Sản phẩm khách sạn tiếp tục dẫn đầu
Theo CBRE, thị trường khách sạn Đà Nẵng đang chứng kiến sự tăng trưởng tốt, khi trong 6 tháng đầu năm 2018, thành phố chào đón hơn 2,3 triệu lượt khách, tăng 24,5% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lượng khách quốc tế đạt hơn 1,6 triệu lượt, tăng 32% so với cùng kỳ. Khách du lịch từ các nước Bắc Á tiếp tục chiếm gần 80% thị phần khách quốc tế đến Đà Nẵng trong 6 tháng đầu năm 2018.
Sự tăng trưởng mạnh của lượng du khách đến Đà Nẵng đã kéo theo sự gia nhập thị trường khách sạn Đà Nẵng của 2 thương hiệu thế giới là Sheraton Grand và FourPoints by Sheraton của tập đoàn quản lý Marriot. Cùng với đó là hơn 1.800 phòng đến của 7 khách sạn từ 3-5 sao, khiến thị trường tăng trưởng tốt trong 6 tháng qua.
Là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, du lịch Đà Nẵng tiếp tục hưởng lợi
|
Bên cạnh đó, công suất khai thác phòng ghi nhận đối với phân khúc từ 4-5 sao tại Đà Nẵng đạt trung bình từ 61-66%. Và so với cùng kỳ năm trước, khối khách sạn 5 sao ven biển và 5 sao phố có mức tăng giá phòng trung bình hơn 10%.
“Dự kiến, sẽ có thêm 1.800 phòng được khai trương trong 6 tháng cuối năm 2018. Trong đó, sẽ có sự góp mặt của tập đoàn quản lý khách sạn 5 sao mới với thương hiệu Hilton, bổ sung thêm thương hiệu các tập đoàn quản lý khách sạn quốc tế phong phú ở thị trường Đà Nẵng” - bà Dương Thùy Dung, chuyên gia cao cấp của CBRE cho biết.
Còn theo Savills Việt Nam, mặc dù nguồn cung sản phẩm khách sạn tại Đà Nẵng đã lên đến 109 khách sạn 3 đến 5 sao với khoảng 12.900 phòng, nhưng với việc tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến hàng đầu đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đã tạo cơ hội cho các nhà đầu tư tiếp tục tăng nguồn cung thêm hơn 1.400 phòng khách sạn 3-5 sao vào cuối năm 2018.
Căn hộ khách sạn tăng giá
Bên cạnh sự khả quan của sản phẩm khách sạn thì trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường BĐS Đà Nẵng có thêm 866 căn hộ khách sạn phân khúc cao cấp từ các thương hiệu Wyndham Soleil và Coco Musica, nâng tổng nguồn cung tích lũy lên 8.601 căn. Đặc biệt, phân khúc cao cấp tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường với 95% tổng nguồn cung.
“So với nguồn cung mới chào bán trong giai đoạn thị trường bùng nổ (năm 2016), thị trường chứng kiến sự giảm tốc nhẹ trong việc chào bán các nguồn cung mới, cho thấy sự thận trọng của các chủ đầu trong việc giới thiệu sản phẩm mới. Và cho dù hoạt động bán hàng tăng chậm hơn so với các năm trước nhưng vẫn có sự tăng trưởng.
Đây là thời gian cho cả nhà đầu tư và người mua hiểu thêm về thị trường và đưa ra quyết định cẩn thận hơn và cũng là cơ hội cho các dự án được thực hiện bởi các chủ đầu tư có uy tín” - bà Dương Thùy Dung, chuyên gia phân tích của CBRE cho biết.
Ghi nhận giao dịch trong 6 tháng 2018, số lượng giao dịch đối với phân khúc này đã giảm 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Kể từ năm 2017, sự giảm tốc này đã được nhìn thấy trong cả hai xu hướng cung và giao dịch, cho thấy sự thận trọng từ các chủ đầu tư và người mua sau giai đoạn bùng nổ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Savills Việt Nam, trong nửa đầu năm 2018, giá bán sơ cấp trung bình đạt 2.100 USD/m2, tăng 19% theo năm cho dù tỷ lệ hấp thụ giảm - 8 điểm % theo năm và chỉ đạt 86%.
Căn hộ khách sạn Đà Nẵng tăng giá bán cũng như nguồn cung
|
Dự kiến sẽ có thêm hai dự án lớn mở bán chính thức là T&T Twin Tower và Times Square, cùng với những đợt mở bán tiếp theo của Wyndham Soleil và Central Coast sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 3.300 căn hộ khách sạn mới. Với các đợt mở bán này, thị trường kỳ vọng sẽ có nhiều hoạt động mua bán nhộn nhịp hơn.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia Savills, dự kiến sẽ có hơn 6.500 căn hộ khách sạn mới đang được xây dựng và lên kế hoạch, kỳ vọng được mở bán đến năm 2019 sẽ tác động tích cực đến hoạt động mua bán của thị trường căn hộ khách sạn trong thời gian tới.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu