Xưởng lắp ráp của Samsung Việt Nam |
Đa Chiều ngày 30/7 cho rằng khác với Nhật Bản, Việt Nam có lực lượng người “khỏe mạnh” (ở tuổi lao động); khác với Philippines, Việt Nam có tính cách dân tộc cứng cỏi và tham vọng mạnh mẽ; khác với CHDCND Triều Tiên, cải cách của Việt Nam đi tiên phong.
GDP của Việt Nam luôn tăng trưởng tốc độ cao, ngành chế tạo xuất hiện hiện tượng "vượt Trung Quốc".
Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đưa ra phán quyết về vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc đã làm cho mọi con mắt của thế giới đổ vào Philippines, Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng, Đa Chiều cho rằng Việt Nam đang lặng lẽ phát triển lớn mạnh, có thể trở thành "trở ngại lớn nhất" cho sự trỗi dậy (bành trướng) của Trung Quốc ở châu Á.
Người Việt Nam có ý thức dân tộc mạnh mẽ, nhất là tỏ rõ thái độ với giặc ngoại xâm qua hàng nghìn năm lịch sử.
Việt Nam đang thay thế Trung Quốc trong ngành chế tạo
Những năm gần đây, Bắc Kinh luôn chú ý tới vũ đài quốc tế, nhưng lại coi nhẹ các quốc gia láng giềng.
Từ năm 2008 đến nay, ngành giày dép Đông Nam Á đã lấy đi gần 40% đơn đặt hàng gia công ngoại thương của ngành chế tạo Trung Quốc.
Tình hình ngành chế tạo thế giới đang từ Trung Quốc chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á, trong khi đó nước được lợi lớn nhất là Việt Nam.
Số liệu cho thấy có 13% doanh nghiệp trong ngành chế tạo khu vực tam giác sông Chu của Trung Quốc năm 2016 bị đóng cửa, các doanh nghiệp chế tạo của Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc đặt nhà máy ở khu tam giác sông Chu lần lượt mở ra "mô hình di cư" chuyển đổi ngành nghề, di chuyển sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ.
Trong khi đó, Việt Nam có 100 triệu người, chi phí lao động tương đối thấp và vị trí địa lý có lợi cho di dời, giúp cho Việt Nam trở thành nơi lựa chọn hàng đầu cho di chuyển của các doanh nghiệp trong ngành chế tạo.
Việt Nam được lợi lớn nhất từ TPP
Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là hiệp định thương mại lớn nhất trong lịch sử, bao gồm 40% quy mô kinh tế thế giới.
Mỹ dự đoán sẽ có 18.000 loại thuế mà nước khác đánh vào hàng hóa ngành chế tạo Mỹ sẽ bị xóa bỏ, đồng thời để cho nước khác đi vào thị trường Mỹ với giá cả rẻ hơn.
Có chuyên gia phân tích cho rằng hiệp định này có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tăng 11% trước năm 2025, xuất khẩu cùng kỳ sẽ tăng 28%. Thuế nhập khẩu của Mỹ và Nhật Bản giảm đi, giúp cho ngành chế tạo, dịch vụ của Việt Nam được lợi.
Một báo cáo của Minzuho Research Institute cho biết trong các nước ký kết TPP, Việt Nam là nơi thu hút tăng vốn vượt xa các nước khác.
Giữa các nước phê chuẩn, ký kết TPP sẽ hủy bỏ thuế quan, Việt Nam là nước đang phát triển, tăng trưởng kinh tế lệ thuộc vào xuất khẩu, nên được lợi lớn nhất. Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới trước năm 2050.
Cải cách giúp Việt Nam ngàng càng mạnh
Do ảnh hưởng bởi nhân tố thời đại và môi trường lớn, Việt Nam đã tiếp nhận các giá trị mới từ bên ngoài, tăng cường phát huy dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền phù hợp với tình hình thực tiễn đất nước của Việt Nam.
Hiện nay, những cải cách của Việt Nam đã mở đường cho phát triển trong tương lai, đồng thời cũng giúp cho Việt Nam xích lại gần hơn với các cường quốc mạnh nhất nhì thế giới.
Tuy nhiên, bài viết của Đa Chiều đã tự suy diễn cho rằng, "một khi Mỹ-Việt liên kết với nhau thì sẽ tạo ra một liên minh “đối phóTrung Quốc” ở phía nam đại lục Đông Á. Bài viết lo ngại quan hệ Việt-Mỹ có thể giống như quan hệ Mỹ-Hàn".
Việt Nam ở Trường Sa
Trong các nước khu vực xung quanh Biển Đông, Việt Nam là nước có các biện pháp xử lý linh hoạt, nhất.
Hiện nay, Việt Nam có lợi ích lớn hơn nhiều Philippines, đang kiểm soát 29 đảo đá ở quần đảo Trường Sa (chủ quyền của Việt Nam thì Việt Nam đương nhiên có quyền kiểm soát - PV) – số lượng nhiều nhất, tạo ra thế “cài răng lược” đối với đảo, đá do các nước khác xâm chiếm ở cùng khu vực.
Trung Quốc luôn coi Mỹ và Nhật Bản là đối thủ cạnh tranh lớn nhất, nhưng lại coi nhẹ Việt Nam. Bài viết nhận định, cách thức xử lý quan hệ với Hà Nội là một vấn đề nan giải của Bắc Kinh trong tương lai.