Kết quả trên được rút ra từ cuộc trưng cầu dân ý trên mạng với tựa đề “Lựa chọn láng giềng” do trang web tiếng Trung huanqiu.com của tờ Thời báo Hoàn Cầu tổ chức. Theo đó, cư dân mạng Trung Quốc sẽ trả lời câu hỏi: “Nếu được thay Trời, bạn sẽ vẽ lại bản đồ các nước láng giềng với Trung Quốc như thế nào?”
Thích và không thích
Cụ thể, cư dân mạng Trung Quốc trả lời theo 3 câu hỏi: “Quốc gia láng giềng với Trung Quốc phải như thế nào?”; “Những quốc gia láng giềng nào bạn muốn di chuyển nhất và muốn giữ lại?”; “Những quốc gia nào bạn muốn đặt ngay cạnh Trung Quốc?”.
Kết quả, hơn 200.000 người đã tham gia trả lời 3 câu hỏi trên và hơn 1.600 người để lại bình luận.
Câu hỏi đầu tiên có 18 phương án lựa chọn bao gồm các tiêu chí “ổn định, giàu có, có quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, không nợ tiền Trung Quốc và những người nói tiếng Trung có thể sinh sống tại những quốc gia này".Theo đó, 12.600 người lựa chọn tiêu chí “ổn định”; 11.030 chọn "thân thiện với Trung Quốc" và 9.462 người ủng hộ phương án "có thể sử dụng đồng nhân dân tệ ngay tại quốc gia đó".
Đặc biệt, với số phiếu bầu cao nhất, tổng cộng 13.196 người muốn "di chuyển Nhật Bản đi nơi khác”.
Theo ông Sun Lizhou, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Thế giới và Trung Quốc thuộc Đại học Luật và Khoa học chính trị Trung Quốc, kết quả này hoàn toàn trái ngược với những tiêu chí mà câu hỏi số 1 đã đưa ra. Bởi Nhật Bản xứng đáng là hàng xóm của Trung Quốc khi là đối tác thương mại lớn thứ tư của nước này. Ngoài ra, Nhật Bản là quốc gia giàu có và ổn định.
Cũng theo ông Sun, nguyên nhân khiến cư dân mạng Trung Quốc muốn “chuyển” Nhật Bản đi nơi khác là do chính phủ nước này không chịu xin lỗi về các vấn đề mang tính lịch sử và tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông cũng đã khiến quan hệ Nhật – Trung ngày càng rạn nứt. Ngoài ra, sự phổ biến của các bộ phim truyền hình chống Nhật ở Trung Quốc cũng đang góp phần tạo nên một hình nước Nhật đầy tiêu cực.
Những quốc gia khác mà dân mạng Trung Quốc không muốn “gần” còn có Philippines (11.671 phiếu), Việt Nam (11.620 phiếu), Triều Tiên (11.024 phiếu), Ấn Độ (10.416 phiếu), Afghanistan (8.506) và Indonesia (8.167 phiếu). Giới phân tích nhận định đây là những nước vốn có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.
"Philippines và Việt Nam liên tục phản đối Trung Quốc trên Biển Đông. Đó là lý do dân Trung Quốc có ấn tượng xấu về 2 quốc gia này", ông Ge Hanwen, chuyên gia Các mối quan hệ quốc tế thuộc Đại học quân đội Trung Quốc nói.
Trong khi đó, hai quốc gia Trung- Ấn hiện vẫn đang tranh chấp 120.000 km2 đất và hai bên chưa ký hiệp ước giải quyết các tranh chấp biên giới. Chính quyền Trung Quốc còn cáo buộc Ấn Độ bảo hộ cho một số người ly khai ở vùng Tây Tạng.
Trái lại, cư dân mạng Trung Quốc mong muốn có được Pakistan là “hàng xóm” với 11.831 phiếu bầu. Ba quốc gia tiếp theo mà cư dân mạng Trung Quốc muốn “giữ lại làm hàng xóm” là Kazakhstan, Nepal và Tajikistan. Và Nga được xếp ở vị trí thứ 11.
Thụy Điển - Quốc gia yêu thích nhất
Cư dân mạng Trung Quốc được lựa chọn 36 quốc gia vào danh sách “hàng xóm mới". Kết quả, Thụy Điển giành được 9.776 phiếu, chiếm 5,8%. Tiếp theo là 6 nước gồm New Zealand, Đức, Maldives, Singapore, Na Uy và Thái Lan.
Ông Shen Binlu tại Đại học Nghiên cứu quốc tế Thượng Hải nhận định ông rất ngạc nhiên khi Thụy Điển được cư dân mạng bình chọn nhiều nhất.
“Có lẽ, khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, lối sống nhàn nhã của người Thụy Điển đã thỏa mãn giấc mơ của nhiều người Trung Quốc và hình ảnh một đất nước ngoại giao hòa bình trong cộng đồng quốc tế cũng đã nhận được sự ủng hộ của người dân Trung Quốc, ông Shen chia sẻ.
Trong khi đó theo ông Sun, chính sách phúc lợi xã hội hào phóng của Thụy Điển nhằm thúc đẩy bình đẳng xã hội đã nhận được sự đánh giá cao của cư dân mạng Trung Quốc.
"Hầu hết các nước láng giềng mới đều ổn định, giàu có, thân thiện với Trung Quốc và quan tâm đến phúc lợi xã hội. Trong đó, Đức và Singapore là mô hình thành công về lĩnh vực kinh tế và công nghệ. Maldives và Thái Lan là thiên đường du lịch”, chuyên gia Ge cho hay.
Theo Hoàn Cầu, Infonet