Cuốn “cẩm nang” về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

E-magazine Cuốn “cẩm nang” về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

VietTimes – “Cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cẩm nang 'gối đầu giường' của cán bộ, đảng viên về đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực” - ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương chia sẻ với VietTimes.

Chống giặc.png

- Nhà báo Lê Thọ Bình: Thưa ông, vừa qua Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) yêu cầu các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo dục mầm non (cơ sở đào tạo) tiếp tục triển khai thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GD&ĐT về việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: Tôi cho rằng, đây là một chủ trương đúng đắn và rất thiết thực. Vì sao lại nói như vậy? Có thể nói cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là chủ trương rất đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta. Thực tiễn cho thấy, nếu không quyết liệt đẩy mạnh cuộc đấu tranh PCTNTC có thể dẫn đến nguy cơ, hệ lụy không thể lường trước được, liên quan đến sự tồn vong của Đảng, của chế độ.

Vừa rồi đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Cuốn sách này, có thể nói, là cuốn “cẩm nang” về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác PCTNTC nói riêng. Cuốn “cẩm nang” này cung cấp, trang bị, nâng cao nhận thức cho toàn Đảng, toàn dân về công cuộc PCTNTC hiện nay.

ông Nguyễn Đức Hà 3.png

Vì vậy việc đưa công tác PCTNTC vào giảng dạy trong các trường đại học là việc làm cực kỳ quan trọng. Đây là chúng ta đã đi trước một bước, trang bị kiến thức, lý luận cho sinh viên. Vì sinh viên, thanh niên là thế hệ tương lai của đất nước. Chính việc trang bị kiến thức, cách tư duy đúng đắn này sẽ giúp cho thế hệ trẻ nhìn nhận một cách đúng đắn hơn không chỉ về chủ trương PCTNTC, mà còn về chủ trương, đường lối của Đảng ta trong xây dựng Đảng và chính quyền Nhà nước XHCN.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, việc Bộ GD&ĐT đưa nội dung PCTNTC vào dạy ở các trường đại học là đúng với quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

- Trong số các tài liệu giảng dạy về PCTNTC từ năm học 2023-2024 có cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Phải chăng đây là sự thể hiện quyết tâm lớn hơn, toàn diện hơn về công cuộc PCTNTC của Đảng ta?

Ông Nguyễn Đức Hà: Thực ra không phải bây giờ Đảng ta mới đặt ra vấn đề đấu tranh PCTNTC mà ngay từ khi mới giành được chính quyền Đảng ta đã tiến hành đấu tranh PCTNTC rồi. Bác Hồ đã nói rất nhiều. Bác gọi tham nhũng, tiêu cực là “giặc nội xâm” kia mà.

Tất nhiên, ngày nay cả nhận thức và cả hành động về công tác PCTNTC đều ngày càng được nâng cao hơn. Nhận thức thì đầy đủ hơn, toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Hành động cũng từng bước mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và đem lại hiệu quả to lớn hơn.

Cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư, nếu gọi là cuốn “cẩm nang” về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng đúng; mà gọi cuốn cẩm nang về đấu tranh PCTNTC cũng rất đúng.

Tổng Bí Thư Việt Nam.png
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

5 'bảo bối' của đồng chí Tổng Bí thư

- Ông vừa gọi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” là cuốn cẩm nang về công tác PCTNTC?

Ông Nguyễn Đức Hà: Trước hết tôi xin nhấn mạnh: nội dung những bài viết, tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư trong Cuốn sách này được rút ra từ thực tiễn phong phú, thể hiện tầm nhìn, trí tuệ sáng suốt, sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, toàn diện, đầy sức thuyết phục của đồng chí Tổng Bí thư; góp phần làm sáng rõ tư duy lý luận của Đảng ta về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

- Ông có thể nói rõ hơn không: Vì sao ông lại gọi cuốn sách là “cẩm nang” của công tác PCTNTC?

Ông Nguyễn Đức Hà: Để cho đơn giản và dễ hiểu thì cẩm nang nó là cái phong bì chứa “bảo bối”. Nếu ai đã từng đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung thì hình dung ra. Khi một viên tướng ra trận, Khổng Minh (Gia Cát Lượng) thường trao cho mấy cái túi (bảo bối) khi nào bí thì mở ra. Trong đó đã có kế sách ứng phó với quân địch.

Chúng ta hình dung như vậy, “cẩm nang” hay “bảo bối” nó là như thế. Nó là kế sách vạch sẵn để giải quyết những lúc khó khăn, những giai đoạn PCTNTC cụ thể.

- Theo ông thì cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư chứa đựng bao nhiêu “bảo bối”?

Ông Nguyễn Đức Hà: Tôi tạm rút ra 5 “bảo bối” từ cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Một là, nhận diện tham nhũng, tiêu cực; nguyên nhân và hậu quả của nó; Hai là, những bài học rút ra từ thực tiễn công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam; Ba là, nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc; Bốn là, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thống nhất; cuối cùng là, công cuộc PCTNTC tới đây sẽ tiếp tục được triển khai như thế nào.

Tóm lại trong cuốn sách đó đồng chí Tổng Bí thư phân tích, lý giải về công tác PCTNTC, từ nhận thức, lý luận đến tổng kết kinh nghiệm, đề ra những giải pháp rất cụ thể và căn cứ vào đó để cán bộ, đảng viên trau dồi lý luận và có hành động thiết thực.

- “Bảo bối” thứ nhất “là nhận diện tham nhũng, tiêu cực; nguyên nhân và hậu quả của nó” thì rõ rồi. Xin ông lý giải “bảo bối” thứ hai!

Ông Nguyễn Đức Hà: Trong cái “phong bì” chứa đựng “bảo bối” thứ hai này, là bài học tổng kết thực tiễn phong phú và rút ra những vấn đề có tính lý luận về công tác đấu tranh PCTNTC ở Việt Nam; khẳng định đấu tranh PCTNTC là “một việc làm cần thiết, tất yếu, một xu thế không thể đảo ngược” nhưng cũng là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp, “không thể chỉ làm một lần là xong; ngược lại, phải làm rất kiên quyết, kiên trì, bền bỉ; làm thường xuyên, liên tục; làm đi làm lại nhiều lần như đánh răng, rửa mặt hằng ngày”; đòi hỏi “phải có quyết tâm rất lớn, thống nhất rất cao, biện pháp thực hiện quyết liệt, khả thi, chỉ đạo chặt chẽ với một phương pháp tư duy đúng đắn, tỉnh táo, bình tĩnh, không cực đoan, không để các thế lực xấu lợi dụng, xuyên tạc, kích động, phá hoại”. Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp hướng tới mục tiêu “không thể”, “không dám”, “không muốn”, “không cần” tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng ở đâu cũng có, lúc nào cũng có, nước nào cũng có; nước phát triển, nước chậm phát triển, nước lớn hay nước bé, nước giàu hay nước nghèo, nước một đảng hay nước đa đảng đều có cả.

Mà quyền lực luôn luôn có xu hướng bị tha hóa. Vì vậy phải có cơ chế hữu hiệu để giám sát quyền lực. Tổng Bí thư đã nói “phải nhốt quyền lực vào cái lồng cơ chế” là thế.

Ông Nguyễn Đức Hà vt.png

- Còn cái bảo bối thứ 3 và thứ tư?

Ông Nguyễn Đức Hà: “Nhất quán phương châm: Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm từ xa, cả ngọn lẫn gốc” là “bảo bối” về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên; với thông điệp chính là “Vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm, mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên để trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực”.

Bảo bối thứ 4 “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, tuyển chọn 96 trên tổng số hàng vạn ý kiến của các tầng lớp nhân dân, đại biểu Quốc hội và của chính khách, học giả nước ngoài bày tỏ sự tin tưởng, ủng hộ, đánh giá cao đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư. “Bảo bối” thứ tư khẳng định: “Quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách mà đã trở thành mối quan tâm chung của các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên và cả bạn bè quốc tế”.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã có bước tiến mạnh mẽ, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, giữ vững ổn định chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước, thực sự “đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”, được cán bộ, đảng viên, nhân dân ghi nhận, đồng tình, ủng hộ, bạn bè quốc tế đánh giá cao.

- Xin ông cho biết bảo bối thứ 5 - bảo bối cuối cùng của cuốn sách?

Ông Nguyễn Đức Hà: Phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế; tiến hành một cách kiên quyết, kiên trì, liên tục, bền bỉ không ngừng nghỉ; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với bối cảnh, yêu cầu phát triển đất nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, truyền thống văn hóa của dân tộc.

Ông Nguyễn Đức Hà 2.png

- Thưa ông, về chống “giặc nội xâm”, trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết một số tác phẩm như “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, “Thực hành tiết kiệm, chống tham ô lãng phí quan liêu”… Nay xuất bản cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTNTC, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”. Phải chăng đây là sự kế thừa tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Ông Nguyễn Đức Hà: Có thể nói Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là học trò xuất sắc, người kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Ông là “Vị Tướng”, là Tổng Tư lệnh trên mặt trận chống “giặc nội xâm”.

- Xin cám ơn ông!

Thực hiện: Lê Thọ Bình

Thiết kế: Văn Lâm