Cùng quan điểm, TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo cũng cho rằng sẽ vội vã nếu đưa ra kết luận ngay và áp dụng các biện pháp hành chính. "Lúc này, điều quan trọng nhất là cần quan sát", ông Bảo nhấn mạnh.

Chuyên gia này dẫn lời chuyên gia kinh tế Paul Krugman cho rằng, "để kích thích một nền kinh tế đang suy thoái, bong bóng tài sản là cần thiết". Lý do là trong một nền kinh tế đang trong khó khăn, tiết kiệm là xu hướng phổ biến, nhưng đó lại là yếu tố không tích cực cho sự phục hồi. Trong năm Covid-19 vừa qua, xu hướng chung của người dân là tiết kiệm. Công việc khó khăn, thu nhập giảm, nhiều người chọn cách dừng chi tiêu. Chính điều này đã khiến kinh tế đã khó còn khó hơn.

Quay lại câu chuyện của thị trường hiện nay, ông Bảo cho rằng cần giữ bình tĩnh, kỹ lưỡng trong việc đưa ra động thái tiếp theo. Hiện nay là thời điểm "sai một ly sẽ đi một dặm" với điều hành vĩ mô.

"Chúng ta tiếp tục tạo bầu không khí hứng khởi, lạc quan, từ tiêu dùng, đầu tư, để đảm bảo cho những động lực tăng trưởng không đứt gãy. Nhưng chúng ta cũng phải quan sát chặt chẽ xu hướng dịch chuyển dòng vốn", ông Bảo nói và cho rằng, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể biết được dòng vốn đang chuyển đi đâu và cũng sẽ biết phải dùng biện pháp nào để nắn dòng chảy, nhưng quan trọng là thời điểm.

Còn TS Tô Trung Thành lưu ý ổn định vĩ mô nên được đặt lên hàng đầu với các chính sách. "Để gia tăng khả năng chống chịu với đại dịch có thể kéo dài, Việt Nam vẫn cần thực thi các chính sách nới lỏng hỗ trợ. Tuy nhiên cần phải rất thận trọng do các dư địa không nhiều, những rủi ro bong bóng tài sản có thể gia tăng", ông nói.

Theo VNExpress