Những con số thống kê mà ĐH Johns Hopkins công bố trong hôm thứ Năm cho thấy Mỹ hiện vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch COVID-19, tiếp sau là Brazil, quốc gia cũng báo cáo con số đáng báo động là hơn 90.000 người tử vong do căn bệnh gây ra bởi virus corona chủng mới.
Nhiều quốc gia trên khắp thế giới, thậm chí là cả những quốc gia tin rằng họ đã ngăn chặn được phần lớn sự lây lan của dịch COVID-19, giờ phải chứng kiến sự trỗi dậy của nó khi số ca nhiễm mới tăng đột biến, gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế và buộc chính quyền phải áp dụng các biện pháp chống dịch gây ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống.
Bất chấp nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, tính đến nay đã có hơn 665.000 người chết do COVID-19.
Ở Mỹ, mặc dù Tổng thống Donald Trump tìm cách liên kết sự gia tăng đột biến số ca nhiễm COVID-19 với các cuộc biểu tình ở một số thành phố, nhưng các nhà lãnh đạo trong Quốc hội đang tỏ ra hết sức lo lắng và cho rằng diễn biến dịch trong nước hiện nay sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới nền kinh tế.
Các thành viên của đảng Dân chủ đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 3 nghìn tỷ USD và đảng Cộng hòa trong tuần này cũng thông qua gói 1 nghìn tỷ USD - mặc dù nhiều thành viên trong đảng này không hài lòng với khoản chi tiêu lớn như vậy.
Nhiều chuyên gia y tế công cho rằng đợt dịch bùng phát ở nước Mỹ đáng lẽ ra đã có thể được kiểm soát tốt hơn nếu như các hướng dẫn về giãn cách xã hội và đeo khẩu trang ở nơi công cộng được thực thi sớm và trên phạm vi toàn quốc.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ở bang Texas, Mỹ (Ảnh: Reuters)
|
Ở châu Âu, nơi mà một vài quốc gia đã áp dụng những lệnh hạn chế nghiêm ngặt đối với những người từng đến và rời khỏi Tây Ban Nha, giới chức chính quyền nhiều nước đang bất đồng sâu sắc khi bàn về mức độ trầm trọng của diễn biến dịch thời điểm hiện tại, đặc biệt là khi dịch có nguy cơ bùng phát lại ở một số nước.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người vừa tuyên bố sẽ áp lệnh cách ly đối với những du khách mới trở về từ Tây Ban Nha, cho rằng phần còn lại của châu Âu có thể phải đối mặt với một làn sóng dịch thứ hai, mặc dù trên thực tế, Anh là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch.
Bộ trưởng Y tế Pháp đã lên tiếng phản bác lại luận điểm trên, nói rằng đất nước ông không phải đối mặt với một đợt dịch thứ hai. "Các ổ dịch đang trỗi dậy, chúng tôi nhận thấy những tín hiệu cảnh báo từ một số bệnh viện về xu hướng này. Hiện chúng tôi đang thực hiện thêm rất nhiều cuộc xét nghiệm" - Bộ trưởng Olivier Veran nói.
Tây Ban Nha, một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất do dịch COVID-19, khẳng định rằng họ vẫn là một điểm đến an toàn đối với du khách nước ngoài, đồng thời chỉ trích lệnh cách ly mà Anh mới công bố - trong đó bao phủ cả những hòn đảo du lịch không có dịch của Tây Ban Nha.
Những dữ liệu đáng báo động cũng xuất hiện ở khu vực Đông Á, trong đó Trung Quốc trong hôm 30/7 đã báo cáo thêm 105 ca nhiễm mới COVID-19, phần lớn là ở khu vực Tân Cương. Khu vực nằm ở Tây Bắc Trung Quốc này chiếm tới 96 ca nhiễm, trong khi 5 ca nhiễm khác ở tỉnh Liêu Ninh và 1 ở thủ đô Bắc Kinh. 3 trường hợp còn lại là du khách Trung Quốc trở về từ nước ngoài.
Chính quyền Hong Kong, Trung Quốc cũng đang phải chật vật chống đỡ với làn sóng dịch mới, với hơn 100 ca nhiễm mới ghi nhận trong hôm 30/7. Ở Australia, điểm nóng COVID-19 hiện nay là bang Victoria tuyên bố sẽ sớm ra chỉ thị đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn bang, sau khi ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao kỷ lục là 723.
Diễn biến dịch ở Indonesia cũng có dấu hiệu nghiêm trọng trở lại. Nước này trong hôm thứ Năm báo cáo 1.904 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tính đến thời điểm này lên tới 106.336; theo dữ liệu mà Bộ Y tế nước này công bố.