Theo chính trị gia này, hiện Mỹ không còn là bá chủ duy nhất trên thế giới, vị trí vốn quá quen thuộc kể từ khi bức tường Berlin sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Vì không thể tiếp tục dẫn đầu, Washington đã sử dụng quyền lực vốn có của mình, cố ý gây thiệt hại giữa các nước khác như: thúc đẩy các tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản, gây bất ổn Đông Âu bằng cách hỗ trợ các cuộc xung đột ở Ukraine, ép giá xăng dầu toàn cầu giảm xuống và làm tổn hại nền kinh tế Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế.
Chẳng hạn, tại Ukraine, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng, nền kinh tế của Kiev đang sắp sập, Mỹ tuyên bố viện trợ thêm cho họ các thiết bị chiến tranh. Ngày 11-3 vừa qua, Washington đã cung cấp khoản viện trợ bổ sung trị giá 75 triệu USD cho quốc gia Đông Âu này dưới dạng các thiết bị-khí tài phi sát thương.
Giới chức Mỹ cho biết, họ đã quyết định sẽ chuyển cho Kiev rađa phát hiện đạn súng cối, kính hồng ngoại, máy bay không người lái RQ-11 Raven và hàng loạt thiết bị quân y cho Ukraine trong vài tuần tới.
Ngoài ra, Tổng thống Mỹ, Barack Obama cũng đã phê chuẩn đề xuất viện trợ 30 xe bọc thép đa năng Humvee và 200 xe Humvee không bọc thép cho chính quyền Kiev. Động thái này của Mỹ không thể làm dịu đi căng thẳng tại Ukraine mà còn khiến nó có cơ hội bùng phát.
Viện cớ Nga hỗ trợ quân sự cho phe ly khai tại miền đông Ukraine và là một bên tham chiến tại đó, Washington đã liên tiếp đưa ra các vòng trừng phạt nhắm vào các ngân hàng lớn, ngành quốc phòng, năng lượng cũng như là các quan chức cấp cao Nga.
Tại sao Mỹ lại “gây rối” ở nhiều nước như vậy?
Ông Lio phân tích, điều quan trọng là phải hiểu rằng, lợi ích của Mỹ ở các nước châu Âu là khác nhau. Sự bất ổn ở Đông Âu sẽ mang lại lợi ích Washington, cũng như cuộc xung đột đang diễn ra ở Ukraine sẽ là chất xúc tác khiến châu Âu yếu thế, đặc biệt là khiến Nga-một cường quốc của châu Âu suy yếu.
Phó Thủ tướng Đức, Sigmar Gabriel đã từng cảnh báo rằng, các biện pháp hà khắc thêm nữa từ Mỹ và các nước EU có thể gây bất ổn và đẩy Moscow vào tình trạng hỗn loạn. Điều này hoàn toàn không có lợi đối với một số quốc gia ở châu Âu.
Theo ông Gabriel, mục đích đẩy Nga rơi vào tình trạng hỗn loạn cả về kinh tế, chính trị sẽ gây ra tình trạng nguy hiểm hơn rất nhiều cho toàn bộ các quốc gia ở Châu Âu. Các biện pháp trừng phạt chỉ nhằm mục đích đưa đất nước này trở lại bàn đàm phán chứ không phải khiến Nga gục ngã.
Ông Gabriel nhấn mạnh, một số kẻ ở Châu Âu và Washington muốn nhìn thấy Moscow phải gục ngã. Tuy nhiên, nó sẽ không phục vụ cho lợi ích của Đức cũng như của Châu Âu. Nếu Nga không còn là đối tác quan trọng trong việc giải quyết các cuộc xung đột, điều này sẽ gây ra những hậu quả rất nguy hiểm cho toàn bộ thế giới.
Cuối cùng, nhà chính trị gia Lio kết luận, khi Nga sụp đổ thì châu Âu cũng suy yếu, từ đó không thể đe dọa kinh tế cũng như chính trị với Hoa Kỳ. Giả sử châu Âu giải quyết tốt các vấn đề nội bộ của mình, đó sẽ là thách thức nguy hiểm đối với “giấc mơ” bá chủ của Mỹ.
Theo: Vietnam Plus