Đầu tư vì dự án có ý nghĩa ở quê hương
Sáng 16/1, TAND TP Hà Nội xét xử cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và 9 bị cáo liên quan trong vụ án Sài Gòn Đại Ninh.
Là người được xét hỏi đầu tiên, ông Nguyễn Cao Trí, Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Đại Ninh, khai rằng mục đích mua lại dự án Sài Gòn Đại Ninh từ bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Du lịch Sài Gòn Đại Ninh, là để đầu tư vì dự án có ý nghĩa ở quê hương mình.
Ông Trí cho hay thời điểm 2020, dự án Đại Ninh đang bị Kết luận số 929 của Thanh tra Chính phủ kiến nghị thu hồi nên thỏa thuận mua lại từ bà Phan Thị Hoa.
HĐXX đặt câu hỏi: "Hai bên thỏa thuận mua lại dự án với nhau như thế nào"? Ông Trí khai nhận là "chuyển nhượng 100% dự án".
Khi HĐXX hỏi tiếp về số tiền thanh toán, ông Trí cho biết thỏa thuận ban đầu là 5.000 tỷ đồng, trong đó ông đã thanh toán cho bà Phan Thị Hoa 1.700 tỷ đồng. Sau khi Thanh tra Chính phủ ra kết luận 1033 hủy bỏ kiến nghị thu hồi dự án Đại Ninh, bà Hoa đàm phán nâng giá thêm 2.000 tỷ đồng. Cuối cùng, ông Trí và bà Hoa ký thỏa thuận tổng giá trị 7.000 tỷ đồng. Hiện mới thanh toán 1.700 tỷ đồng từ nguồn của Novaland trả.
"Khi thỏa thuận mua lại dự án, bị cáo có biết bị thu hồi? HĐXX hỏi. Ông Nguyễn Cao Trí thừa nhận biết và được bà Hoa nói rằng "có quyết định vậy thôi nhưng không dễ thu của chị". Ông Trí nhận thấy quyết định thu hồi có sơ hở, chưa được chặt chẽ.
Ông Trí khai nhận sau khi đạt được thỏa thuận chuyển nhượng dự án Đại Ninh, ông đến gặp ông Trần Văn Minh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ (đã chết) bạn học hơn 20 năm nhờ giúp đỡ và được hướng dẫn gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ để xem xét kiến nghị của Sài Gòn Đại Ninh.
"Tôi nói ở Văn phòng Chính phủ có quen anh Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Anh Minh bảo thế tốt, nhờ anh Dũng gửi đơn đến cấp có thẩm quyền sẽ được xem xét lại", bị cáo Trí khai.
HĐXX truy vấn: "Kết luận 929 của Thanh tra Chính phủ nếu có đề nghị thì phải gửi cho bên này (Thanh tra Chính phủ - PV), sao lại gửi đơn đến Văn phòng Chính phủ?" Ông Trí trả lời rằng vì doanh nghiệp bị ảnh hưởng nên ông tìm ai đó để hướng dẫn. Ông làm theo hướng dẫn của ông Minh, do không rành lắm hệ thống pháp luật.
Bị cáo Trí sau đó 2 lần tới Văn phòng Chính phủ gặp bị cáo Mai Tiến Dũng nhờ giúp đỡ. Ông Dũng đồng ý, yêu cầu bị cáo Trần Bích Ngọc, Vụ trưởng Vụ I, chuyển đơn của bị cáo Trí. Từ việc này, Thanh tra Chính phủ lập tổ công tác, xem xét lại dự án Đại Ninh và ra kết luận 1033, sửa đổi kết luận 929 từ thu hồi dự án Đại Ninh sang giãn tiến độ, cho tiếp tục thực hiện.
"Theo bị cáo hiểu Sài Gòn Đại Ninh có quyền kiến nghị khiếu nại kết luận thanh tra 929 không? HĐXX hỏi. Ông Nguyễn Cao Trí cho rằng với tư cách là doanh nghiệp, ông rất bức xúc vì doanh nghiệp đã mất nhiều công sức và tiền của đầu tư vào dự án suốt 10 năm. Khi xảy ra tranh chấp thiệt hại, ông nghĩ cần tìm cách giải quyết tình trạng này để doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn. Do được hướng dẫn, ông chỉ biết mang đơn lên gửi.
Trong quá trình xét hỏi, ông Trí trả lời vòng vo, không đúng vào trọng tâm câu hỏi nên HĐXX nhiều lần nhắc nhở.
Tại tòa, ông Trí khai đưa tiền cho nhiều người, như bị cáo Nguyễn Hồng Giang, Cục trưởng Cục II Thanh tra Chính phủ, 900 triệu đồng; những người khác thuộc Thanh tra Chính phủ từ 50 – 150 triệu đồng; bị cáo Trần Bích Ngọc 50 triệu đồng…
Với ông Mai Tiến Dũng, bị cáo Trí cho hay chỉ cảm ơn 200 triệu đồng. Ngoài ra, dịp kỷ niệm thành lập Văn phòng Chính phủ, ông Dũng gọi điện, nói đang đặt một công ty ở Bình Dương sản xuất quà tặng là bộ ấm trà. Nguyễn Cao Trí do vậy chuyển 380 triệu đồng cho doanh nghiệp này, để họ "làm ly, tách cho Văn phòng Chính phủ".
Với các bị cáo ở chính quyền Lâm Đồng, Nguyễn Cao Trí khai nhiều lần đưa tiền cho Trần Đức Quận, Bí thư Tỉnh ủy, tổng số 2,1 tỷ đồng; Trần Văn Hiệp tổng số hơn 4 tỷ đồng…
Chủ tọa hỏi: "Quá trình điều tra, bị cáo khai mỗi lần lên họp đều có phong bì, ít nhiều cho lãnh đạo, cán bộ?". Bị cáo Trí đáp: "Đó là thông lệ, bỏ bì thư cho anh em ăn trưa, ăn tối".
Mua dự án rồi bán lại
Khai về dự án Đại Ninh, bị cáo Trí cho hay Novaland đã "quan tâm" nó từ lâu nên sau khi biết ông mua lại, tập đoàn này nhiều lần liên hệ, muốn hợp tác. Nguyễn Cao Trí đồng ý chuyển cho Novaland mảng bất động sản nhà ở còn bản thân sẽ thực hiện hệ thống nhà hàng, y tế, giáo dục, khách sạn… tại Đại Ninh.
Công ty Lavender của Nguyễn Cao Trí và Công ty Thiên Vương thuộc Novaland sau đó ký hợp đồng bảo mật trị giá 300 tỷ đồng. Nguyên nhân phải ký bảo mật, bị cáo Trí giải thích vì dự án có vướng mắc pháp lý, nhiều doanh nghiệp khác cũng muốn thâu tóm nên Novaland phải ký rồi chuyển 300 tỷ đồng.
Ông Trí khai, khi Novaland mới trả 2.700 tỷ đồng, ông Bùi Cao Nhật Quân từ tập đoàn có nói đang khó khăn, xin tạm dừng. Lúc đó thị trường khó khăn chung nên mình cũng thông cảm cho người ta.
Nhận 2.700 tỷ từ Novaland, ông Trí đã chuyển cho bà Phan Thị Hoa 1.700 tỷ đồng; nộp thuế và tiền phạt chậm tiến độ dự án Đại Ninh cho UBND tỉnh Lâm Đồng hết hơn 300 tỷ đồng; còn lại phải trả phần huy động vốn.
Do vậy, Nguyễn Cao Trí đề nghị tòa không tịch thu xung công 2.700 tỷ đồng như đề nghị của viện kiểm sát nêu trong cáo trạng.
Ông trí cho rằng hành vi đưa hối lộ của mình xảy ra năm 2020 nhưng đến năm 2022, số tiền 2.700 tỷ đồng mới xuất hiện nên không liên quan đến nhau.
Số tiền doanh nghiệp của ông Nguyễn Cao Trí đổ vào dự án Đại Ninh đã vượt quá 2.700 tỷ đồng, chủ yếu vay từ Sacombank với lãi suất hàng năm vài trăm tỷ. Ông Trí cho rằng hiện đang rất khó khăn và lo lắng cho 5.000 - 6.000 nhân viên.
Chủ tọa yêu cầu bị cáo nêu quan điểm về việc truy tố tội đưa hối lộ. Ông Trí trình bày, dự án Đại Ninh, còn gọi là Nam Đà Lạt, rất quan trọng với tỉnh Lâm Đồng; giúp giảm tải thành phố cũ. Lãnh đạo tỉnh và Trung ương đều muốn thực hiện dự án. Ông Trí thừa nhận đưa hối lộ để tháo gỡ vướng mắc, nhưng chỉ mang tính cá nhân, không liên quan đến công ty.
Đại gia Nguyễn Cao Trí được dìu vào phiên tòa vụ án Sài Gòn Đại Ninh
Vì sao đại gia Nguyễn Cao Trí có thể thay đổi nội dung kết luận thanh tra?
Nhận 200 triệu đồng từ đại gia Nguyễn Cao Trí, ông Mai Tiến Dũng bị truy tố
,
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu