Sáng 22/5, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì và điều hành của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV tiến hành quy trình bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
8h55, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Tô Lâm.
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, 472/473 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 96,92% tổng số đại biểu Quốc hội có mặt tán thành. Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Tô Lâm.
"Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng, trước Quốc hội, và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó", Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm tuyên thệ.
Phát biểu nhậm chức, tân Chủ tịch nước Tô Lâm cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu và giao cho ông trọng trách lớn. Ông cám ơn Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng các lãnh đạo Đảng Nhà nước đã tin cậy giới thiệu ông đảm nhiệm trọng trách cao cả này.
“Tôi ý thức sâu sắc rằng đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để cùng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, nhân dân theo con đường mà Đảng ta và Bác Hồ đã lựa chọn”, tân Chủ tịch nước bày tỏ.
Ông Tô Lâm tỏ lòng biết ơn tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, tới các bậc tiền bối, hàng triệu anh hùng liệt sĩ đã anh dũng chiến đấu, hi sinh vì độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, tới những người đã quên mình trong lao động, sáng tạo, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt, nhạy bén của Đảng, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức đồng lòng của nhân dân, sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay.
“Đây là những tiền đề hết sức quan trọng để tôi có thể hoàn thành tốt trọng trách được giao trên cương vị Chủ tịch nước. Mặt khác cũng đặt ra yêu cầu, kỳ vọng cao hơn trong giai đoạn phát triển mới nhằm tạo ra những kỳ tích mới vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, dân chủ văn minh”, ông Tô Lâm nói.
Ông Lâm cho biết đã nhận thức sâu sắc trách nhiệm trước Đảng nhân dân và hứa sẽ thực hiện nghiêm túc đầy đủ nhiệm vụ quyền hạn của Chủ tịch nước đã được Hiến định, tích cực thực hiện nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, quốc phòng, an ninh của đất nước; cùng toàn Đảng toàn dân, toàn quân ta và các tổ chức trong hệ thống chính trị phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, nỗ lực thực hiện thắng lợi, mọi chủ trương, đường lối của Đảng; phấn đấu hoàn thành thắng lợi mục tiêu của đất nước 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tân Chủ tịch nước cam kết sẽ cùng Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban bí thư, tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa; thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, phát huy dân chủ, xã hội chủ nghĩa, đi đôi với củng cố trật tự kỷ cương.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ngành văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là nguồn nội lực phát triển, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hiện đại hóa đất nước. Kiên định và triển khai có hiệu quả đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ ngoại giao, đối ngoại mang đậm bản sắc “ngoại giao cây tre Việt Nam”, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với sức mạnh thời đại, góp phần đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa nước ta với các nước, nhất là các nước láng giềng, các nước, bạn bè, truyền thống và các nước lớn.
Theo lịch trình, sau đó, Quốc hội sẽ phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh theo đề nghị của Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.
Từ báo cáo của Ban kiểm phiếu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Việc thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh được thực hiện ngay sau đó.
Mới đây, tại Hội nghị Trung ương 9, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định giới thiệu Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, để Quốc hội khóa XV bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026.
Ông Tô Lâm là Chủ tịch nước thứ 13 trong lịch sử nhà nước Việt Nam (tính từ năm 1945 đến nay).
Cũng trong sáng ngày 22/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội dự thảo Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Tô Lâm. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an.
Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ được Thủ tướng giao điều hành Bộ Công an cho đến khi kiện toàn vị trí Bộ trưởng.
Trước đó, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 6 (ngày 21/3/2024), Quốc hội thông qua việc cho thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác đối với ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Quốc hội phân công Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân giữ quyền Chủ tịch nước trong lúc chờ kiện toàn nhân sự.