Lực lượng hộ tống của tàu sân bay
Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 18/10 cho hay trong một cuộc nói chuyện trực tuyến với cộng đồng mạng, chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt và nhà báo phụ trách chuyên trang tàu chiến Thôi Dật Lượng đã đề cập đến vấn đề tàu hộ hộ tống và máy bay triển khai trên tàu sân bay.
Chuyên gia tàu chiến Trung Quốc Thôi Dật Lượng cho rằng tàu chiến hộ tống tàu sân bay cần có năng lực trên ba phương diện gồm phòng không, săn ngầm và chạy tốc độ cao.
Về khả năng tàu khu trục Type 055 tương lai sẽ làm nhiệm vụ hộ tống cho tàu sân bay, Thôi Dật Lượng cho rằng các thông tin liên quan nếu là sự thật thì cần được xác nhận chính thức.
Nhưng, theo Thôi Dật Lượng, rốt cuộc tàu chiến như thế nào có thể tham gia biên đội tàu sân bay thì không cần thiết phải phán đoán từ trọng tải của tàu, mà cần phân tích từ góc độ chức năng.
Tàu chiến biên chế cho cụm chiến đấu tàu sân bay có sứ mệnh trước tiên là bảo vệ an toàn của tàu sân bay, thứ hai là thực hiện các nhiệm vụ như tấn công đối hải, đối đất và săn ngầm.
Biên đội tàu sân bay thông thường cần các loại tàu chiến sau: Một là tàu chiến có khả năng phòng không rất mạnh; hai là tàu chiến có thực lực săn ngầm nhằm ứng phó với mối đe dọa to lớn của tàu ngầm đối với tàu sân bay; thứ ba là tốc độ cần theo kịp tàu sân bay, bất kể đó là tàu tuần dương, tàu khu trục hay tàu hộ vệ.
Đối với cái mà truyền thông Trung Quốc gọi là "bảo vệ chủ quyền Biển Đông", chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng, những năm gần đây, các bước xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc được đẩy nhanh.
Trong tương lai, trên một số đảo nhân tạo lớn sẽ có sân bay và vũ khí phòng không, phối hợp với tàu chiến mặt nước và máy bay chiến đấu. Do đó, Trung Quốc sẽ có khả năng "bảo vệ quyền lợi biển".
J-20 cần cải tiến
Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho hay tàu sân bay nội đầu tiên đang chế tạo của Trung Quốc vẫn áp dụng phương thức cất cánh kiểu nhảy cầu.
Tàu sân bay nội địa thứ hai của Trung Quốc có thể lắp máy phóng, nhưng việc xác định lắp máy phóng hơi nước hay máy phóng điện từ còn phải dựa vào tình hình phát triển công nghệ.
Theo Lý Kiệt, mặc dù điều kiện cơ bản của máy bay chiến đấu J-20 rất tốt, nhưng thực sự có một số yếu tố không thích hợp cho triển khai trên tàu sân bay: Trước hết là diện tích đường băng tàu sân bay có hạn, kích thước thân máy bay J-20 hơi lớn, trong khi đó sải cánh của máy bay chiến đấu J-31 nhỏ hơn J-20, có ưu thế khi trở thành máy bay trên tàu sân bay.
Bởi vì, khi triển khai máy bay trên tàu sân bay, cánh máy bay cần phải có khả năng gập lại, thậm chí cánh đuôi cũng cần gập lại. Như vậy, tàu sân bay có thể chứa nhiều máy bay hơn, bảo đảm phát huy được sức chiến đấu của tàu sân bay.
Tiếp theo, trọng lượng cất cánh lớn nhất của J-20 nặng hơn khoảng 10 tấn so với J-31. Trọng lượng cất cánh càng lớn thì khoảng cách trượt trên đường băng tàu sân bay càng dài, không gian đường băng chiếm dụng sẽ càng lớn.
Nhưng, máy bay chiến đấu J-20 hoàn toàn không phải không có khả năng triển khai cho tàu sân bay. Chỉ cần tiến hành thiết kế lại hoặc cải tiến thì có thể đáp ứng nhu cầu của máy bay trên tàu sân bay.