Dịch lợn châu Phi: không vaccine phòng dịch, không thuốc chữa trở thành mối kinh hoàng với với người Trung Quốc

VietTimes -- Dịch lợn châu Phi (African Swine Fever) đang trở thành mối kinh hoàng đối với người dân Trung Quốc và khiến giá thịt lợn trên thị trường tăng vọt. Bắt đầu xuất hiện vào đầu tháng 8 tại Liêu Ninh, đến nay dịch bệnh đã lan ra 6 tỉnh Liêu Ninh, Hắc Long Giang, An Huy, Hà Nam, Giang Tô, Chiết Giang với hàng chục ngàn con lợn nhiễm dịch bị tiêu hủy. Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc cảnh báo dịch bệnh có thể từ Trung Quốc lan sang bán đảo Triều Tiên và các nước Đông Nam Á.
Tuy không gây nguy nhiểm đến tính mạng con người nhưng dịch lợn châu Phi đang là nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm các nước
Tuy không gây nguy nhiểm đến tính mạng con người nhưng dịch lợn châu Phi đang là nguy cơ lớn đối với ngành chăn nuôi và chế biến thực phẩm các nước

Bộ Nông nghiệp Trung Quốc hôm 29/8 cho biết tình hình dịch đã cơ bản được kiểm soát bước đầu, nhưng không loại trừ vẫn tiếp tục xuất hiện các ổ dịch mới. Theo Tân Hoa xã, thông tin mới nhất do văn phòng Bộ Nông nghiệp thông báo hôm 30/8 cho biết, ngày 29/8, các cán bộ ngành thú ý khi khảo sát kiểm tra tình hình phòng dịch đã phát hiện tại trang trại lợn huyện Nam Lăng, thành phố Vu Hồ, An Huy có hiện tượng lợn chết không rõ nguyên nhân, qua kiểm nghiệm của Trung tâm bệnh dịch động vật Trung Quốc thì đây là một ổ dịch bệnh lợn châu Phi mới. Trong số 459 con trong trang trại, đã có 185 con nhiễm bệnh, đã chết 80 con. Ổ dịch đã bị khoanh vùng, tất cả 379 con còn lại đã bị mang chôn tiêu hủy.

Tính ra cho đến nay, các địa phương Trung Quốc đã tiêu hủy tổng cộng 24 ngàn con lợn nhiễm dịch. Được biết, đây là lần đầu tiên dịch lợn châu Phi lan truyền vào Trung Quốc. Mạng Tài Tân đưa tin, dịch lợn châu Phi lần đầu tiên lan tới Trung Quốc, dịch bệnh phát triển từ Bắc xuống Nam rất mạnh. Tuy bệnh khuẩn ASFV không sống và phát triển được trong cơ thể người, nhưng rất nguy hiểm bởi cho đến nay thế giới chưa tìm ra vaccine để phòng dịch cũng như chưa có bất cứ loại thuốc nào có thể diệt được loại bệnh khuẩn này. Khi dịch bệnh lan vào Brazil, nước này đã mất 7 năm mới khống chế được hoàn toàn. Bệnh khuẩn ASFV có thể lây lan từ lợn rừng sang lợn nhà, giữa lợn nhà với nhạu.Nếu con người không được cách ly kịp thời với lợn nhiễm dịch thì giày dép, quần áo, xe cộ, các dụng cụ gia đình…cũng có thể trở thành vật mang bệnh khuẩn ASFV gây lan truyền dịch tới những con lợn khác.

Dịch bệnh lợn châu Phi ở Trung Quốc đang có xu hướng lan xuống phía Nam
Dịch bệnh lợn châu Phi ở Trung Quốc đang có xu hướng lan xuống phía Nam

Sức sống của bệnh khuẩn ASFV rất mạnh, nếu không được xử lý qua nhiệt độ cao thì dù thịt lợn nhiễm bệnh đã được chế biến thành xúc xích hay thịt hun khói, ASFV vẫn sống được từ 3-6 tháng và có thể sống trong thịt đông lạnh đến 10 năm. Điều đó có nghĩa là, những đồ ăn chế biến từ thịt lợn do du khách mang theo hay thịt lợn nhập khẩu đều có nguy cơ gây lây lan dịch bệnh rất cao.

Tài Tân hôm 24/8 đưa tin, đã có những chứng cứ và quan điểm cho rằng nguồn dịch lây lan vào Trung Quốc bắt nguồn từ nước Nga láng giềng. Từ năm 2017 đến nay, vùng Viễn Đông của Nga xuất hiện nhiều vụ dịch lợn châu Phi; qua xét nghiệm bệnh phẩm cho thấy cấu trúc gene bệnh khuẩn của dịch ở Trung Quốc giống hệt với mẫu của bệnh khuẩn dịch bệnh ở Irkutsk hồi năm 2017.

Tờ Thông tin về mậu dịch với Nga kỳ 169 ra ngày 8/8/2018 của Sở Thương nghiệp Hắc Long Giang cho biết, theo thông tin của Tập đoàn nông nghiệp Siberia thì các sản phẩm thịt lợn của họ xuất sang Trung Quốc có nguồn gốc từ xí nghiệp ở Krasnoyarskiy Kray là nơi xảy ra dịch lợn châu Phi năm 2017, khi đó Nga đã phải thiêu hủy 14.500 con lợn bị nhiễm bệnh. Được biết, sau khi xảy ra chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã gia tăng thuế suất 25% đánh vào 8 mặt hàng thịt lớn Mỹ, khiến mức thuế Trung Quốc đánh vào thịt lợn của Mỹ lên tới 88%, do đó số lượng thịt lợn nhập của Mỹ lập tức tụt xuống con số ‘0’ (không); nhu cầu thịt lợn rất lớn của Trung Quốc nay phải quay sang nhập từ Nga và Brazil…

Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc cảnh báo dịch lợn châu Phi có thể phá hủy ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc cảnh báo dịch lợn châu Phi có thể phá hủy ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc 

Tổ chức Lương nông Liên hợp quốc (FAO) hôm 28/8 đã phát đi cảnh báo: dịch lợn châu Phi có thể phá hủy ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc. FAO lo ngại về tình hình bộc phát và lây lan dịch bệnh lợn châu Phi ở Trung Quốc có thể sẽ vượt biên giới lây truyền sang bán đảo Triều Tiên và các nước Đông Nam Á.

Theo trang tin Đông Phương ngày 31/8, dịch lợn châu Phi (African Swine Fever) là một loại dịch bệnh cấp tính do bệnh khuẩn ASFV gây sốt, có tính truyền  nhiễm rất cao. Đặc điểm của nó là thời gian phát bệnh ngắn, tỷ lệ chết tới 100%. Bệnh có thể lây lan qua những con lợn tiếp xúc với nhau, qua những con mòng, muỗi hút máu lợn, thậm chí qua những người tiếp xúc với lợn bị dịch, thời gian ủ bệnh 15 ngày. Bệnh khuẩn ASFV tuy không hại cho người nhưng cho đến nay vẫn không thể phòng ngừa bằng vaccine hay chữa được lợn đã nhiễm bệnh.

Ngoài Trung Quốc, hiện một quốc gia khác là Romania cũng đang xuất hiện các ổ dịch ở đồng bằng sông Danup và vùng Đông Nam nước này. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, Romania trong năm nay đã phải tiêu hủy hơn 50 ngàn con lợn.

Thiêu hủy lợn nhiễm bệnh là cách lựa chọn dập dịch an toàn nhất
Thiêu hủy lợn nhiễm bệnh là cách lựa chọn dập dịch an toàn nhất

Tư liệu cho thấy, dịch lợn châu Phi bắt đầu xuất hiện ở Kenya năm 1921 và tồn tại lâu dài ở các nước châu Phi nằm ở phía Nam sa mạc Sahara; đến năm 1957 thì bắt đầu lan truyền sang châu Âu và Mỹ Latinh, nhưng đa số được dập tắt kịp thời; tuy nhiên nó vẫn tồn tại dai dẳng ở Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và đảo Sardinnia của Italy.