Để rõ hơn những khuất tất của Tour 0 đồng từ người trong cuộc, từng tận mắt chứng kiến những hành vi này, VietTimes đã có cuộc trò chuyện với hướng dẫn viên (HDV) Chế Viết Đông. HDV Chế Viết Đông cho biết anh chấp nhận bỏ nghề khi lên tiếng, công khai lật tẩy các khuất tất từ loại hình tour du lịch này.
Theo HDV Chế Viết Đông, ảnh hưởng của tour 0 đồng tới hàng hóa, thương mại Việt trong thời gian qua chỉ là phần nổi của tảng băng chìm - là những nguy cơ xuất hiện từ mô hình du lịch này.
- Trong cuộc gặp mặt của UBND TP Đà Nẵng với các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn diễn ra hôm 11/8, anh đã trở thành HDV đầu tiên công khai về những khuất tất của Tour 0 đồng trên địa bàn. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về bản chất của loại hình này, từ góc nhìn của một HDV tiếng Trung?
Thị trường du lịch tour giá rẻ ở Đà Nẵng bắt đầu phát triển từ những năm 2010-2018 và kéo theo đó là chúng ta có lượng lớn khách du lịch Trung Quốc sang đây. Tuy nhiên kèm đó cũng có những phần chìm của tảng băng và một trong những cái tạo nên phần chìm của tảng băng đó là tour 0 đồng.
Tour 0 đồng xuất phát từ hai nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là người Trung Quốc thích giá rẻ, chỗ nào càng rẻ thì càng đến để mua. Một nguyên nhân nữa là ở Trung Quốc họ kinh doanh lữ hành cạnh tranh nhau quá nhiều, cho nên để thu hút được khách, người ta sẽ giảm giá tour xuống. Thậm chí là chịu lỗ, miễn sao có khách là được.
Đối với điểm đến sẽ có lợi là rất nhiều khách, nhưng điểm hại là chính tại đây không thu được nhiều. Vì khi lữ hành Trung Quốc họ chấp nhận lỗ để đón khách thì họ phải có nguồn khác để bù lại chi phí bị tổn thất.
Bằng cách là họ sẽ mở ra những cửa tiệm, lợi dụng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, làm cho du khách hiểu nhầm là hàng hóa Việt Nam. Thực chất đó là những hàng hóa không được kiểm định về chất lượng, và phần lớn là từ Trung Quốc. Họ bán giá cao gấp nhiều lần để bù chi phí.
Riêng đối với người bản địa, HDV Việt Nam thì càng bị ảnh hưởng nhiều. Vì khi đi tour, các công ty lữ hành Trung Quốc không coi trọng vai trò của người HDV, không cần người giới thiệu danh lam thắng cảnh, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam nữa.
Mà đơn thuần chỉ cần một người marketing, người bán hàng sản phẩm đó. Kéo theo là khách Trung Quốc qua rất đông, nhưng HDV Việt Nam lại không có công việc.
- Để bù đắp chi phí, các doanh nghiệp sẽ thu lại từ hoạt động mua sắm, anh có thể chia sẻ về việc mua bán của du khách trong tour giá rẻ tại Đà Nẵng ?
Hiện tại ở Đà Nẵng có một số cửa hàng bán hàng dành riêng cho du khách Trung Quốc. Các mặt hàng không thể thiếu được là cao su của Việt Nam, lụa của Việt Nam, các mặt hàng nông sản của Việt Nam như hạt điều, cà phê,..
Đối với những mặt hàng nông sản thì không đem lại lợi nhuận lớn như cao su, lụa, xa xỉ hơn là trầm hương bị đội giá hơn rất nhiều. Ngoài ra còn có các mặt hàng khác như hổ phách,… Những mặt hàng đó Việt Nam không có nhiều, họ đem qua để bán, và với khả năng marketing của người Trung Quốc thì du khách vẫn mua.
Hầu hết các sản phẩm đó đều không được kiểm định về chất lượng cũng như xuất xứ. Tôi không muốn nói là giả, nhưng với cách làm như vậy thì các sản phẩm này không được kiểm định là chắc chắn.
Khách Trung Quốc tại một cửa hàng bán nệm cao su ở Đà Nẵng
|
Một số trường hợp như sản phẩm nệm cao su chẳng hạn, họ sẽ khuyến khích khách ký gửi trực tiếp về Trung Quốc, ở đây người ta chỉ trả tiền, cầm hóa đơn thanh toán, sau đó về Trung Quốc sẽ nhận hàng. Còn hàng hóa có đúng thật sự của Việt Nam hay không thì không biết được.
Kỳ tiếp: "Họ tuyên truyền đàn ông Việt Nam ở nhà, chỉ có đàn bà con gái đi làm thôi"