Đạn chùm mà Mỹ quyết định cung cấp cho quân đội Ukraine mạnh cỡ nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Army Recorgnition dẫn nguồn tin truyền thông Mỹ ngày 6/7/2023 cho biết, chính quyền Mỹ đã lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine các loại đạn chùm 155mm dành cho pháo binh.

Quân đội Ukraine sẽ sử dụng đạn chùm 155 mm, bắn từ các loại pháo của Mỹ và phương Tây. Ảnh Army Recorgnition.
Quân đội Ukraine sẽ sử dụng đạn chùm 155 mm, bắn từ các loại pháo của Mỹ và phương Tây. Ảnh Army Recorgnition.

Theo thông báo chính thức được công bố ngày 7/7, Lầu Năm Góc sẽ gửi hàng nghìn quả đạn chùm như một phần của gói viện trợ quân sự mới trị giá tới 800 triệu USD.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Mỹ quyết định chuyển giao bom, đạn chùm cho Ukraine vì quốc gia này sắp hết đạn thông thường.

Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Joe Biden Jake Sullivan giải thích, Mỹ đã nhận được sự đảm bảo từ Kyiv, sẽ sử dụng bom, đạn chùm “một cách thận trọng”.

Chính quyền Ukraine tuyên bố, bom đạn chùm sẽ giúp quân đội "giải phóng" các lãnh thổ Ukraine, đồng thời bảo vệ mạng sống của binh lính Ukraine.

Nhiều tranh cãi đã dấy lên khi Washington cho phép Ukraine sử dụng các loại đạn do lo ngại những tác hại tiềm ẩn mà vũ khí sẽ gây ra cho dân thường, do sự hiện diện của các loại bom, đạn con chưa nổ nằm rải rác trên các khu vực rộng lớn. Nhằm giải quyết những lo ngại này, Lầu Năm Góc dự định cung cấp cho Kyiv loại bom, đạn chùm có "tỷ lệ hư hỏng" thấp hơn. Phương án điều chỉnh này được cho là số lượng đạn chưa nổ ít hơn đáng kể, giảm thiểu nguy cơ gây thương vong cho dân thường.

Đạn cassette, còn được gọi là bom chùm là loại vũ khí được thiết kế để phóng ra vô số bom, đạn thứ cấp nhỏ hơn trên một phạm vi rộng. Những loại đạn này có mục đích bao phủ một khu vực rộng lớn và gây thương vong cho người, phương tiện hoặc phá hủy cơ sở hạ tầng hay phát tán các vật liệu sát thương hoặc phi sát thương khác nhau.

Bom chùm có thể được triển khai bằng cách thả bom, đạn từ trên không hoặc phóng từ mặt đất. Các loại bom đạn mẹ sẽ mở ra trong không trung, phân tán bom, đạn con trên một khu vực rộng lớn hơn, tăng cường khả năng đánh trúng nhiều mục tiêu trong khu vực xác định. Bom, đạn con có thể được kích nổ khi va chạm hoặc được kích hoạt bằng cơ chế nổ hẹn giờ. Các phương tiện mang, phân phối bom, đạn chùm có thể là máy bay, pháo, bom hoặc tên lửa.

Có nhiều loại bom, đạn chùm khác nhau. Bom chùm sát thương sử dụng nổ phân mảnh để gây thương vong sinh lực đối phương hoặc các mục tiêu thông thường không bọc thép. Đạn chùm chống tăng sử dụng đầu đạn hiệu ứng nổ lõm để phá hủy tăng thiết giáp. Bom chùm gây cháy được thiết kế để gây ra hỏa hoạn trên diện rộng, bom chùm rải mìn sẽ triển khai các trận địa mìn trên những địa bàn xác định.

Điều quan trọng là bom, đạn chùm được thiết kế để triển khai vũ khí hóa học đã bị cấm theo Công ước Vũ khí Hóa học. Ngoài ra, các cường quốc quân sự còn sử dụng bom, đạn chùm làm gián đoạn hệ thống truyền tải điện hoặc rải truyền đơn.

Bom chùm vấp phải sự chỉ trích và lo ngại do khả năng gây thương vong rộng lớn cho dân thường. Thứ nhất, nhiều quả bom nhỏ thả ra khi va chạm không phát nổ tức thì, ẩn giấu nguy cơ lâu dài cho dân thường, đạn chưa nổ trong bom chùm có thể gây thương vong và thương tật cho con người sau nhiều năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ sau khi được triển khai. Hơn nữa, việc sử dụng bom chùm ở những khu vực đông dân cư bị các nhóm nhân quyền cáo buộc vi phạm luật nhân đạo quốc tế, vì gây ra sự hủy diệt và thương vong bừa bãi.

Việc sử dụng bom, đạn chùm đã được quốc tế quy định. Hơn 100 quốc gia đã ký Công ước về Bom, đạn chùm, cam kết không sản xuất, sử dụng, chuyển giao hoặc tàng trữ các loại vũ khí này. Nhưng Mỹ, Nga và Ukraine không nằm trong số các quốc gia đã ký kết. Điều đáng mừng là kể từ khi công ước Quốc tế về bom, đạn chùm được thông qua, một phần đáng kể kho dự trữ bom, đạn chùm toàn cầu đã bị phá hủy.

Các loại bom, đạn chùm được Mỹ lên kế hoạch cung cấp cho Ukraine có thể bao gồm một trong hai biến thể chính trong kho vũ khí quân đội Mỹ: M483 hoặc M864 tầm xa. Các loại bom, đạn chùm này là đạn pháo 155 ly chứa đạn thông thường cải tiến (DPICM) đa mục đích. Được thiết kế để mở giữa không trung, những quả đạn này sẽ thả đạn nổ phá mảnh hiệu ứng nổ lõm, cho phép tấn công cả xe thiết giáp và lực lượng bộ binh.

Những quả đạn lựu 155mm này có thể mang tổng cộng 88 quả đạn lõm đa dụng. Những quả đạn thử cấp bên trong đạn pháo bao gồm 64 quả lựu đạn M42 và 24 quả lựu đạn M46. Lựu đạn M42, nằm ở phía trước giúp tăng cường khả năng nổ phân mảnh, lựu đạn M46 rơi xuống phía sau tăng hiệu quả sát thương của vụ tấn công. Sau khi bung ra khỏi đạn mẹ, trong khi bay, bộ phận kích nổ của lựu đạn được kích hoạt và đạn phát nổ khi va chạm.

Kế hoạch cung cấp bom, đạn chùm cho Ukraine có khả năng hỗ trợ các lực lượng quân sự của quốc gia này trong cuộc phản công chống lại quân đội Nga trên các tuyến phòng thủ vững chắc. Nhưng việc sử dụng bom chùm cũng gây rủi ro cho chính quân đội Ukraine, do đạn chưa nổ từ các lần triển khai trước đó có thể gây nguy hiểm cho chính các cuộc tấn công tiếp theo.

Theo Army Recognition