Thua lỗ, giá cổ phiếu tăng 77 lần
Game Stop là công ty sở hữu bán trò chơi điện tử được thành lập năm 2000, có trụ sở ở Grapevine, Texas. Trước khi dịch Covid-19 diễn ra, việc kinh doanh của Game Stop đã gặp nhiều trục trặc do xu thế thương mại điện tử và tình hình cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Doanh thu công ty giảm mạnh và thua lỗ hơn 670 triệu USD trong năm 2019.
Sang năm 2020 dịch bệnh Covid-19 càng làm tình hình trầm trọng hơn, khi công ty phải đóng cửa nhiều chuỗi cửa hàng. Kết thúc năm tài khóa 2020, dòng tiền hoạt động của công ty giảm 1,1 tỷ USD, khiến tổng tiền mặt của công ty giảm từ trên 1,6 tỷ USD xuống còn chưa tới 500 triệu USD. Tổng nợ trên vốn chủ sở hữu xấp xỉ 1,5 lần, còn hệ số thanh toán nhanh chưa tới 0,5.
Một công ty với tình hình kinh doanh bết bát như vậy, giá cổ phiếu sẽ trượt dốc không phanh? Song bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết rằng từ đầu năm 2021 đến nay, cổ phiếu Game Stop đã tăng 7.700% (bảy ngàn bảy trăm phần trăm), hay nói cách khác giá cổ phiếu tăng 77 lần.
Cụ thể, giá cổ phiếu Game Stop vào ngày 2-1-2020 khoảng 6USD. Khi mở cửa thị trường tuần lễ 24-1-2021, Game Stop cũng chỉ có giá khoảng 65USD/cổ phiếu, tuy đã tăng 10 lần so với đầu năm ngoái nhưng vẫn chưa gọi là khủng khiếp. Chỉ trong 3 ngày 26, 27 và 28-1, giá cổ phiếu của Game Stop đã tăng hàng trăm phần trăm mỗi ngày, đỉnh cao là ngày 28-1 khi đạt hơn 481USD/cổ phiếu.
Điều gì đã xảy ra?
Từ giữa tháng 1, nhiều nhà đầu tư (NĐT) trên thị trường cổ phiếu Mỹ bắt đầu lan truyền thông tin một nhóm NĐT nhỏ trên các sàn đầu tư chi phí thấp như Robinhood, Interactive Brokers... đang kéo nhau mua cổ phiếu Game Stop.
Lý do, những thảo luận trong mục “wallstreetbets” trên diễn đàn Reddit cho thấy nhiều NĐT tổ chức, chẳng hạn quỹ Melvin Capital, đã bán khống Game Stop với khối lượng hơn 100% số cổ phiếu đang trôi nổi của công ty này khi giá cổ phiếu vượt qua cột mốc, với dự đoán giá của Game Stop sẽ nhanh chóng rớt lại về mức 20USD/cổ phiếu.
Vào thời điểm bán khống, một số dự đoán cho rằng các quỹ này đã bán khống ở giá 28-40USD/cổ phiếu. Nhận ra điều đó, các NĐT nhỏ lẻ quyết định hợp tác để tạo ra làn sóng mua vào cổ phiếu Game Stop nhằm “trừng phạt các tổ chức bán khống này”.
Vậy làm thế nào các tổ chức bán khống có thể bán hơn 100% số cổ phiếu đang lưu hành? Điều này về lý thuyết là không thể, nhưng trên thực tế, với một số hoạt động bán khống không cần vay mượn (naked short selling) thì có thể.
Ngoài ra, mỗi cổ phiếu có thể được nhiều nhà môi giới khác nhau vay mượn cho khách hàng khác nhau bán ra, và ở chiều bên kia có nhiều người lần lượt mua vào cùng một cổ phiếu được vay mượn đó để bán. Nói cách khác, một cổ phiếu có thể được cho vay nhiều lần và bán cho nhiều người. Nhưng rốt lại, cổ phiếu trôi nổi chỉ có một.
Nếu vì lý do nào đó, những người bán khống đồng loạt cần mua lại cổ phiếu để tất toán hoạt động bán khống, sẽ có tình trạng nhiều người tranh giành mua một lượng cổ phiếu trôi nổi ít hơn nhu cầu rất nhiều và sẽ đẩy giá lên mạnh, gọi là tình trạng chen lấn mua lại cổ phiếu của người bán khống (short-squeeze).
Khi NĐT nhỏ bắt đầu đẩy giá cổ phiếu này từ 42USD lên trên 65USD/cổ phiếu, các quỹ đầu tư bán khống này bắt đầu thua lỗ nặng. Nếu muốn cắt lỗ, họ phải ra tranh mua cổ phiếu với NĐT nhỏ, càng đẩy giá lên mạnh hơn.
Tuần lễ 24-1 là tuần lễ mấu chốt vì với giá mở cửa đầu tuần đa số quỹ bán khống đã lỗ trên 50%. Kết quả, họ càng phải “điên cuồng” mua lại cổ phiếu, trong khi đám đông NĐT nhỏ lẻ “hung hãn” (cách gọi của một số phương tiện truyền thông) không chịu bán ra mà tranh mua thêm.
Giá cổ phiếu Game Stop bị đẩy lên 150USD/cổ phiếu vào ngày 26-1 và tiếp đó lên đến 350USD/cổ phiếu vào ngày 27-1. Đỉnh cao nhất như đã nói là 481USD ngày 28-1, trước khi giảm mạnh lại. Cuối tuần, cổ phiếu này đóng cửa ở mức 325USD/cổ phiếu.
Như vậy, các quỹ đầu tư tổ chức đang bán khống Game Stop đã hoàn toàn lỗ sạch vốn ban đầu, còn có thể lỗ luôn những khoản tiền dùng để bù lỗ mới đắp thêm vào.
Có người ước tính con số thua lỗ của một số quỹ đầu tư đã lên tới hàng tỷ USD. Chẳng hạn, Quỹ Melvin Capital đã phải nhờ Citadel và Point72 cứu giúp bằng cách rót thêm 3 tỷ USD sau khi đóng lại vị thế vào ngày 26-1.
Ảnh minh hoạ |
SEC và chính trị gia vào cuộc
Một cuộc tranh cãi nổ ra dữ dội giữa giới chuyên gia, các cây bút bình luận trên báo và chính trị gia. Ban đầu, tranh cãi nằm ở chỗ hoạt động hợp tác đẩy giá cổ phiếu của những NĐT nhỏ có hợp pháp? Nếu các quỹ đầu tư được phép liên kết nhau bán khống, tại sao NĐT nhỏ không thể cùng nhau đẩy giá cổ phiếu?
Sau đó, tranh cãi được đẩy lên đỉnh điểm, khi từ giữa tuần, các sàn giao dịch như Robinhood, Interactive Brokers không cho NĐT mua cổ phiếu Game Stock và một số cổ phiếu có lượng bán khống lớn, mà chỉ cho bán ra.
Điều này dấy lên làn sóng chỉ trích các sàn giao dịch này, nhất là Robinhood, đã “bắt tay” với các quỹ giàu có để chống lại đám đông. Một số tờ báo đã xem đây là cuộc đối đầu của giới bình dân với tầng lớp tinh hoa tài chính, như phong trào “Chiếm lấy Phố Wall” trước đây.
Hành vi này của nền tảng giao dịch Robinhood hứng chịu sự thịnh nộ không chỉ từ các NĐT Reddit, còn thu hút sự quan tâm của các chính trị gia và cơ quan quản lý thị trường SEC (Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ). Reuters cho biết SEC đã bắt đầu điều tra hành vi ngăn chặn NĐT mua bán cổ phiếu. Trong khi đó, dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez và Thượng nghị sĩ Ted Cruz, 2 con người không đội trời chung, lại cùng đồng ý đề nghị điều tra vụ việc ở Robinhood.
Tiến trình này sẽ ra sao, giá cổ phiếu Game Stop có rớt lại mức trước tuần lễ điên rồ vừa rồi hay không, không ai biết được. Nhưng người ta vừa nhìn thấy sự phô diễn sức mạnh của giới đầu tư bị gọi là nhỏ lẻ. Họ vừa cho thấy họ là một phần cấu thành quan trọng của thị trường, bất cứ ai xem thường họ sẽ phải trả giá đắt, kể cả những quỹ đầu tư tỷ đô.
--------------
(*) Thuật ngữ chỉ các nhà đầu tư nhỏ dùng diễn đàn Reddit để trao đổi thông tin.
Theo Sài Gòn Đầu tư Tài chính