Đây là chiến thắng có tầm vóc thời đại, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới.
Sau nhiều thất bại trên mặt trận quân sự tại chiến trường Việt Nam và cả Đông Dương, Thực dân Pháp muốn giành lại thế chủ động bằng việc dồn toàn lực lập nên một tập đoàn cứ điểm mạnh tại Điện Biên Phủ.
Sau một thời gian chuẩn bị, lực lượng quân Pháp đồn trú tại Điện Biên Phủ (kể cả sau khi tăng viện) đã tăng lên tới 16.200 quân, bao gồm 16 tiểu đoàn, 9 đại đội bộ binh và lính nhảy dù, gần 3 tiểu đoàn pháo binh 105 ly và 1 đại đội pháo 155 ly, 2 đại đội súng cối 120 ly, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn, 1 trung đoàn xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc.
Tất cả lực lượng này được tổ chức thành 3 phân khu, 8 trung tâm đề kháng, bao gồm 49 cứ điểm phòng thủ liên hoàn, có cầu hàng không với 2 sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm, chưa kể tới lực lượng không quân của Pháp và Mỹ luôn sẵn sàng hỗ trợ khi cần thiết.
Các đợt tấn công của quân ta
Với lực lượng hùng mạnh trên, lại có ưu thế đóng quân tại địa hình rất khó tiếp cận, các chuyên gia quân sự của Pháp và Mỹ cho rằng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là pháo đài bất khả chiến bại, và hy vọng nếu Việt Minh tấn công vào Điện Biên Phủ, sẽ bị nghiền nát và dẫn đến bị tiêu hao lực lượng mà suy yếu dần, nhường lại thế chủ động trên chiến trường cho người Pháp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy chiến dịch
Về phía ta, với quyết tâm đánh thắng trận Điện Biên, tạo thế tấn công trên cả mặt trận quân sự và ngoại giao, chúng ta đã dồn hết sức người và sức của cho chiến dịch. Hàng vạn dân công trên khắp mọi miền đã hăng hái tham gia phục vụ làm đường, đi tiếp tế cho bộ đội. Quân đội ta đã bí mật, bất ngờ đưa đại bác 105 mm lên các sườn núi cao xung quanh cứ điểm. Bộ chỉ huy chến dịch đã nghiên cứu kỹ cách đánh, bảo đảm cho thắng lợi.
Từ phương châm "đánh nhanh thắng nhanh”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã quyết định chuyển sang phương châm "đánh chắc tiến chắc" để có thể triệt để lợi dụng thế mạnh của ta, hạn chế thế mạnh của địch…Các khẩu pháo đã đưa vào được kéo ra; những tuyến đường phục vụ cho chiến dịch được mở rộng hơn, công sự được xây dựng kiên cố hơn, sự chuẩn bị về hậu cần cũng được đáp ứng tốt hơn cho mặt trận; tất cả đã sẵn sàng cho chiến dịch.
Những mục tiêu bị tấn công trong ngày đầu tiên của chiến dịch
Đúng 17 giờ 5 phút chiều ngày 13 tháng 3 năm 1954, quân ta bắt đầu khai hỏa chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử bằng các đợt nã pháo ác liệt vào các cứ điểm của địch. Cụm cứ điểm Him Lam sau một thời gian ngắn đã bị ta chiếm. đến 17 tháng 3, sau đợt tiến công thứ nhất, quân ta đã tiêu diệt phân khu Bắc của tập đoàn cứ điểm.
Đợt tiến công thứ hai bắt đầu từ ngày 30 tháng 3 đến 26 tháng 4, quân ta tiến đánh phân khu trung tâm, chủ yếu nhằm chiếm các đồi phía đông để khống chế trung tâm và sân bay Mường Thanh. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Hai bên giành nhau các các đồi A1, C1, D1… Lính Pháp dựa vào các hầm ngầm và lô cốt kiên cố để cố thủ và phản kích dữ dội. Quân ta áp dụng chiến thuật "đánh lấn”, đào hệ thống chiến hào rất dài để bao vây và áp sát các lô cốt, hầm ngầm của địch, khiến lính pháp rất khó nhận được tiếp tế do máy bay thả bằng dù.
Vào thời điểm này, đã bắt đầu vào mùa mưa nên quân Pháp gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng thủ, trong công tác hậu cần và y tế. Bộ chỉ huy Pháp chỉ còn hy vọng cầm cự càng lâu càng tốt để có thể ngừng bắn khi Hội nghị Giơ-Ne-Vơ (Genève) về vấn đề Đông Dương được nhóm họp vào khoảng đầu tháng 7-1954.
Các mục tiêu bị đánh khi kết thúc chiến dịch
Biết được điều này, quân ta đã hạ quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm trước thời hạn trên. Đợt tiến công thứ ba đã được bắt đầu từ ngày 1- 5, bằng tiếng nổ của gần 1 tấn thuốc nổ phá vỡ hệ thống hầm ngầm kiên cố của địch trên đồi A1. Đến sáng ngày 7- 5, tất cả các cứ điểm còn lại trên các quả đồi phía đông đã hoàn toàn bị ta chiếm. Quân đội ta mở cuộc tổng tiến công toàn diện vào trung tâm tập đoàn cứ điểm. Tướng chỉ huy Đờ-Cát-Tơ-Ri (De Castries) và toàn bộ ban chỉ huy tập đoàn cứ điểm kéo cờ trắng đầu hàng. Gần 10.000 số quân Pháp còn lại tại Điện Biên Phủ đã bị bắt làm tù binh.
Một ngày sau khi cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, ngày 8- 5- 1954, Hội nghị Giơ-Ne-Vơ bắt đầu bàn về vấn đề Đông Dương. Sau hội nghị này, Pháp đã phải công nhận quyền tự do, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của các nước Đông Dương, trong đó có Việt Nam. Cũng từ đây, chính thức chấm dứt chế độ thực dân Pháp tại Đông Dương
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những chiến công vang dội nhất của quân đội và nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX, chiến thắng này đã góp phần chấm dứt cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, mở đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ. Đây là chiến thắng có tầm vóc thời đại của nhân dân Việt Nam, đã tạo nên ảnh hưởng rất lớn trên trường quốc tế, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới..
Chắc thắng mới đánh...
Trước khi lên đường ra mặt trận làm nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy kiêm Tổng chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuối Tát để chào Bác và xin ý kiến Bác, Bác hỏi Võ Đại tướng:
- Chú đi xa như vậy, chỉ đạo các chiến trường có gì trở ngại?
Đại tướng báo cáo với Bác, ở mặt trận có mặt của Tổng Tham mưu phó và Phó Chủ nhiệm chính trị, sẽ tổ chức một cơ quan tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh để chỉ đạo chiến trường toàn quốc, kể cả bộ đội tình nguyện ở Lào và Campuchia. Hai đồng chí Nguyễn Chí Thanh và Văn Tiến Dũng ở lại căn cứ phụ trách Mặt trận đồng bằng Bắc bộ. Chỉ có trở ngại là mặt trận Điện Biên ở xa, khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết, khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị.
Bác thân mật nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
- Tổng Tư lệnh ra mặt trận, "Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định, rồi báo cáo sau.
Khi chia tay, Bác còn nhắc:
- Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh.
Trên đường ra mặt trận, đến cây số 15 đường Tuần Giáo, Điện Biên Phủ, xe của Đại tướng rẽ vào Thẩm Púa, nơi đặt chỉ huy sở. Trong không khí nhộn nhịp, Đại tướng gặp đầy đủ cán bộ của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Cung cấp, những người ở bộ phận tiền phương đã lên trước chiến trường một tháng.
Trước ngày 14-1-1954, trong cuộc hội ý Đảng ủy mặt trận đầu tiên ở chiến trường, đúng như lời đồng chí Hoàng Văn Thái, ý kiến chung là cần đánh ngay trong lúc địch chưa tăng thêm quân và củng cố công sự, có khả năng chiến thắng trong vài ngày đêm. Ai nấy đều tỏ ra hân hoan với chủ trương "đánh nhanh, thắng nhanh”.
Nhưng với tinh thần trách nhiệm trước sinh mệnh của hơn 40 ngàn quân tham chiến, với cương vị của người Tổng chỉ huy mặt trận, trên cơ sở tình hình đang diễn biến ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có cảm nhận nếu chọn phương án "đánh nhanh, thắng nhanh” là quá mạo hiểm. Vì vậy, Đại tướng đã gặp Trưởng đoàn cố vấn quân sự nước bạn Vi Quốc Thanh trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình.
Trưởng đoàn cố vấn quân sự Vi Quốc Thanh cho biết, ông đã gặp số chuyên gia quân sự Trung Quốc và cán bộ quân sự Việt Nam có mặt trước ở chiến trường và tất cả đều nhất trí là cần đánh sớm, có nhiều khả năng giành chiến thắng. Sau khi cân nhắc, trưởng đoàn Vi Quốc Thanh nói: "Nếu không đánh sớm, nay mai địch tăng thêm quân và củng cố công sự thì cuối cùng sẽ không còn điều kiện công kích quân địch”.
Tuy cho rằng "đánh nhanh” không thể giành được thắng lợi, nhưng chưa đủ cơ sở thực tế để bác bỏ phương án các đồng chí đi trước đã lựa chọn và cũng không còn thời gian báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị, nên Đại tướng đã triệu tập hội nghị triển khai kế hoạch tác chiến.
Ngày 14-1-1954, mệnh lệnh chiến đấu tấn công Điện Biên Phủ được phổ biến trên một sa bàn lớn tại hang Thẩm Púa. Cán bộ cao cấp, trung cấp các đại đoàn tham chiến đều có mặt. Trong đó có những tư lệnh, Chính ủy Đại đoàn như Vương Thừa Vũ, Lê Trọng Tấn, Lê Quảng Ba, Đào Văn Trường, Nam Long, Quang Trung, Cao Văn Khánh, Chu Huy Mân, Phạm Ngọc Mậu… và nhiều cán bộ trung đoàn, tiểu đoàn đã cùng chiến đấu qua nhiều chiến dịch.
Hoãn thời gian nổ súng
Thời gian nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được quyết định là 17 giờ ngày 25-1-1954. Gần ngày nổ súng, một chiến sĩ của Đại đoàn 312 không may bị địch bắt. Bộ phận thông tin kỹ thuật của ta nghe địch thông báo cho nhau qua điện đài về ngày giờ tiến công vào Điện Biên Phủ. Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn thời gian nổ súng tiến công lại 24 tiếng đồng hồ. Từ khi giao nhiệm vụ chiến đấu cho các đơn vị đến lúc này chỉ mới mười một ngày.
Nhưng thêm mỗi ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng nhận thấy rõ là không thể "đánh nhanh” được. Đại tướng nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trước khi lên đường ra trận và nghị quyết của Trung ương hồi đầu năm là "chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn!”. Càng nhớ, càng thấy gánh nặng trên đôi vai của một "tướng quân tại ngoại”. Sự đắn đo, suy tính cho việc thắng hay bại của trận quyết chiến chiến lược và cái giá phải trả bằng xương máu hy sinh của cán bộ, chiến sĩ đã khiến Đại tướng nhiều đêm không ngủ được, đặc biệt là đêm 25-1-1954.
Đại tướng nêu lên những lý do vì sao mọi người đều lựa chọn phương án "đánh nhanh” và tìm trước lời giải đáp. Cái lý do về vấn đề tiếp tế khó khăn, không phải hoàn toàn không có cách khắc phục, mà vấn đề chính là nếu thời gian chuẩn bị kéo dài, địch sẽ tăng thêm quân, củng cố công sự sẽ làm ta mất cơ hội diệt địch. Có nhiều người cho rằng, sự xuất hiện lần đầu của lựu pháo và cao xạ đã làm cho quân địch choáng váng.
Nhưng thực tế ta chỉ có vài ngàn viên đạn, không phải là yếu tố quyết định. Đặc biệt, mọi người đều tin vào khí thế của bộ đội khi xuất quân, tin vào sức mạnh tinh thần. Điều đó hoàn toàn đúng, nhưng sức mạnh tinh thần cũng có những giới hạn. Không phải chỉ sức mạnh tinh thần cao mà lúc nào cũng chiến thắng quân địch! Và, chúng ta cũng không thể giành chiến thắng với bất kể giá nào. Hơn nữa, từ đó đến thời điểm này tình hình địch đã thay đổi nhiều. Chúng đã củng cố công sự phòng ngự, không còn là trận địa dã chiến. Bộ đội ta phải tiến hành một trận công kiên vào một tập đoàn cứ điểm phòng ngự vững chắc chưa từng có…
Tất cả những khó khăn đó chưa được bàn bạc kỹ cách khắc phục. Đại tướng nhận thấy cần phải cho bộ đội rút ra khỏi trận địa để nghiên cứu cách đánh khác. Phải chuyển từ phương án "đánh nhanh, thắng nhanh” sang phương án "đánh chắc, tiến chắc”. Đồng thời, chỉ đạo cho Liên khu 5 đánh lên Tây Nguyên, điều lực lượng sang Thượng Lào để thu hút, phân tán địch.
Quyết định lịch sử
Sáng ngày 26-1-1954, văn phòng thông báo mời cuộc họp Đảng ủy Mặt trận. Trước khi vào họp Đảng ủy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tranh thủ thời gian gặp Trưởng đoàn cố vấn bạn Vi Quốc Thanh, nêu rõ tình hình và cho biết ý định của mình. Sau giây lát suy nghĩ, Trưởng đoàn cố vấn nói:
- Tôi đồng ý với Tổng tư lệnh. Tôi sẽ làm công tác tư tưởng với các đồng chí trong đoàn cố vấn.
Cuộc trao đổi ý kiến giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trưởng đoàn cố vấn Vi Quốc Thanh trong vòng hơn nửa giờ. Đại tướng biết rằng Trưởng đoàn Vi Quốc Thanh không dễ dàng thuyết phục các chuyên gia Trung Quốc đã cho rằng chỉ có đánh nhanh mới giành được thắng lợi.
Cuộc họp Đảng ủy Mặt trận để đi đến thống nhất một quyết định có tính chất lịch sử hôm 26-1-1954, có đủ các ủy viên: Hoàng Văn Thái, Lê Liêm và Đặng Kim Giang…
Lúc đầu, một vài đồng chí muốn giữ vững quyết tâm và duy trì phương án đánh nhanh, thắng nhanh. Có đồng chí lo không đánh ngay, sau này lại càng không đánh được. Có đồng chí nói lần này ta có ưu thế về binh lực, có pháo 105 và cao xạ xuất hiện lần đầu tạo thế bất ngờ, lại có kinh nghiệm của bạn, nếu ta đánh nhanh vẫn có khả năng giành được thắng lợi. Có người nói đã động viên sâu rộng trong bộ đội về nhiệm vụ rồi, anh em tin tưởng và quyết tâm rất cao. Giờ nếu thay đổi thì giải thích làm sao cho bộ đội thông suốt?
Đại tướng nhắc lại lời Bác Hồ trao nhiệm vụ mình trước khi lên đường: "Trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Với tinh thần trách nhiệm trước Bác và Bộ Chính trị, để bảo đảm yêu cầu trận đánh chắc thắng trăm phần trăm, Võ Đại tướng kiên trì phân tích những khó khăn của bộ đội ta chưa được bàn bạc khắc phục kỹ trước khi nổ súng.
Cuối cùng, Đảng ủy đi tới nhất trí là trận đánh có thể gặp nhiều khó khăn nếu đánh nhanh ta chưa có biện pháp khắc phục, không thể bảo đảm chắc thắng như nghị quyết Bộ Chính trị đề ra và quyết định thay đổi cách đánh của một trận quyết chiến chiến lược từ phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh” đã được chuẩn bị trong thời gian khá dài, chuyển sang phương châm "đánh chắc, tiến chắc” trong thời điểm chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến giờ nổ súng, đã thể hiện bản lĩnh và sự quyết đoán đầy tinh thần trách nhiệm đối với lịch sử và dân tộc của một vị danh tướng dưới thời đại Hồ Chí Minh.
Về sau, trong hồi ức "Điện Biên Phủ, điểm hẹn lịch sử”, Đại tướng đã nhớ lại: "Ngày hôm đó (tức ngày 26-1-1954), tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình!”.
Ngày nay, tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gắn liền với chiến thắng Điện Biên Phủ và đi vào lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta như một điểm son sáng chói. Đó chẳng những là thắng lợi quyết định dẫn đến chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam và Đông Dương, mà còn góp phần làm sụp đổ hoàn toàn chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới.
Điều đó càng chứng minh sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh cách mạng tài tình của Đảng ta, của Trung ương và Bộ Chính trị, mà trước hết là của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác đã sáng suốt, nhìn thấy rõ phẩm chất, bản lĩnh và tài năng của từng cán bộ. Người đã vững tin ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của mình.
Tạp chí Quốc phòng Toàn dân