Đại gia nào sẵn sàng xuống tiền mua TikTok?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes - Những cái tên lớn như Kevin O'Leary (Shark Tank), Steven Mnuchin (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ), Frank McCourt (cựu chủ sở hữu đội Dodgers) và Bobby Kotick (cựu CEO Activision) đang chuẩn bị sẵn các kế hoạch mua lại TikTok.

Tòa Phúc thẩm Mỹ đã duy trì quyết định cấm TikTok. Ảnh: Business Insider.
Tòa Phúc thẩm Mỹ đã duy trì quyết định cấm TikTok. Ảnh: Business Insider.

TikTok, nền tảng mạng xã hội nổi tiếng với hàng trăm triệu người dùng tại Mỹ, đang đối mặt với nguy cơ bị cấm sau phán quyết của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ tại quận Columbia vào thứ sáu vừa qua.

Theo đó, Tòa phúc thẩm đã quyết định TikTok sẽ phải rời khỏi các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ nếu công ty mẹ ByteDance, có trụ sở tại Trung Quốc, không bán hoạt động kinh doanh tại Mỹ trước ngày 19 tháng 1 năm 2025.

Động thái này đã tạo ra làn sóng quan tâm từ các nhà đầu tư và doanh nghiệp lớn, những người đang chuẩn bị tham gia cuộc đua sở hữu ứng dụng này. Tuy nhiên, TikTok khẳng định sẽ tiếp tục kháng cáo lên Tòa án Tối cao dựa trên quyền tự do ngôn luận theo Tu chính án thứ nhất.

Trong tuyên bố của mình, TikTok đã chỉ trích lệnh cấm này là "không chính xác", đồng thời cảnh báo nếu lệnh cấm không được dừng lại, quyết định này sẽ "làm giảm sức nặng trong tiếng nói của hơn 170 triệu người dân Mỹ".

Những lo ngại chính xoay quanh vấn đề bảo mật dữ liệu và khả năng ByteDance có thể chia sẻ thông tin với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, TikTok cho rằng những cáo buộc này không có cơ sở và chỉ là nỗ lực kiểm duyệt.

Ai sẵn sàng mua lại TikTok?

Trước tương lai không chắc chắn của TikTok tại Mỹ, một loạt nhà đầu tư nổi tiếng đã thể hiện sự quan tâm.

Những cái tên lớn như Kevin O'Leary (Shark Tank), Steven Mnuchin (cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ), Frank McCourt (cựu chủ sở hữu đội Dodgers) và Bobby Kotick (cựu CEO Activision) đang chuẩn bị sẵn các kế hoạch mua lại ứng dụng này nếu ByteDance quyết định bán hoặc lệnh cấm được duy trì.

Kevin O'Leary

Kevin O'Leary, ngôi sao của chương trình "Shark Tank," cho biết ông sẵn sàng dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư để mua TikTok với giá khoảng 20-30 tỷ USD. Con số này chỉ bằng một phần nhỏ so với mức định giá 220 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần đây nhất của ByteDance.

Tuy nhiên, O'Leary nhấn mạnh rằng việc mua lại TikTok có thể không bao gồm các thuật toán nổi tiếng của nền tảng này. "Chúng tôi có thể phải tái tạo thuật toán và chuyển đổi TikTok từ một ứng dụng Trung Quốc thành một ứng dụng Mỹ", ông nói.

Steven Mnuchin

Steven Mnuchin, cựu Bộ trưởng bộ Tài chính, cũng bày tỏ sự quan tâm thông qua việc thành lập một nhóm đầu tư. Ông cho biết nếu mua lại, công nghệ của TikTok sẽ được xây dựng lại hoàn toàn dưới sự lãnh đạo của Mỹ để đảm bảo không có bất kỳ công nghệ nào liên quan nào đến ByteDance trong tương lai.

"Kế hoạch của tôi là đảm bảo TikTok an toàn và hoạt động một cách độc lập, mạnh mẽ", ông Mnuchin chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg.

Frank McCourt

Frank McCourt, cựu chủ sở hữu đội bóng chày Los Angeles Dodgers, đang dẫn đầu một dự án có tên "The People's Bid" nhằm mua lại TikTok. Thông qua dự án này, McCourt hy vọng có thể cải cách nền tảng để bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng.

"The People's Bid không chỉ là một thương vụ kinh doanh. Đây là cơ hội để tái thiết kế TikTok nhằm mang lại sự độc lập về công nghệ kỹ thuật số cho người Mỹ", ông phát biểu trong thông cáo báo chí.

Bobby Kotick

Bobby Kotick, cựu CEO Activision, đã cân nhắc việc mua lại TikTok để kết hợp với các mô hình trí tuệ nhân tạo (AI). Kotick đã thảo luận với Sam Altman, CEO OpenAI, về khả năng sử dụng dữ liệu của TikTok để đào tạo các mô hình AI, tạo ra giá trị lớn hơn từ nền tảng này.

"Chúng tôi cần một giải pháp thương mại toàn diện thay vì chỉ nhắm vào một công ty", người phát ngôn của Kotick cho biết.

Những gã khổng lồ từng thất bại

TikTok từ lâu đã nhận được sự quan tâm từ các công ty lớn. Năm 2020, Microsoft, Walmart và Oracle đã từng nỗ lực mua lại TikTok khi chính quyền Trump gây áp lực buộc ByteDance bán hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, các kế hoạch này đã thất bại sau khi TikTok thắng kiện và giữ vững quyền kiểm soát.

Hiện tại, các công ty này chưa công khai kế hoạch có tham gia vào cuộc đấu thầu mới hay không. Tuy nhiên, với tiềm năng kinh doanh khổng lồ của TikTok, không loại trừ khả năng họ sẽ quay lại đường đua.

Tương lai của TikTok tại Mỹ đang phụ thuộc lớn vào các quyết định pháp lý sắp tới. Nếu Tòa án Tối cao duy trì lệnh cấm, ByteDance sẽ buộc phải bán TikTok hoặc đối mặt với việc ứng dụng bị gỡ khỏi các cửa hàng App Store và Google Play tại Mỹ. Điều này không chỉ làm gián đoạn hoạt động của TikTok mà còn mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tiềm năng.

TikTok đã khẳng định sẽ tiếp tục đấu tranh vì quyền lợi của mình và người dùng. Nhưng với áp lực ngày càng tăng, câu hỏi đặt ra là liệu ByteDance có thể giữ vững lập trường, hay một chương mới sẽ mở ra với sự tham gia của những "ông lớn" từ Mỹ?

Theo Business Insider