Đặc nhiệm Nga tung hoành, Mỹ-NATO cảnh giác

Đặc nhiệm GRU có lẽ là đơn vị đặc nhiệm lừng danh nhất của lực lượng đặc nhiệm Nga. Tổ chức này được thành lập vào năm 1950 và đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Nga ở Afghanistan và Chechnya. Mỹ-NATO càng quan tâm hơn đến vai trò của đặc nhiệm Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Syria...
Đặc nhiệm Nga đang có mặt trên nhiều chiến trường
Đặc nhiệm Nga đang có mặt trên nhiều chiến trường

Lực lượng đặc nhiệm đã đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động quân sự của Nga. Nếu như ở Crimea, lực lượng này chủ yếu được huy động vào các chiến dịch bí mật, thì ở Donbas, phương Tây cáo buộc đặc nhiệm Nga thực hiện các chức năng truyền thống hơn như trinh sát đặc biệt, hỗ trợ quân sự và hành động trực tiếp. Việc sáp nhập Crimea là trường hợp đầu tiên khi mà các lực lượng đặc nhiệm mới đã đóng vai trò dẫn dắt.

Trên cơ sở kinh nghiệm ở Ukraine, dĩ nhiên là có thể nói đến khả năng tăng lên của Nga trong lĩnh vực tác chiến đặc biệt. Điều này có thể có những hậu quả cho công tác lập kế hoạch hành động trong tình huống khẩn cấp của các nước khác, trong đó có Mỹ.

Bài viết này nghiên cứu vai trò của lực lượng đặc nhiệm trong các sự kiện diễn ra ở Crimea và Donbas. Phần đầu khái quát các loại hình lực lượng đặc nhiệm của Nga và các lực lượng này ăn nhập thế nào vào khái niệm chiến tranh phức hợp (hybrid warfare). Tiếp đó phân tích các chiến dịch đặc nhiệm của Nga ở Crimea và Donbas ở góc nhìn các loại nhiệm vụ truyền thống của lực lượng đặc nhiệm. Phần cuối thảo luận các bài học mà các nước khác, kể cả Mỹ, có thể rút ra từ các ví dụ Crimea và Donbas.


Trước hết cần dừng lại một chút ở vấn đề các nguồn tham khảo. Do tính chất tuyệt mật của các chiến dịch đặc nhiệm, việc tìm kiếm thông tin tin cậy thật là khó khăn. Trong tình huống đó, điều đó càng thể hiện nhiều hơn nữa do tính chất mới đây của các sự kiện và sự im lặng của báo chí Nga. Trừ việc chính thức xác nhận việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm ở Crimea và việc bắt giữ 2 sĩ quan đặc nhiệm GRU (tình báo quân đội Nga) ở Donbas vào tháng 5/2015, có rất ít thông tin được đăng tải trên các nguồn công khai của Nga.


Vì thế mà nghiên cứu này phần lớn dựa trên các nguồn tin Ukraine. Do Ukraine là một bên xung đột, nên các nguồn tin này rõ ràng là không khách quan. Các nguồn tin Ukraine được sử dụng có thể coi là tương đối độc lập với chính phủ nước này. Nhưng chúng không khách quan mà phần lớn vì lý do dễ hiểu mà phản ứng mức độ nào đó tinh thần ái quốc thể hiện trước sự can thiệp của Nga...

Đặc nhiệm Nga gồm các lực lượng nào?

Ở Nga có nhiều đơn vị quân sự và bán quân sự được gọi là lực lượng đặc nhiệm hay Spetsnaz. Đối với nghiên cứu này thì thích hợp nhất là đặc nhiệm của Tổng cục Tình báo GRU, Cơ quan An ninh liên bang FSB, Cơ quan Tình báo đối ngoại SVR, Lực lượng tác chiến đặc biệt (SSO) và Lữ đoàn đặc nhiệm số 45 của Bộ đội Đổ bộ đường không (VDV). Cần phải hiểu rằng, các lực lượng đặc nhiệm chỉ là một bộ phận của mỗi tổ chức kể trên.

Trong cơ cấu của GRU, FSB và SVR có các đơn vị khác nhau như tình báo (điệp báo), trinh sát kỹ thuật... Các đơn vị này cũng được đưa vào nghiên cứu vì trong hoạt động của mình, chúng thường phối hợp với các lực lượng đặc nhiệm. Tuy vậy, việc tồn tại trong cùng một tổ chức không bảo đảm có sự hợp tác chặt chẽ. Người ta đều biết sự ganh đua nhau giữa đặc nhiệm và tình báo trong GRU.

Đặc nhiệm GRU có lẽ là đơn vị đặc nhiệm lừng danh nhất của lực lượng đặc nhiệm Nga. Tổ chức này được thành lập vào năm 1950 và đã đóng vai trò quan trọng trong các chiến dịch quân sự của Nga ở Afghanistan và Chechnya. Do đó, đơn vị này có kinh nghiệm tham gia các chiến dịch trước hết với tư cách một lực lượng bộ binh nhẹ tinh nhuệ hơn là lực lượng tác chiến đặc biệt theo cách hiểu thuật ngữ này ở phương Tây.

Như vậy, đặc nhiệm GRU ngày này đúng hơn nên so sánh với lực lượng biệt kích (Rangers) của Lục quân Mỹ, chứ không phải với đơn vị đặc nhiệm Delta. Vai trò thứ yếu đó đã được chính thức hóa ở mức độ nhất định trong thời kỳ cải cách của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov. Trọng trách của đặc nhiệm GRU trong việc cung cấp các dịch vụ cho các tổ chức quân đội khác đã được mở rộng theo hướng gây tổn hại cho vị thế độc lập hơn mà nó từng có trước đây.

Đồng thời, Nga đã thành lập đơn vị mới là Lực lượng tác chiến đặc biệt (SSO) với tư cách một công cụ quân sự nằm trực tiếp dưới quyền kiểm soát của ban lãnh đạo chính trị Nga.  Đặc nhiệm GRU gồm có 7 lữ đoàn, được phân bố trong cả nước, mỗi lữ đoàn có quân số gần 1.500 người, kể cả các đơn vị chiến đấu và bảo đảm. Ngoài ra, còn có 4 đơn vị đặc nhiệm hải quân, mỗi hạm đội có 1 đơn vị, mỗi đơn vị có quân số gần 500 quân. Như vậy, tổng quân số là gần 12.000 quân. Nga đã dự định chuyển đặc nhiệm GRU sang chế độ hợp đồng trước cuối năm 2014. Tuy nhiên, hiện tại, khó tìm ra bằng chứng xác nhận việc Nga đã đạt được mục tiêu này. Lính nghĩa vụ đã thường đóng vai trò quan trọng trong đặc nhiệm GRU.

Lực lượng tác chiến đặc biệt Nga ở Syria
Lực lượng tác chiến đặc biệt Nga ở Syria

Tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Tướng Valery Gerasimov đã công bố việc thành lập SSO vào tháng 3/2013, nhưng bản thân ý tưởng này đã được xem xét, nghiên cứu từ năm 2009. SSO dựa trên mô hình đơn vị đặc nhiệm Delta Force của Mỹ và Đặc nhiệm đường không SAS (Special Air Service) của Anh. Tổ chức được chia thành 5 đội tác chiến đặc biệt (special operations division) quân số 50 lính mỗi đội và tổng quân số (tính cả các đơn vị bảo đảm) là khoảng 1.500 người.

Việc thành lập SSO là biểu tượng của việc GRU mất đi vị thế đầu ngành của mình. Lực lượng đặc nhiệm mới ban đầu là một bộ phận của GRU, nhưng sau đó bị đưa khỏi biên chế GRU và nay lại chính thức nằm trong cơ cấu của GRU, nhưng có sự độc lập lớn hơn nhiều. Ngoài ra, việc tuyển quân được lấy từ bên ngoài GRU. Ý đồ chiến lược của việc thành lập SSO là cung cấp cho ban lãnh đạo chính trị Nga một công cụ quân sự nhỏ và trình độ cao để sử dụng ở trong nước và ngoài nước trong các tình huống khẩn cấp, không đòi hỏi tiến hành các chiến dịch quân sự quy mô lớn.

Trong cơ cấu của FSB có 2 đơn vị đặc nhiệm là Alpha và Vympel. Alpha có 4 đội triển khai ở các tỉnh của Nga, nhiệm vụ chính của đơn vị là tiến hành các chiến dịch chống khủng bố. Vympel gồm 4 đội và làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ sở chiến lược như nhà máy điện nguyên tử. Tuy vậy, các chức năng đặc biệt này không hề có nghĩa là các đơn vị này không thể sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ khác. Tổng quân số của Alpha và Vympel có lẽ là 300-500 quân.

Lữ đoàn đặc nhiệm số 45 của VDV nhìn chung cũng đảm nhiệm các chức năng như đặc nhiệm GRU trong cơ cấu của Lục quân Nga, đặc nhiệm hải quân của GRU trong lực lượng bộ binh hải quân. Quân số của lữ đoàn là gần 700 quân.

SVR cũng có lực lượng đặc nhiệm khoảng 300 người có tên Zaslon. Nhiệm vụ chính của đơn vị này là bảo vệ các quan chức Nga trên toàn thế giới, nhưng cũng có thể có những phương án sử dụng khác.

Lực lượng đặc nhiệm và chiến tranh phức hợp

Hiện có không ít định nghĩa cho thuật ngữ “chiến tranh phức hợp” (hybrid warfare), tuy vậy cũng có những người bác bỏ khải niệm này. Liên quan đến vai trò của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Nga rất chú ý đến các phương tiện phi quân sự nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, điều quan trọng là phải hiểu thuật ngữ “phức hợp” (hybrid) liên quan đến các phương pháp chứ không phải các nguyên tắc hay mục tiêu tiến hành chiến tranh.

Nói đến các lực lượng đặc nhiệm thường là nói đến việc sử dụng các phương pháp quân sự. Sử dụng đặc nhiệm trong các hoạt động chiến đấu quy ước như vậy không lọt vào đa số các định nghĩa “chiến tranh phức hợp”. Tuy nhiên, ngược lại, việc sử dụng đặc nhiệm để đạt được các mục đích chính trị trong các tình huống phi chiến đấu hoàn toàn phù hợp với khái niệm “chiến tranh phức hợp”.

Theo phân loại của NATO, các chiến dịch đặc nhiệm có thể chia thành 3 loại chính: hành động trực tiếp (direct action), trinh sát đặc biệt (special reconnaissance) và hỗ trợ quân sự. Tuy nhiên, cách phần loại này không bao hàm một số nhiệm vụ “chính trị” bí mật mà lực lượng đặc nhiệm đôi khi thực hiện. Do đó, loại nhiệm vụ đó có ý nghĩa đặc biệt trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả đã bổ sung vào khái niệm của NATO một điểm về các hành động ngầm.

Chính việc thực hiện các hành động ngầm biến lực lượng đặc nhiệm Nga thành công cụ của chiến tranh phức hợp. Sau đây, chúng ta xem xét sự tham gia của đặc nhiệm Nga trong các chiến dịch quy ước ở Crimea và Donbas, cũng như vai trò của lực lượng trong các hành động phi chiến đấu nhằm gây ảnh hưởng đến tình hình chính trị địa phương.

(còn tiếp)

Theo VND