Thủ lĩnh nhóm đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và Thủ lĩnh nhóm thiểu số Kevin McCarthy đều đã lên tiếng bác bỏ ý tưởng của Tổng thống Trump. Thêm vào đó, ông Trump không có thẩm quyền để trì hoãn bầu cử, bởi mọi sự trì hoãn đều phải được Quốc hội Mỹ thông qua.
Trước đó, ông Trump cho rằng việc tăng cường bỏ phiếu qua đường bưu điện có thể dẫn tới gian lận bầu cử và kết quả không chính xác. Cùng lúc, ông đề xuất tạm hoãn bầu cử cho đến khi người dân có thể đi bỏ phiếu "một cách an toàn, đúng cách và đảm bảo". Mặc dù có ít bằng chứng để ủng hộ tuyên bố của ông Trump, từ lâu ông đã phản đối việc bỏ phiếu qua đường bưu điện, cho rằng việc này dẫn tới gian lận.
Trong khi đó, nhiều bang của Mỹ đang muốn đẩy mạnh việc bỏ phiếu qua đường bưu điện do nhiều quan ngại về sức khỏe gây nên do đại dịch COVID-19.
Sự can thiệp của ông Trump vào quá trình bầu cử xuất hiện ngay giữa lúc các con số thống kê cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chịu tác động nặng nề nhất kể từ sau cuộc Đại suy thoái những năm 1930.
Đảng Cộng hòa phản ứng ra sao?
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell phản đối việc trì hoãn ngày bầu cử Tổng thống (Ảnh: Forbes)
|
Thượng nghị sĩ McConnell nói rằng không có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào từng bị hoãn từ trước đến nay.
"Điều đó chưa từng xảy ra trong lịch sử đất nước này, dù là trải qua các cuộc chiến, suy thoái và Nội chiến chúng ta lại không có một cuộc bầu cử theo lịch trình liên bang diễn ra đúng thời điểm. Chúng ta sẽ tìm cách làm lại điều đó vào ngày 3/11" - ông McConnell nói.
Ông McCarthy cũng đưa ra nhận định tương tự: "Chưa bao giờ trong lịch sử các cuộc bầu cử liên bang mà chúng ta không tổ chức một cuộc bầu cử và chúng ta nên tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử".
Ngay cả thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một đồng minh của ông Trump, cũng nói rằng việc trì hoãn bầu cử "không phải một ý tưởng tốt".
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lại từ chối phản đối đề xuất của ông Trump. Khi được các phóng viên hỏi rằng một tổng thống có thể trì hoãn bầu cử hay không, ông Pompeo nói ông sẽ "không đưa ra một phán quyết pháp lý" tức thì.
Trong khi đó, phát ngôn viên cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, Hogan Gidley, nói rằng Tổng thống chỉ đang "đưa ra một câu hỏi".
Ông Trump nói gì?
Trong một cuộc họp báo tổ chức tại Nhà Trắng trong chiều ngày 30/7 (giờ Mỹ), Tổng thống Trump bác bỏ việc ông muốn hoãn bầu cử, nhưng tranh luận rằng việc bỏ phiếu qua đường bưu điện một cách rộng rãi sẽ dẫn tới việc nghi ngờ kết quả bỏ phiếu.
"Tôi không muốn trì hoãn, tôi muốn có kỳ bầu cử này" - ông Trump nói - "Nhưng tôi cũng không muốn phải chờ đợi thêm 3 tháng để rồi sau đó phát hiện ra rằng các lá phiếu bị thiếu và bầu cử chả có ý nghĩa gì cả".
"Tôi không muốn thấy một cuộc bầu cử không trung thực" - ông Trump phát biểu trước các phóng viên - "Kỳ bầu cử này phải là kỳ bầu cử được chuẩn bị tốt nhất nếu nó diễn ra".
Trong hàng loạt đoạn tweet đưa ra trước đó, Tổng thống Trump cũng cảnh báo về việc bỏ phiếu qua đường bưu điện, nói rằng kỳ bầu cử sẽ dễ bị các thế lực ngoài nước thao túng nếu làm vậy.
Tháng 6 vừa qua, New York đã cho phép cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ để lựa chọn ra ứng viên tranh cử Tổng thống của đảng này. Tuy nhiên, việc đếm phiếu bị trì hoãn khá lâu mà đến nay kết quả vẫn chưa được công bố.
Giới truyền thông Mỹ báo cáo rằng, có nhiều quan ngại rằng lá phiếu sẽ không được đếm nếu chúng không được điền vào một cách chính xác hoặc không có dấu bưu điện - điều chứng tỏ nó được gửi đi trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức kết thúc.
Ai có thể thay đổi ngày bầu cử?
Tổng thống Trump không có đủ thẩm quyền để dời ngày bầu cử, mà theo luật pháp Mỹ sẽ được tổ chức vào ngày thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11.
Bất cứ sự thay đổi ngày bầu cử nào đều cần được phê chuẩn bởi lưỡng viện trong Quốc hội - Thượng viện và Hạ viện. Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và một số thành viên đảng này đã nói họ sẽ không ủng hộ việc trì hoãn bầu cử.
Mọi động thái của Quốc hội nhằm trì hoãn bầu cử Tổng thống tới năm 2021 đều cần phải sửa đổi Hiến pháp; theo các chuyên gia về Hiến pháp.