DGC muốn đầu tư dự án bô xít 57.000 tỉ đồng ở Đắk Nông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – DGC đang nghiên cứu đầu tư dự án Tổ hợp Nhôm – Đắk Nông với tổng vốn đầu tư 57.000 tỉ đồng, gồm một mỏ khai thác quặng bô xít và 3 nhà máy tuyển quặng.
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang (Ảnh: truyenhinhdaknong.vn)
Ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn hoá chất Đức Giang (Ảnh: truyenhinhdaknong.vn)

CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang (Mã CK: DGC) vừa có báo cáo nhanh với lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về kết quả nghiên cứu, khảo sát một số dự án trên địa bàn tỉnh. Địa phương này trước đó đã đồng ý cho DGC nghiên cứu, khảo sát vị trí mỏ bô xít tại huyện Tuy Đức và huyện Đắk Song, xây dựng nhà máy chế biến Alumin tại xã Thuận Hà và Thuận Hạnh (Đắk Song).

Chủ tịch HĐQT DGC Đào Hữu Huyền cho biết, dự án Tổ hợp Nhôm - Đắk Nông có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng với công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Tổng mức đầu tư toàn dự án là 57.000 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, DGC cũng nghiên cứu đầu tư dự án Nhà máy sản xuất phân bón Đức Giang – Đắk Nông với tổng vốn đầu tư 300 tỉ đồng. Nhà máy này sẽ sản xuất phân bón NPK với công suất 200.000 tấn/năm và sản xuất phân bón Kali Sunphat với công suất 4.800 tấn/năm.

Ngoài DGC, từ đầu năm 2022 đến nay, một số tập đoàn lớn khác cũng tìm đến Đắk Nông đề xuất đầu tư phát triển loạt dự án, bao gồm cả dự án khai thác quặng bô xít.

Cụ thể, tháng 4/2022, ông Trần Đình Long – Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (Mã CK: HPG) – đề xuất đầu tư các dự án gồm: Dự án Alumin (công suất 2 triệu tấn/năm) và nhà máy tuyển quặng (công suất 5 triệu tấn/năm) tại huyện Đắk Song; dự án Điện phân nhôm (công suất 0,5 triệu tấn/năm) và dự án Nhà máy điện gió Hòa Phát (công suất 1.500MW) xây dựng tại huyện Đắk Song và Tuy Đức.

Tổng kinh phí đầu tư của tổ hợp các dự án mà Hòa Phát đề xuất là khoảng 4,3 tỉ USD, tương đương khoảng 100.500 tỉ đồng.

Cũng trong tháng 4/2022, CTCP Tập đoàn Việt Phương thuộc Việt Phương Group đã báo cáo lãnh đạo tỉnh Đắk Nông về 4 dự án đang trong quá trình khảo sát và xin chủ trương đầu tư, gồm: Dự án Tổ hợp Bô xít - Alumin – Nhôm Đắk Glong, diện tích 600ha, công suất 2 triệu tấn Alumin/năm và 600.000 tấn nhôm/năm.

7 dự án điện gió nằm trên địa bàn huyện Tuy Đức, Đắk Song và Đắk Glong, tổng công suất là 690 MW. Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400ha tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp. Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại Tp. Gia Nghĩa.

Theo tính toán của Việt Phương Group, riêng dự án Tổ hợp Bô xít – Alumin – Nhôm Đắk Glong và 7 dự án điện gió khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận cho tập đoàn khoảng 5.100 tỉ đồng/năm.

Vì sao các 'đại gia' đổ xô đến Đắk Nông làm dự án nhôm?

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, đặt mục tiêu xây dựng Đắk Nông “Trở thành trung tâm công nghiệp nhôm quốc gia” vào năm 2030.

Đắk Nông có tiềm năng lớn về tài nguyên quặng bô xít, với tổng trữ lượng hơn 3,4 tỉ tấn quặng nguyên khai, chiếm 2/3 tổng trữ lượng và tài nguyên quặng bô xít cả nước. Trữ lượng và tài nguyên quặng tinh trên địa bàn tỉnh dự tính khoảng 1.436 triệu tấn.

Toàn tỉnh có 9 khu vực mỏ đã được Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tổ chức thăm dò, đánh giá trữ lượng trên diện tích 1.605,1 km2, với tổng trữ lượng và tài nguyên đạt 992,971 triệu tấn quặng tinh.

Trong giai đoạn 2010-2020, TKV đã đưa vào hoạt động sản xuất dự án Nhà máy alumin Nhân Cơ (Đắk R’lấp). Dự án này có công suất thiết kế là 650.000 tấn alumin/năm, tổng mức đầu tư là 16.822 tỉ đồng.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2021-2025, TKV sẽ nâng công suất khai thác, sàng tuyển và sản xuất alumin đạt 750.000 - 800.000 tấn/năm. Đến năm 2030, tập đoàn sẽ đầu tư dự án Nhà máy sản xuất alumin thứ 2 với công suất từ 2 - 3 triệu tấn alumin/năm, vốn đầu tư dự kiến từ 2 - 3 tỉ USD./.