Phát hiện trên được công bố trong một bản nghiên cứu huyết thanh học trên 6.936 người ở 3 vùng ngoại ô của thành phố Mumbai. Nghiên cứu này có thể lý giải tại sao số ca nhiễm COVID-19 lại giảm mạnh ngay ở khu vực tập trung rất đông dân cư, trong khi số ca nhiễm trên toàn quốc lại tăng.
"Các khu ổ chuột ở Mumbai có thể đã phát triển miễn dịch cộng đồng" - Jayaprakash Muliyil, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Khoa học thuộc Viện Dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ, nhận định - "Nếu người dân ở Mumbai muốn một nơi an toàn để tránh bị nhiễm bệnh, có lẽ họ nên đến đó".
Phát hiện trong nghiên cứu trên - được thực hiện bởi chính quyền thành phố và Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata - cho rằng, bất chấp những nỗ lực chặn dịch, những khu vực nghèo nhất của Mumbai có thể đã áp dụng chiến lược gây tranh cãi là "miễn dịch cộng đồng".
Khoảng 57% những người tham gia nghiên cứu huyết thanh ở các khu ổ chuột Dahisar, Chembur và Matunga đều có kháng thể trong máu, so với chỉ 21,2% được ghi nhận trong một bản nghiên cứu thực hiện trong tháng 4 ở thành phố New York, Mỹ; hay 14% ghi nhận ở Stockholm, Thụy Điển trong tháng 5.
Kiểu chống dịch "buông tay" này từng vấp phải sự chỉ trích ở nhiều nơi như Thụy Điển - quốc gia đã áp dụng chiến lược miễn dịch cộng đồng những kết quả là có nhiều ca tử vong do COVID-19 hơn so với các nước láng giềng áp dụng lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, bản nghiên cứu các khu ổ chuột ở Mumbai - nơi cộng đồng cư dân là những người trẻ tuổi và ít bị những triệu chứng nặng của bệnh COVID-19 - có thể tạo sự ủng hộ với các chiến lược y tế công mà trong đó tập trung vào việc bảo vệ những nhóm người dễ bị nhiễm mà không cần phải hoàn toàn tiêu diệt virus.
Trong bối cảnh giãn cách xã hội gần như là điều không thể, các khu ổ chuột ở Mumbai vốn bị cho là môi trường đặc biệt dễ lây lan COVID-19.
Dharavi, khu ổ chuột lớn nhất trong số đó, là nhà của khoảng 1 triệu người và có mật độ cư dân là 277.136 người/1 km2. Theo ước tính, cứ 80 người phải dùng chung 1 phòng vệ sinh chung, những gia đình gồm 8 người sống trong một căn phòng vô cùng chật hẹp.
Thế nhưng điều bất ngờ là số ca nhiễm COVID-19 ở những khu ổ chuột này đã giảm đột biến trong những tuần qua, sau khi khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện trong tháng 4, và ngay trong bối cảnh số ca nhiễm ở toàn Ấn Độ đang gia tăng với tốc độ cao nhất thế giới. Nhiều người tin rằng số ca nhiễm giảm ở các khu ổ chuột là nhờ các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt mà giới chức thực thi.
Xếp hàng xét nghiệm COVID-19 tại một khu ổ chuột ở Ấn Độ (Ảnh: EPA)
|
Tuy nhiên, nghiên cứu huyết thanh mới đây lại đưa ra một khả năng khác: cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 phần lớn đã được dập tắt ở các khu ổ chuột không phải vì virus bị tiêu diệt, mà nhờ virus đã lây lan nhanh.
"Có một lời giải thích là họ (giới chức) đã làm tốt công tác chặn dịch, nhưng lời giải thích khác là đã xuất hiện miễn dịch cộng đồng" - ông Muliyil nói - "Virus cũng làm công việc của chúng. Virus không lo về việc bị cách ly và nó lây lan hiệu quả hơn so với các nỗ lực ngăn chặn".
Tuy nhiên, ông Muliyil cũng hoan nghênh các biện pháp chống dịch của chính phủ Ấn Độ khi giữ cho tỷ lệ tử vong thấp ở những khu ổ chuột, bởi các hoạt động kiểm soát chặt chẽ giúp chính quyền đảm bảo rằng các ca nhiễm mới được phát hiện, điều trị sớm.
Với dân số lên tới gần 1 triệu người, khu ổ chuột Dhravi đến nay ghi nhận 253 ca tử vong.
Miễn dịch cộng đồng tăng cũng có thể là nguyên nhân mà số ca nhiễm COVID-19 ở thủ đô New Delhi giảm, theo ông Muliyil, bởi một nghiên cứu công bố đầu tháng này chỉ ra rằng khoảng 1/4 dân số thủ đô từng nhiễm bệnh.
Các chuyên gia dịch tễ tin rằng, cần để cho 60% dân số ở một khu vực nhiễm bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng. Nhưng những người nhiễm tập trung đông trong các cộng đồng người khó có thể thực hiện giãn cách xã hội cũng có thể làm giảm đà lây lan của dịch bệnh.
Tính trên toàn thành phố Mumbai, tổng số ca nhiễm mới COVID-19 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 3 tháng, mặc dù bản nghiên cứu huyết thanh chỉ ghi nhận 16% người dân đã từng mắc bệnh ở những nơi thực hiện tốt giãn cách xã hội.