Cho phép phá sản ngân hàng kiểm soát đặc biệt, hiệu lực từ 15/01/2018
Chiều 20/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi với tỷ lệ tán thành 88,8%. Một nội dung quan trọng được bổ sung là phương án cho phép phá sản ngân hàng đã được luật hóa.
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, khi TCTD lâm vào một trong các trường hợp cụ thể theo quy định tại Điều 130a thì Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu tổ chức tín dụng thực hiện phương án khắc phục trong thời hạn 01 năm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật (Nguồn: Quochoi.vn)
Trong quá trình khắc phục đã có quy định về điều chỉnh phương án; trường hợp hết thời hạn thực hiện phương án mà vẫn không khắc phục được thì Ngân hàng Nhà nước yêu cầu tổ chức tín dụng áp dụng một hoặc một số biện pháp theo quy định của Luật.
Theo quy định của Phương án cho phép phá sản, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ là cơ quan trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, sau khi đã xác định tổ chức tín dụng này đã lâm vào tình trạng phá sản.
Khi Chính phủ đồng ý chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong thời hạn 30 ngày sau đó, Ban kiểm soát đặc biệt có trách nhiệm phối hợp với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt…. trình NHNN.
NHNN sẽ có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án được đệ trình này, sau đó tiếp tục trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Luật các TCTD đã được thông qua, có 5 phương án cơ cấu lại các TCTD trong diện được kiểm soát đặc biệt, bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; và Phương án phá sản.
Theo một số chuyên gia, Phương án cho phá sản ngân hàng nên được xem xét một cách cẩn trọng và có các giải pháp mang tính chất phòng ngừa vì liên quan đến các vấn đề về xử lý tiền gửi của người gửi tiền, đổ vỡ hệ thống ngân hàng...
Luật các TCTD sửa đổi sẽ có hiệu lực từ 15/01/2018.
Các lãnh đạo ngân hàng sẽ phải lựa chọn “từ chức” bắt buộc tại nhiều doanh nghiệp
Một điểm đáng lưu ý khác của Luật các TCTD sửa đổi là việc bổ sung khoản 3 và bổ sung khoản 4 vào Điều 34 như sau:
“3. Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của tổ chức tín dụng. Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
4. Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.”
Dựa vào các quy định trên, các lãnh đạo ngân hàng sẽ buộc phải lựa chọn giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Một số cái tên đáng chú ý có thể kế đến như:ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Ngoài trọng trách tại SHB, ông Hiển hiện là Chủ tịch của Tập đoàn T&T, Chứng khoán SHS, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF); CTCP Phát triển đô thị và Khu công nghiệp SHB (SHB Land); Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin (SVIC); CTCP Khai thác chế biến khoáng sản T&T Hà Giang…
Bên cạnh đó là trường hợp của ông Dương Công Minh. Ngoài trọng trách vừa nhận tại Sacombank (Chủ tịch HĐQT), ông Minh còn giữ cương vị Chủ tịch tại CTCP Him Lam và nhiều doanh nghiệp trong tập đoàn này.
Ông Đỗ Minh Phú – đương kim Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng sẽ phải quyết định lựa chọn một trong hai chiếc ghế: Chủ tịch TPBank hay Chủ tịch Doji Group.
Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển của TP. Hồ Chí Minh
Chiều ngày 24/11/2017, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh với tỷ lệ tán thành là 93,69%.
Theo đó, các cơ chế, chính sách được áp dụng thí điểm riêng cho Tp. HCM tập trung trong các nội dung về việc tăng thêm quyền tự quyết cho thành phố một số vấn đề trước đây thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Cụ thể, các cơ chế đặc thù được thí điểm bao gồm thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất so với quy định của các sắc thuế hiện hành, trừ các chính sách thuế thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu; phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật Phí và Lệ phí...
Nghị quyết cũng cho phép ngân sách thành phố được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản Nhà nước gắn với tài sản trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước để đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố. Đồng thời, thành phố cũng được hưởng số thu ngân sách từ cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước do thành phố quản lý, từ thoái vốn nhà nước tại các tổ chức kinh tế do thành phố làm đại diện chủ sở hữu.
Đầu tư 118.716 tỷ đồng làm đường cao tốc Bắc – Nam
Sáng 22/11/2017, Quốc hội đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 với 408 phiếu đồng ý trên tổng số 449 đại biểu tham gia, 35 phiếu không tán thành. Tổng vốn đầu tư dự kiến trên 118.716 tỷ đồng.
Theo đề nghị từ Chính phủ tại kỳ họp thứ IV, Quốc hội khóa XIV, vị trí bắt đầu của tuyến cao tốc này là từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh), từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế), từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).
Trong giai đoạn đầu triển khai trong 3 năm tới (2017 - 2020), sẽ triển khai đầu tư 654 km cao tốc, với các dự án thành phần có hình thức, quy mô khác nhau.
Tổng mức đầu tư của dự án là 118.716 tỷ đồng. Trong đó, có 55.000 tỷ đồng vốn nhà nước bố trí từ nguồn ngân sách đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 – 2020, 63.716 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.
Quốc hội giao Chính phủ triển khai thực hiện dự án với 2 yêu cầu chủ chốt là bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong tổ chức thực hiện và quản lý dự án. Bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước.
Đặc biệt, Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải đảm bảo khắc phục những hạn chế, bất cập tại những dự án thành phần của cao tốc Bắc – Nam đầu tư theo hình thức BOT như đã nêu trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hồ sơ Paradise tiết lộ thêm nhiều cái tên mới tại Việt Nam
Ngày 23/11, theo kết quả tìm kiếm qua bộ lọc các quốc gia, Việt Nam hiển thị 32 thực thể "Offshore" (Offshore Entities), 214 cá nhân (Officers), 23 tổ chức trung gian (Intermediaries) và 205 địa chỉ (Addresses). Trong đó, nguồn dữ liệu trích từ hồ sơ Paradise cho thấy có 13 thực thể, 25 cá nhân và 20 địa chỉ, có liên quan đến Việt Nam.
Trong số các các kết quả, xuất hiện một số cái tên trùng với các nhà quản lý quỹ lớn của Việt Nam tại Dragon Capital và Vina Capital như: Scriven - Dominic Timothy Charles, John Shrimpton, Lam-Don Di....
Theo tờ The Guardian, hồ sơ “Thiên đường” hay hồ sơ Paradise (Paradise Papers) vừa được công bố ngày 5/11/2017, là thành quả từ dự án nghiên cứu của 96 tổ chức truyền thông, 381 nhà báo đến từ 67 quốc gia thông qua Liên hiệp nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ). Trong đó, tiết lộ thêm nhiều cái tên trong giới chính trị gia, hoàng gia, các ngôi sao giải trí và cả các tập đoàn như Apple, Nike và Facebook.