Grant Harrold – từng làm việc cho Thái tử Charles của Anh và tự nhận mình là “chuyên gia về nghi lễ” – đã đăng tải một bài đăng gây tranh cãi vào hôm thứ Bảy tuần trước. Kể từ đó, nó nhận được hơn 10.000 lượt bình luận.
“Thưa các quý ông, quý bà, hãy nhớ rằng chúng ta luôn luôn dùng dao và nĩa hoặc đũa để ăn cơm” – Harrold viết, đăng kèm một bức ảnh một chiếc đĩa gần trống và một ai đó đang sử dụng dao để đẩy nốt chỗ cơm còn lại vào một chiếc nĩa – “Chúng ta không dùng tay hay ngón tay!”.
Phản ứng trên mạng phần lớn là phẫn nộ trước việc một người thuộc nền văn hóa khác dạy cho người ta phải làm gì, ngoài ra là những chỉ trích mang tính châm chọc.
“Ông đang mong chờ chúng tôi nhận lời khuyên về ẩm thực từ người mà xem món đậu nướng là ngon sao?” – một người dùng Twitter Malaysia đặt câu hỏi, trong khi một người khác đến từ Indonesia chỉ ra rằng: “Đa phần người châu Á chúng tôi, bất kỳ người châu Á nào, đều dùng tay để ăn”.
Bài đăng kèm hình ảnh của Harrold trên Twitter (Ảnh: Twitter) |
Theo dữ liệu của Statista, mỗi người châu Á trung bình tiêu thụ 60,4 kg gạo mỗi năm, cao hơn gần gấp đôi so với mức tiêu thụ trung bình 38,4 kg/năm của toàn thế giới. Trung Quốc là nước sản xuất gạo lớn nhất thế giới, tiếp đến là Ấn Độ và Indonesia.
Một nhà bình luận trực tuyến đến từ Ấn Độ còn đặt ra câu hỏi rằng có phải Harrold “bị mắc kẹt trong thời thực dân” hay phát ngôn của ông là “lời thú nhận đáng thương rằng bản thân không thể dùng tay để làm bất cứ điều gì tao nhã”.
“Những người này thích tự áp đặt họ, ngay cả khi không cần thiết” – một người khác bình luận – “Chúng tôi sẽ không nghe theo ông. Cứ giữ lấy dao và nĩa cho văn hóa của ông”.
Tờ The Star của Malaysia còn dẫn lời đầu bếp Redzuawan Ismail nói rằng thật ngốc nghếch khi “làm theo suy nghĩ của họ” khi bàn về thực phẩm.
“Món ăn châu Á có đầy món ăn có cà ri. Nếu bạn chỉ có dao và nĩa, làm thế nào bạn xúc được tất cả nếu không có thìa?” - ông Ismail nói – “Chúng tôi cũng có nền văn hóa. Không có đúng và sai. Nếu ai đó trong chúng tôi muốn ăn cơm bằng tay, vậy thì cũng được thôi. Đừng quá cứng nhắc”.
Harrold, người mới đây cũng đưa ra lời khuyên về cách hôn một cách đúng nghi thức trên Twitter – thậm chí có cả một bài đăng chỉ cho đàn ông cách điều chỉnh đồ lót của họ trong lúc đang ở nơi đông người – không đưa ra lý do đăng tải bài viết dạy cách ăn cơm của mình.
Tuy nhiên, trong một đoạn trả lời bình luận của người đọc, ông nhấn mạnh rằng ông đã trải qua “khóa huấn luyện về nghi thức của Anh chứ không phải huấn luyện nghi thức của thế giới”, và yêu cầu những người dùng Twitter khác “ngừng gọi tôi là phân biệt chủng tộc, người theo chủ nghĩa thượng đẳng”.
Đáp lại bài đăng gốc của Harrold về cách ăn cơm, một người dùng Twitter cho rằng ông “đang bỏ lỡ một trong số những thú vui tuyệt nhất trên thế giới” đó là ăn bằng tay, “đặc biệt là khi cơm được phủ trong lớp cà ri và được đặt trên một cái lá chuối”.
Cũng có một số người kêu gọi sự cởi mở hơn trong việc tiếp nhận văn hóa, như một người bình luận đến từ Philippines đã viết: “Hãy cứ ăn uống bằng mọi thứ mà bạn cảm thấy thoải mái nhất, giờ đã là năm 2021 rồi, sự đa dạng văn hóa giờ đã được chấp nhận”.