Đã có Điều lệ cho Quỹ đầu tư 5.000 tỷ đồng của Hà Nội

VietTimes – Đó là Quỹ Đầu tư Phát triển Tp. Hà Nội (HANIF). Quỹ này có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Đã có Điều lệ cho Quỹ đầu tư 5.000 tỷ đồng của Hà Nội. (Ảnh: Internet)
Đã có Điều lệ cho Quỹ đầu tư 5.000 tỷ đồng của Hà Nội. (Ảnh: Internet)

Ngày 21/02/2018, Chủ tịch UBND Tp. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 06/2018/QĐ-UBND về việc phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư Phát triển Thành phố Hà Nội. Trước đó tròn một năm – ngày 21/02/2017, cũng chính ông Chung là người đã đã ký Quyết định số 418/QĐ-UBND tổ chức lại Quỹ Đầu tư Phát triển Tp. Hà Nội trên cơ sở hợp nhất 3 quỹ: Quỹ đầu tư Phát triển Thành phố Hà Nội, Quỹ Phát triển Đất Thành phố Hà Nội, Quỹ Bảo vệ môi trường trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Việc phê duyệt Điều lệ này là theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội tại Tờ trình số 2891/TTr-SNV ngày 13/11/2017 và Tờ trình số 57/TTr-SNV ngày 09/01/2018. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 05/03/2018 và thay thế cho 3 quyết định phê duyệt điều lệ trước đó của 3 quỹ được hợp nhất.

Theo điều lệ, HANIF là tổ chức tài chính Nhà nước trực thuộc UBND Tp. Hà Nội, thực hiện chức năng đầu tư phát triển, đầu tư tài chính theo quy định tại Nghị định số 138/2017/NĐ-CP138/2017/NĐ-CP ngày 28/8/2017 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP.

HANIF có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có bảng cân đối kế toán riêng, có con dấu, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Người đại diện theo pháp luật của Quỹ là Tổng Giám đốc.

HANIF hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn. Quỹ tự chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi nguồn vốn chủ sở hữu của Quỹ.

Việc tổ chức lại HANIF nhằm mục đích tiếp nhận vốn ngân sách, huy động vốn trung và dài hạn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để cho vay, đầu tư vào dự án, doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của Tp. Hà Nội.

Lưu ý, trong 7 chức năng nhiệm vụ của HANIF, có cả hoạt động góp vốn thành lập doanh nghiệp: Quỹ được góp vốn thành lập công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động đầu tư trực tiếp vào các công trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc danh mục các lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc danh mục các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do UBND Tp. Hà Nội ban hành.

HANIF có vốn điều lệ ban đầu là 5.000 tỷ đồng, song căn cứ vào nhiệm vụ và hoạt động thực tế, vốn điều lệ sẽ được bổ sung cho phù hợp. Trụ sở chính tại số 02, ngõ Phan Chu Trinh, quận Hòa Kiếm; Ngoài ra còn có 2 cơ sở tại Khu Văn phòng tầng 2 – CT13A và Khu văn phòng tầng 2 – CT14A, khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ.

Cơ cấu tổ chức gồm có Hội đồng quản lý (HĐQL) Quỹ gồm: 1 Chủ tịch Quỹ do Phó Chủ tịch UBND TP kiêm nhiệm; 2 Phó Chủ tịch HĐQL kiêm nhiệm là Giám đốc Sở Tài chính, 1 Phó Chủ tịch HĐQL chuyên trách là Tổng Giám đốc HANIF; 2 thành viên HĐQL Quỹ hoạt động kiêm nhiệm là Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ban Kiểm soát Quỹ gồm 3 thành viên, trong đó có 1 Trưởng ban phụ trách hoạt động của Ban Kiểm soát. Chức vụ này sẽ do Chủ tịch UBND TP Quyết định theo đề nghị của HĐQL Quỹ.

Trong bộ máy điều hành, ban lãnh đạo gồm Tổng Giám đốc và 3 Phó Tổng Giám đốc. Ngoài ra còn có Kế toán trưởng và các phòng chuyên môn, nghiệp vụ khác.

Đã có Điều lệ cho Quỹ đầu tư 5.000 tỷ đồng của Hà Nội ảnh 1Dàn lãnh đạo HANIF trong ngày nhận quyết định bổ nhiệm. (Ảnh: hanoimoi.com.vn)

“Sếp” HANIF cần có gì?

Theo Điều lệ, UBND Tp. Hà Nội quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên HĐQL Quỹ.

Điều lệ đề ra 6 tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên HĐQL Quỹ, gồm: Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Có trình đô đại học trở lên, có năng lực quản lý và kinh nghiệm về một trong các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, đầu tư, quản trị và các kiến thức, kinh nghiệm ở những linh vực khác do Thành phố quy định; Có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết và có ý thức chấp hành pháp luật; Không thuộc đối tượng bị cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý điều hành doanh nghiệp theo quy định hiện hành; Không có người liên quan giữ chức danh Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng, Thành viên Ban Kiểm soát, Thủ Quỹ tại Quỹ Đầu tư; Không phải là người liên quan của người có thẩm quyền trực tiếp bổ nhiệm thành viên HĐQL.

HĐQL HANIF làm việc theo chế độ tập thể; Họp thường kỳ tối thiểu 03 tháng một lần để xem xét và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của HĐQL Quỹ, ngoài ra có thể họp bất thường để giải quyết các vấn đề cấp bách; Các cuộc họp của HĐQL Quỹ chỉ có thể có hiệu lực khi có mặt ít nhất 2/3 thành viên HĐQL Quỹ tham dự; Tài liệc họp phải được chuẩn bị và gửi tới các thành viên HĐQL tối thiểu 03 ngày làm việc trước họp.

Cũng theo Điều lệ, Tổng Giám đốc Quỹ là người đại diện theo pháp luật của Quỹ đầu tư, trực tiếp điều hành hoạt động hàng ngày của Quỹ theo chiến lược, mục tiêu, kế hoạch của Quỹ.

Nhiệm kỳ của Tổng Giám đốc là 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.

ĐIều lệ đề ra 05 tiêu chuẩn, điều kiện đối với Tổng Giám đốc HANIF, gồm: : Là công dân Việt Nam, thường trú tại Việt Nam, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự; Có trình đô đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành kinh tế, tài chính hoặc ngân hàng, đồng thời, phải có tối thiểu 03 năm kinh nghiệm về quản lý hoặc điều hành một trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng; Không phải người có liên quan của Chủ tịch HĐQL Quỹ, Phó Tổng Giám đốc, thành viên Ban Kiểm soát, Kế toán trưởng, thủ quỹ và không phải người có liên quan của người có thẩm quyền trực tiếp bổ nhiệm Tổng Giám đốc quỹ; Có sức khỏe, phầm chất đạo đức tốt, trung thực, liêm khiết, hiểu biết và có ý thức chấp hành pháp luật; Các tiêu chuẩn khác theo yêu cầu quản lý của Thành ủy, UBND Thành phố và phù hợp với quy định của pháp luật.

Tổng Giám đốc Quỹ là thành viên của HĐQL Quỹ, do UBND Thành phố bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, bãi nhiệm theo đề nghị của HĐQL Quỹ. Trong khi, Phó Tổng Giám đốc và kế toán trưởng do Tổng Giám đốc Quỹ đề nghị HĐQL Quỹ xem xét, trình UBND thành phố bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm.

Đã có Điều lệ cho Quỹ đầu tư 5.000 tỷ đồng của Hà Nội ảnh 2Bộ máy tổ chức của HANIF. (Ảnh chụp màn hình website của quỹ)

Theo cập nhật tại website của HANIF, HĐQL Quỹ này hiện có 05 thành viên. Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch UBND Thành phố; Phó Chủ tịch Hội đồng là ông Nguyễn Doãn Toản – Phó Chủ tịch UBND Thành phố. 03 Thành viên Hội đồng là: bà Chu Nguyên Thành - Ủy viên thường trực, Tổng Giám đốc HANIF; ông Hà Minh Hải – Giám đốc Sở Tài chính; ông Nguyễn Mạnh Quyền – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Ban Kiểm soát có Trưởng Ban là ông Nguyễn Anh Tuấn.

Ban Tổng Giám đốc, bên cạnh Tổng Giám đốc là Bà Chu Nguyên Thành, còn có 7 Phó Tổng Giám đốc: Lê Văn Bính, Phạm Ngọc Bảo, Nguyễn Trung Kiên, Khuất Quang Trung, Nguyễn Thị Liên, Lê Văn Phượng, Nguyễn Thế Hiệp.

Như vậy, theo Điều lệ, bà Chu Nguyên Thành – Tổng Giám đốc - là người đại diện theo pháp luật của HANIF./.