Đà Nẵng: Vì sao doanh nghiệp “tố” bảo hiểm Pjico “chối” trách nhiệm đền bù ?

VietTimes -- Pjico đã vi phạm hợp đồng và Luật kinh doanh bảo hiểm, rũ bỏ trách nhiệm đối với khách hàng... - ông Lê Công Xinh - Tổng Giám đốc Công ty CP sản xuất Thép Việt Mỹ cho biết như vậy về tranh chấp giữa công ty ông và Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex Đà Nẵng (Pjico Đà Nẵng).
Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Mỹ tố Pjico Đà Nẵng đã lừa người mua bảo hiểm.
Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Mỹ tố Pjico Đà Nẵng đã lừa người mua bảo hiểm.

Tàu chìm, Pjico "ôm phao" đầu tiên

Ngày 17/9, VietTimes nhận được Đơn tố cáo của Công ty Cổ phần Sản xuất Thép Việt Mỹ, với nội dung "tố" Công ty Cổ phần Bảo hiểm Petrolimex Đà Nẵng (Pjico Đà Nẵng) đã "lừa đảo người mua bảo hiểm".

Cụ thể, ngày 31/12/2016, Công ty CP Sản xuất Thép Việt Mỹ (Công ty thép Việt Mỹ) cùng Pjico Đà Nẵng đã ký Hợp đồng bảo hiểm cho lô hàng 1.799 tấn thép vận chuyển từ cảng Sơn Trà (Đà Nẵng) đến cảng Long Bình (Đồng Nai). 

Lô hàng được vận chuyển trên tàu Quang Trung 05-BLC và phương tiện vận tải. Hợp đồng bảo hiểm ghi rõ, Pjico Đà Nẵng yêu cầu phương tiện vận chuyển phải đủ điều kiện cấp tàu và có bảo hiểm P&I (trách nhiệm dân sự chủ tàu) và các quy tắc bổ sung. 

Những yêu cầu này đã được phía vận chuyển và chủ hàng đáp ứng đủ, được lưu trữ trong hồ sơ bảo hiểm của lô hàng.

Ngày 21/10/2017, khi đang đỗ chờ vào cầu cảng, thuyền trưởng tàu Quang Trung 05-BLC  cho 3 thủy thủ lên bờ mua thực phẩm. Khi được lệnh vào cầu, trong quá trình hành hải, tàu Quang Trung 05-BLC đã va chạm với xà lan New Port Cypress tại khu vực sông Nhà Bè, luồng Sài Gòn-Vũng Tàu. 

Tàu Quang Trung 05-BLC đã chìm cùng toàn bộ lô hàng thép của Công ty thép Việt Mỹ trong vụ đâm va này. Kết luận nguyên nhân tai nạn sau đó của Cảng vụ Hàng hải TpHCM cho thấy lỗi thuộc về cả hai phương tiện đã thiếu quan sát liên tục khi hành hải trên luồng, không bật rada.... 

Đáng chú ý, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM kết luận tại thời điểm xảy ra tai nạn, tàu Quang Trung 05-BLC đã thiếu định biên vận hành, và Pjico Đà Nẵng coi đó như một trong các nguyên nhân gây ra tai nạn.

Kết luận tàu chìm này, sẽ được Pjico Đà Nẵng sử dụng như "phao" để bỏ qua nghĩa vụ đạo đức của nhà bảo hiểm, từ chối bảo hiểm, bỏ mặc khách hàng đã bị mất hàng, lại tiếp tục lún sâu trong khốn khó. Đó là những diễn biến tại phần dưới của bài này. 

Sau khi xảy ra vụ việc, Công ty Thép Việt Mỹ được sự chấp thuận của Pjico Đà Nẵng đã thuê trục vớt lô hàng trên tàu Quang Trung 05-BLC, với tổng chi phí gần 745 triệu đồng.

Để lưu giữ lô hàng trong khi chờ xử lý, giám định theo yêu cầu của Pjico Đà Nẵng, ngày 02/11/2017, Công ty Thép Việt Mỹ tiếp tục các bước vận chuyển xếp dỡ, lưu kho đối với lô hàng với chi phí hơn 1,57 tỷ đồng.

Lưu ý là, trong suốt quá trình này, tiền vớt hàng và trực vớt tàu đều do Công ty Thép Việt Mỹ chi trả, với đồng ý của Pjico Đà Nẵng. Hãng bảo hiểm này thậm chí lờ luôn, không trả lời công văn cầu cứu, đề nghị tạm ứng một phần chi phí trục vớt và lưu kho bãi của khách hàng.

Tới ngày 15/11/2017, Công ty Thép Việt Mỹ và Pjico Đà Nẵng đã thống nhất bán đấu giá Lô hàng chìm cùng tàu, thu về hơn 15,66 tỷ đồng.

Ngày 05/1/2018, Cảng vụ Hàng hải TP.HCM ban hành Báo cáo điều tra tai nạn đâm va của tàu Quang Trung và phương tiện thủy nội địa New Port Cypress. Công ty Thép Việt Mỹ đã sử dụng báo cáo này trong thành phần hồ sơ yêu cầu bồi thường bảo hiểm gửi Pjico Đà Nẵng, với đề nghị được bồi thường hơn 7,75 tỷ đồng tiền tổn thất.

Gần 5 tháng sau, ngày 16/5/2018, Pjico Đà Nẵng mới phát thông báo từ chối bồi thường bảo hiểm, với lý do đưa ra là “Tàu Quang Trung 05-BLC với định biên không đầy đủ là không đủ khả năng lưu hành, không đảm bảo an toàn giao thông. Đây là điểm loại trừ bảo hiểm đã được quy định tại Khoản 8, Điều 6, Chương III của Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 2008”. 

Việc Pjico từ chối bảo hiểm khiến Công ty Thép Việt Mỹ thiệt hại hơn 7,75 tỷ đồng
 Việc Pjico từ chối bảo hiểm khiến Công ty Thép Việt Mỹ thiệt hại hơn 7,75 tỷ đồng

Ai đang hiểu chủ hàng là… chủ tàu?

Ngày 18/9/2018, phóng viên VietTimes đã làm việc với ông Lưu Anh Tú, Giám đốc Công ty Bảo hiểm Pjico Đà Nẵng. Theo ông Lưu Anh Tú, việc Pjico Đà Nẵng từ chối đền bù đối với Công ty Thép Việt Mỹ là dựa trên căn cứ kết luận điều tra của Cảng vụ Hàng hải TPHCM.

Theo ông Tú “Việc Pjico ký hợp đồng bảo hiểm cho lô hàng này dựa trên 3 cơ sở. Đó là: Hợp đồng bảo hiểm đã ký và cũng ghi rất rõ là hàng hóa được chuyên chở trên tàu có đủ khả năng đi biển; yếu tố thứ hai là đơn vị bảo hiểm; yếu tố thứ ba là Quy tắc bảo hiểm”.

Ông Tú xác nhận tại thời điểm xuất bến, tàu Quang Trung 05-BLC đã đảm bảo các điều kiện đi biển. Theo đó: “Tôi chỉ biết, theo kết luận điều tra của Cảng vụ Hàng hải TP HCM thì tại thời điểm xuất bến đã đủ định biên và tại thời điểm xảy ra tai nạn là thiếu định biên”.

“Cụ thể là tàu thiếu định biên gồm: sỹ quan boong, sỹ quan máy, thợ máy và thủy thủ. Việc thiếu định biên là không đảm bảo khả năng lưu hành đi tàu” – vẫn theo ông Tú.

Phân tích thêm, ông Tú nói: “Quy định về phương tiện không chỉ là phương tiện mà còn là định biên, con người trên phương tiện ấy. Phương tiện không có nghĩa chỉ là máy móc, mà còn là định biên để điều khiển phương tiện đó đảm bảo đầy đủ. Việc quy định đảm bảo khả năng đi biển không chỉ hiểu là trang thiết bị mà còn yếu tố phải có đầy đủ định biên điều khiển tàu”.

“Căn cứ quy định tại Khoản 8, Điều 6, Chương III của Quy tắc bảo hiểm hàng hóa vận chuyển trong lãnh thổ Việt Nam 2008 chúng tôi từ chối đền bù đối với Công ty Thép Việt Mỹ” - ông Lưu Anh Tú nói.

Những lập luận này cho thấy, dường như người đứng đầu Pjico Đà Nẵng đã lẫn lộn giữa đặc trưng của bảo hiểm hàng hóa với bảo hiểm dân sự chủ tàu. Từ đó lấy những yêu cầu vốn chỉ áp dụng cho chủ tàu để soi chiếu, và từ chối nghĩa vụ bảo vệ chủ hàng khi xảy ra tai nạn.

Lưu ý là, tại thời điểm xuất bến, chủ tàu, chủ hàng phải có nghĩa vụ và đã hoàn thành nghĩa vụ xuất trình cho nhà bảo hiểm các giấy tờ chứng minh đã đảm bảo các điều kiện đi biển. Bao gồm đăng kiểm, sổ thuyền viên, bảo hiểm P&I… 

Khi hải hành, người có thẩm quyền cao nhất trên tàu là thuyền trưởng. Chủ hàng không có quyền tác động vào quyết định vận hành tàu của thuyền trưởng. Do đó, việc thiếu định biên (3 thủy thủ lên bờ với sự cho phép của thuyền trưởng), nếu là lỗi, thì cũng thuộc về thuyền trưởng và doanh nghiệp đã thuê thuyền trưởng tàu Quang Trung 05-BLC.

Trong trường hợp này, phân biệt lỗi cố ý hay bất khả kháng, là việc của chủ tàu với nhà bảo hiểm của chủ tàu. Với chủ hàng, tai nạn xảy ra đã là bất khả kháng. Và về nguyên tắc bảo hiểm thế giới, chủ hàng sẽ được bảo hiểm cho những tai nạn bất khả kháng.

Nói cách khác, nếu không thể chứng minh được chủ hàng và chủ tàu đã cố tình làm cho tàu Quang Trung 05-BLC bị đắm và hư hỏng hàng hóa, thì có nghĩa Pjico Đà Nẵng có đủ điều kiện thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho Công ty Thép Việt Mỹ.

Và đó là trách nhiệm pháp lý, nghĩa vụ đạo đức của nhà bảo hiểm với khách hàng, khi xảy ra tai nạn.

Vì sao Pjico Đà Nẵng rũ bỏ nghĩa vụ của mình, đó là điều chúng tôi sẽ đề cập trong kỳ tới.