Đến năm 2020, Nga sẽ có trong biên chế 1500 máy bay chiến đấu hiện đại

VietTimes -- Điều mà NATO thực sự sốc trong cuộc chiến Syria, đó là hiệu suất tác chiến cao của Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga. Trong quá khứ NATO đã cố tình đánh giá thấp và hiện nay phương Tây phải cố gắng dự đoán năng lực tác chiến gần sát với thực tế của không quân Nga.
Đến năm 2020, Nga sẽ có trong biên chế 1500 máy bay chiến đấu hiện đại

Trong cuộc chiến với Gruzia, không quân Nga mất 7 máy bay trong đó có một máy bay ném bom Tu-22M, 4 chiếc bị hư hỏng, cứ 17 lần xuất kích mất một máy bay. Thực tế không quân Nga không có máy bay mới từ năm 1994. Số lượng giờ bay của các phi công Nga thấp hơn nhiều so với các phi công NATO.

Cuộc xung đột Gruzia được coi như một tiếng chuông cảnh báo đánh thức lực lượng không quân Nga, thúc đẩy những cải cách quan trọng dẫn đến thành công.

Lực lượng không quân Nga giảm biên chế, cơ cấu lại thành 8 căn cứ không quân, mỗi căn cứ cung cấp hậu cần kỹ thuật cho các cụm binh lực không quân có sân bay riêng biệt, từ đó tăng cường số giờ bay của phi công. Đến năm 2012, các căn cứ không quân và cụm binh lực không quân được biên chế thành các quân đoàn, sư đoàn và trung đoàn không quân.

Từ năm 2012, những máy bay chiến đấu hiện đại hóa bắt đầu được đưa vào biên chế với số lượng lớn. Từ năm 2014 đến 2015, lực lượng không quân vũ trụ Nga tiếp nhận vào biên chế khoảng 100 chiến đấu cơ được hiện đại hóa mỗi năm, nhịp độ này tiếp tục trong năm 2016. Dự kiến đến 2020, Không quân Vũ trụ Nga (VKS) sẽ có trong biên chế khoảng 1.500 máy bay chiến đấu chủ yếu là hiện đại, bao gồm 130 máy bay ném bom chiến lược Tu-160, Tu-95MS và Tu-22M, 800 máy bay tiêm kích đa nhiệm, hơn 500 máy bay ném bom chiến thuật và máy bay cường kích chiến trường.

Những giải pháp đổi mới này đã khiến cho Không quân Nga có được những khả năng mà 7 năm trước hoàn toàn nằm ngoài tầm với.

-  Năng lực triển khai và duy trì cụm binh lực không quân đến 100 máy bay chiến đấu nhiều tháng trong điều kiện khó khăn phức tạp của chiến trường, khả năng duy trì tần suất cao các nhiệm vụ chiến đấu.

- Khả năng hoạt động trong cơ chế tích hợp "trinh sát - tấn công phức hợp", cho phép dữ liệu thông tin tình báo thu được từ nhiều nguồn khác nhau như: máy bay trinh sát, vệ tinh, máy bay tuần thám không người lái, các nhóm tình báo, được chuyển đổi thành thông tin dữ liệu mục tiêu,  ngay cả tình huống mục tiêu di động -  cụm binh lực đối phương di động hoặc đoàn xe quân sự cơ động cũng nhanh chóng được chuyển hóa thành thông tin dữ liệu mục tiêu để tấn công nhanh chóng.

Năng lực yểm trợ hỏa lực đường không và khả năng chế áp mục tiêu trong tình huống kẻ thù hoạt động tác chiến trong mội trường ẩn nấp và che chắn tốt. (tấn công các mục tiêu hầm ngầm, đồi núi với địa hình phức tạp).

Khả năng tiến hành các chiến dịch đường không trong mọi điều kiện thời tiết và mọi thời gian (ngày – đêm)..

Khả năng sử dụng các loại vũ khí dẫn đường có độ chính xác cao.

Khả năng tích hợp máy bay cảnh báo sớm trên không tầm xa A-50 với các máy bay trinh sát, tình báo và giám sát mặt đất như IL-20 và Tu-214R vào  những hoạt động chiến trường ở cấp độ đồng bộ hóa cao.

Khả năng sử dụng máy bay trinh sát UAV trên quy mô lớn, không gian chiến trường rộng và là một thành phần cấu thành của hoạt động tác chiến đường không tích hợp.

Nhưng những gì mà Nga thể hiện trên chiến trường Syria không phải là tất cả. Lực lượng không quân Nga vẫn có những nội dung không thể hiện.

Khả năng tổ chức và hoạt động "một gói tấn công" trên không lớn chống lại một lực lượng không quân hiện đại và hệ thống phòng không đa tầm. Năng lực tác chiến này lực lượng không quân Mỹ và NATO đã thể hiện một thập kỷ trước đây, khi cụm binh lực liên minh không quân Mỹ - NATO tiến công ở chiến trường Afghanistan và Iraq.

Khả năng sử dụng một số lượng lớn các loại vũ khí dẫn đường chính xác. Nga sử dụng các loại bom dẫn đường KAB-500R và tên lửa không đối đất dẫn đường laser  Kh-29L với số lượng không nhiều.

Hầu hết các loại vũ khí tác chiến đường không của không quân Nga là vũ khí thông thường (bom rơi tự do và rocket không điều khiển) có độ chính xác cao khi sử dụng các hệ thống kính ngắm tính toán quỹ đạo đường đạn hiện đại, cho phép tấn công mục tiêu với cơ chế hầu như tự động hóa hoàn toàn.

Nga không sử dụng vũ khí chiến thuật thông minh  như SDB hoặc AASM hoặc tên lửa hành trình chiến thuật JASSM. Những loại vũ khí này đã được phát triển và được trưng bày tại triển lãm MAKS-2015, nhưng không được đưa vào sử dụng trong giai đoạn gần đây.

Nhưng đây cũng có thể là một vấn đề tốt, do Nga không phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống định vị vệ tinh tương tự như các lực lượng của NATO, điều đó cho hiệu quả tác chiến cao hơn, nếu so với lực lượng không quân NATO sử dụng các loại vũ khí này chống các lực lượng Taliban.

Những hệ thống tác chiến đường không hiện đại của Nga được đưa vào sử dụng ở chiến trường Syria được đánh giá có hiệu quả tốt. Đưa các máy bay chiến đấu thế hệ mới như Su-30SM, Su-35S và Su-34 cho thấy khả năng tác chiến hiện đại của Nga dù không có những thông tin cụ thể về hoạt động chiếm ưu thế trên không của tiêm kích Su-30SM, Su-35S. Rõ ràng các chiến đấu cơ này đã cấu thành một thành phần an ninh không phận cho các máy bay cường kích chiến trường hoạt động hiệu quả ở tầng thấp hơn.

Nga đã thể hiện một phần của khả năng khống chế bầu trời thông qua hệ thống phòng không. Nhưng khả năng tác chiến điện tử trên các máy bay chiến đấu hiện đại như Su-35S và Su-34 chưa rõ ràng. Các nhà quan sát quân sự hoàn toàn không có thông tin về khả năng chế áp điện tử đối với các phương tiện phòng không của đối phương, bao gồm từ tên lửa MANPAD đến các tổ hợp phòng không cao cấp hơn.

Cuộc chiến ở Syria chưa khiến không quân Nga thể hiện hết được năng lực tác chiến thật sự của các máy bay chiến đấu hiện đại. Các vụ không kích thông thường được sử dụng bởi một thế hệ máy bay ném bom Su-24 cho kết quả tốt, mặc dù đã được hiện đại hóa nhưng cũng đã quá lỗi thời.

Không quân Nga không sử dụng các máy bay tác chiến mặt đất hiện đại hơn như trực thăng chiến đấu tấn công Mi-28N và Ka-52, điều đó khiến các nhà quan sát buộc phải dự đoán năng lực tác chiến thật sự của các chiến đấu cơ Nga. Ít nhất, đến nay không có những sự cố không cần thiết như các chiến đấu cơ hiện đại khác của NATO.

Những gì mà không quân vũ trụ Nga thực hiện ở Syria mới chỉ là cái vỏ bên ngoài của một lực lượng không quân đang phát triển mạnh mẽ. Trên chiến trường Syria, lực lượng không quân Nga khai thác các bài học kinh nghiệm để tiếp tục hiện đại hóa và gia tăng sức mạnh thực chiến, sẵn sàng cho một cuộc chiến tiếp theo mà lực lượng đối kháng có thể hoàn toàn khác, mạnh hơn nhiều lần.

 

Tổng quan tình hình phát triển không quân vũ trụ Nga theo South Front

NT