Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ
4h sáng, vội vàng lót dạ bằng bát cơm nguội, bà Bông ( phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, Nghệ An) lại vác theo cây gậy dài hơn 2m một mình đi bộ 5 cây số ra cửa biển. Chỉ bằng một cây cào được làm từ tre, kết thành hình chữ Y, ở giữa thân treo lủng lẳng chiếc túi lưới để đựng ngao. Lưỡi nạo là một thanh sắt được mài mỏng, dài khoảng 50 cm thì bà đã sẵn sàng miệt mài mưu sinh theo con nước.
Thấy tôi tiến đến gần bà ngẩng lên nhìn rồi lại cặm cụi rê lưỡi nạo trên mặt cát. Quần áo lấm lem bùn cát, bạc thếch vì bị ngâm lâu trong nước biển mặn chát. Bà cần mẫn rê lưỡi nạo từ lúc hừng đông đến khi trời đứng bóng mới chịu nghỉ tay.
Tôi đứng gần quan sát thấy bà đặt cây nạo xuống bãi cát, bà buộc sợi dây cước ở giữa thân nạo vào bụng để có sức kéo rồi kéo lê trên mặt cát, tạo thành những đường dài ngoằn ngoèo. Nghe “cục” một tiếng, bà liền lấy ngón chân sục sâu vào cát rồi nhón tay nhặt bỏ những con ngao đầu tiên vào túi. Thi thoảng gặp những viên sỏi, vỏ ngao thối há miệng, bà nhanh tay vứt đi rồi tiếp tục công việc.
Đã bao năm qua vẫn vậy, bà vẫn bám trụ với nghề cào ngao nên có rất nhiều kinh nghiệm “Phải cầm làm sao cho cán nạo cân đối, không bị vênh, kéo không được lệch tay thì nạo mới ăn đất và được nhiều ngao"- bà bảo.
Kiểm chứng lời bà, một người khách du lịch hiếu kì mượn cái nạo để thử cào ngao. Lúc tôi hỏi cảm giác của anh, anh ta nhăn nhó: "Tôi đau dừ hết cả người mà cào 1 tiếng cũng chỉ được 5 đến 6 con. Thế mới biết thương những người cào ngao thật".
Kéo được một lúc thì mặt trời lên, nắng bắt đầu chiếu vào mặt, cát bỏng rát, bà thở phào nhẹ nhõm. Dù nhọc nhằn và lắm nỗi gian nan, thế nhưng khi tôi hỏi về công việc cào ngao, bà vẫn sáng lên đôi mắt tự hào và nụ cười lạc quan nói: “Mệt mỏi kinh khủng, nhưng mà nghỉ thì tiếc lắm vì ai cho mình tiền”.
Dụng cụ cào ngao được làm bằng thanh tre, một giỏ tre treo lủng lẳng giữa thân
|
Bà yêu và gắn bó với cái nghề cơ cực này bởi công việc đó đã cho nguồn thu nhập đáng kể nuôi sống mình và gia đình. Bà cũng mong muốn đồng tiền lãi ít ỏi sẽ giúp cháu bà có cuộc sống tốt hơn, được đi học, được thành tài để tương lai không còn phải bám biển mà sống.
Mặt trời càng lên cao, bãi bồi càng nhộn nhịp. Bà lại tiếp tục tìm một chỗ thích hợp rồi lê nạo tứ phía. "Nghề này phụ thuộc vào thủy triều lên xuống. Dân thường tranh thủ lúc nước ròng để đi. Đó là thời gian giữa hai con nước lớn liên tiếp, nước rút đi để lộ bãi bồi đầy ngao. Hôm nay nạo gần bờ, ngày mai lại đi xa hơn một chút cho đến ngày con nước lại quay về nạo gần bờ"- bà cho biết
Hơn 40 năm đi nạo ngao, cụ bà miền biển nói giọng lơ lớ nhận mình vẫn là thợ nạo ít kinh nghiệm. Những thợ nạo giỏi thường sang đò, ra tận cửa biển. Người dân ở đây cùng nhau mưu sinh, người đi nạo có khi vai chạm vai nhưng chưa bao giờ xảy ra chuyện tranh chấp hay cãi vã.
Nhọc nhằn và những hiểm nguy rình rập
Người dân nơi đây cho hay, cồn cát ven biển Cửa Lò không bao giờ hết ngao. Thủy triều lên hắt con ngao từ ngoài biển vào. Nước rút đi, chúng lặn sâu dưới cát, con người muốn hưởng lộc biển thì phải chịu đổ mồ hôi. Có hôm nước ròng lúc nửa đêm thì dân cũng đi từ lúc đó, trời vừa bửng sáng thì cũng kịp ra về trước khi triều dâng. Trời tối đen như mực nhưng họ không cần soi đèn pin, chỉ cần cảm nhận bằng đôi tay và lắng tai nghe tiếng ngao mắc vào lưỡi nạo.
Đôi bàn tay nhanh nhẹn cào rồi nhặt ngao trên biển Cửa Lò.
|
Chẳng ăn thua gì, nghề này khô áo thì ráo tiền, bán ngao chỉ đủ đong gạo và sinh hoạt trong ngày chứ không thể giàu. Mỗi ngày bà tất bật dậy sớm là thế nhưng thu nhập cũng chỉ 15- 20 ngàn đồng mỗi ngày. Bà không có đất nông nghiệp thì chỉ còn biết đi nạo ngao. Nghề này chỉ có phụ nữ hoặc mấy đứa trẻ tranh thủ nghỉ hè mới đi. Đàn ông khỏe mạnh đều đi biển, hoặc vào miền Nam làm thuê.
"Ban đầu khi mới vào nghề tôi như chưa quen thì phải liên tục cúi xuống dùng tay bới cát, nhặt ngao. Tối về lưng, vai đau ê ẩm. Bây giờ nhiều thành quen, giờ có dùng chân khều, đôi khi đạp vào miếng hàu, vỏ ốc, đứt chân chảy máu và nhiễm trùng lại phải nghỉ ở nhà vài ngày, chờ cho vết đứt lành miệng mới dám đi tiếp. Có một số cậu thanh niên mới vào nghề, chưa năm rõ quy luật thủy triều lên xuống,
đang cào thì cát sụt đúng lúc thủy triều lên bất ngờ, bị nước cuốn chết đuối"- bà Bông chia sẻ thêm
Những cái chết thương tâm như vậy vẫn không làm số người cào ngao giảm, họ vẫn quan niệm ''Sinh ư nghệ, tử ư nghệ" , Sống chết có số và "Không đi cào lấy gì mà ăn". Vì miếng cơm manh áo mà họ không hề biết sợ, chỉ mong quanh năm là mùa nghỉ mát, kiếm được đồng ra đồng vào để bớt nhọc nhằn.
Thay cho lời kết
Cửa Lò là một bãi biển đẹp, nằm cách thành phố Vinh khoảng hơn 15km. Cửa Lò được người Pháp phát hiện và đưa vào làm nơi nghỉ mát từ năm 1907 nhưng những năm 2000, điểm nghỉ mát này mới thực sự thu hút đông khách du lịch.
Hình ảnh của những người lao động cào ngao cần cù, chất phác, đã làm cho biển Cửa Lò có một nét riêng, không thể lẫn với những bãi biển khác. Bãi biển rộng dài, một trong những bãi tắm đẹp nhất nước, nằm giữa quần thể du lịch – văn hóa xứ Nghệ. Để du khách được thưởng thức món ngao biển thơm ngon, ngọt ngào mang đậm vị mặn mòi của biển, họ đã phải đổ bao nhiêu mồ hôi, thậm chí cả máu và nước mắt.