Cựu Trung tướng Nga: Moscow vẫn chưa ký thỏa thuận bán máy bay Su-35, tên lửa S-400 cho Trung Quốc

VietTimes -- Thông tin này được ông Evgeny Buzjhinsky, Chủ tịch điều hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách Nga công bố tại một bữa tiệc trưa ở Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ, cho thấy sự lo ngại của Nga về khả năng sao chép công nghệ của Trung Quốc.
Trung tướng về hưu Evgeny Buzhinsky, Chủ tịch điều hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách Nga. Ảnh: Russiancouncil
Trung tướng về hưu Evgeny Buzhinsky, Chủ tịch điều hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách Nga. Ảnh: Russiancouncil

Tờ nguyệt san The National Interest Mỹ ngày 15/11 cho hay Nga vẫn chưa chính thức ký thỏa thuận bán máy bay chiến đấu Su-35 và hệ thống tên lửa đất đối không S-400 cho Trung Quốc. Hiện nay, Moscow chỉ đồng ý về mặt nguyên tắc việc bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc.

Ngày 15/11, tại một bữa tiệc trưa ở Trung tâm Lợi ích quốc gia (Center for the National Interest) Mỹ, Chủ tịch điều hành Trung tâm Nghiên cứu chính sách Nga, Trung tướng nghỉ hưu Evgeny Buzhinsky cho biết:

"Trước hết, điều chúng tôi muốn làm rõ là, Nga vẫn chưa bán những trang bị quân sự này cho Trung Quốc. Nga đang tiến hành các cuộc đàm phán rất khó khăn và gian khổ với Trung Quốc".

Theo bài báo, mặc dù về nguyên tắc Nga đã đồng ý bán vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc, nhưng giao dịch này còn chưa đi đến quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong thời gian này, cấp lãnh đạo hai nước đã ký kết thỏa thuận bảo vệ bản quyền sở hữu trí tuệ của Nga.

Moscow hy vọng qua đó để ngăn chặn Trung Quốc ăn cắp công nghệ của Nga. Ông Evgeny Buzhinsky nói: "Về nguyên tắc, Nga đồng ý bán S-400 và Su-35 cho Trung Quốc. Chúng tôi đã ký kết thỏa thuận bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thỏa thuận này là điều kiện tiên quyết cho việc bán máy bay chiến đấu Su-35".

Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu Su-35 Nga. Ảnh: Cankao

Evgeny Buzhinsky cho biết Nga sẽ không cung cấp công nghệ quân sự quý giá cho Trung Quốc trong trường hợp chưa áp dụng các biện pháp dự phòng. Su-35 Trung Quốc mua trong tương lai cũng sẽ không tương đồng với phiên bản do Không quân Nga sử dụng.

Evgeny Buzhinsky nói: "Chúng tôi có hai loại phiên bản, một loại là phiên bản tự sử dụng, một loại khác là phiên bản xuất khẩu. Trung Quốc rất giỏi sao chép các loại trang bị quân sự".

Mặc dù vậy, Nga vẫn tin tưởng công nghệ quân sự của họ vẫn rất an toàn, đặc biệt là công nghệ động cơ AL-41F1S, một loại công nghệ rất quan trọng.

Ông Evgeny Buzhinsky nói: "Trung Quốc không thể chế tạo loại động cơ này. Mặc dù Nga đồng ý bán Su-35 cho Trung Quốc, nhưng điều may mắn là nhân viên kỹ thuật nói với tôi rằng Trung Quốc thực sự không thể sao chép được động cơ của Su-35, bởi vì Trung Quốc muốn nắm chắc được công nghệ cốt lõi của loại động cơ này thì họ phải đạt được tiến triển mang tính đột phá trên phương diện công nghệ động cơ".

Trung Quốc có thể có kế hoạch mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 tiên tiến của Nga, nhưng hầu hết các nhà quan sát cho rằng mục đích mua sắm Su-35 của Bắc Kinh là đoạt lấy công nghệ tiên tiến của loại máy bay chiến đấu này.

Trung Quốc khoe máy bay chiến đấu tàng hình J-20 tại Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 11 ngày 1/11/2016. Ảnh: Gov.cn
Trung Quốc khoe máy bay chiến đấu tàng hình J-20 tại Triển lãm hàng không Trung Quốc lần thứ 11 ngày 1/11/2016. Ảnh: Gov.cn

Mặc dù Trung Quốc đang nghiên cứu chế tạo các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến như J-20 và J-31, nhưng sự thật chứng minh Trung Quốc vẫn lạc hậu về công nghệ động cơ phản lực, chưa đạt trình độ tiên tiến thế giới.

Mọi người đều biết, J-20 đã sử dụng động cơ AL-31FN do Nga chế tạo. Nhưng mục đích ban đầu thiết kế loại động cơ này của Nga là cung cấp động lực cho phiên bản cải tiến của máy bay chiến đấu Su-27.