Sau khi tốt nghiệp với tấm bằng tiến sĩ về khoa học máy tính từ Columbia, Jon Weisz đã gia nhập vào lĩnh vực công nghệ cao, làm việc cho một công ty khởi nghiệp về người máy ở Baltimore trước khi đầu quân cho Alphabet (công ty mẹ của Google). Ông đã tham gia một nhóm làm việc trên một robot đa năng để khám phá không gian, công việc nghe thực sự tuyệt vời. Tuy nhiên, hiện nay, Weisz đã nhảy việc và thực hiện dự án cho một công ty công nghệ khác: John Deere.
Weisz nói: “Nhìn chung, tôi yêu thích khoảng thời gian của mình tại Alphabet, nhưng có một lý do tại sao tôi không quay trở lại làm việc cho Big Tech. Tôi muốn cung cấp một sản phẩm tự trị có tác động thực sự đến các bên liên quan. Một sản phẩm giải quyết một vấn đề lớn - nông nghiệp bền vững. Không có phép thuật nào ở các công ty công nghệ lớn, chỉ có tiền. Và đó thường là những đồng tiền giả tạo, chạy theo sự bịa đặt dự báo về doanh thu trong tương lai cho các dự án mà chúng không bao giờ được đưa vào sử dụng".
Ông Tien Tzuo cũng bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực công nghệ lớn - gia nhập Oracle, sau đó là Salesforce lúc công ty này mới thành lập, ông giữ chức vụ Giám đốc điều hành.
Tuy nhiên theo Tien Tzou, nếu ông được quay lại quá khứ, vị giám đốc này cũng sẽ đi theo con đường của Weisz. Ông chia sẻ mình sẽ không gửi hồ sơ xin việc cho Apple, Amazon hay Alphabet mà ông sẽ gửi nó cho các công ty như Nike, Honeywell, Volvo, Boeing, Whirlpool hoặc GM.
6 trên 10 công việc công nghệ không thuộc lĩnh vực công nghệ
Đã từng có hai lựa chọn cơ bản cho các nhà phát triển phần mềm trẻ tuổi: làm việc tại một công ty lớn ở Thung lũng Silicon trên một nền tảng mới thú vị hoặc tại một công ty trong danh sách Fortune 500 với các giải pháp cũ, kém thú vị hơn.
Tuy nhiên nhờ các công nghệ mới nổi như AI, sự khác biệt này đã dần bị xóa nhòa. "Khi bạn dành thời gian ở bộ phận phần mềm của một công ty trong danh sách Fortune 500, làm việc với công nghệ tiên tiến, bạn sẽ có cảm giác như đang ở một công ty công nghệ thực thụ. Đôi khi các món ăn nhẹ thậm chí còn tốt hơn, ông Tien Tzou cho hay.
Ngày nay, cứ 10 công việc công nghệ tại Hoa Kỳ thì có tới 6 việc làm nằm ngoài ngành công nghệ, theo CompTIA - một nhà cung cấp chứng chỉ công nghệ phi lợi nhuận. Được biết, con số này thậm chí ngày càng tăng lên.
Mọi người, đặc biệt là những người lao động trẻ thuộc Gen Z, muốn làm những công việc có ý nghĩa. Họ mong muốn công việc của mình thực sự tác động tới thế giới. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra khi bạn làm việc tại một nơi như Facebook hay Google? Những công ty nổi tiếng với việc thuê những lập trình viên thông minh mới tốt nghiệp đại học và sau đó đối xử với họ như những chú chuột thí nghiệm.
Bạn có thể được sắp xếp làm việc trong mảng kỹ thuật bán hàng, hỗ trợ CNTT hoặc tiếp thị. Tuyệt vời hơn nữa, bạn có thể được làm việc trong một dự án moonshot nghe có vẻ hấp dẫn trên giấy tờ nhưng những sản phẩm này sẽ không bao giờ được ứng dụng thực tế. (moonshot là những dự án với ý tưởng cực kỳ mới lạ, chưa ai nghĩ tới. Nó có thể thành công hoặc không thành công-PV).
Hoặc giả sử bạn cặm cụi làm việc và cố gắng thăng tiến. Chuyện gì xảy ra sau đó? Bạn sẽ được đưa vào vị trí quản lý cấp trung vô nghĩa. Công việc của bạn là đi họp cả ngày. Có thể dự án của bạn thành công, có thể không, nhưng về cơ bản, bạn đang lãng phí tài năng tại những bộ phận như vậy.
Trong cả hai tình huống, bạn đều cố gắng làm những điều đúng đắn, nhưng lại chìm đắm trong những kết quả sai lầm.
Sản phẩm thật kiếm tiền thật
Chúng ta đang chứng kiến sự đảo ngược đáng ngạc nhiên khi nói đến công nghệ và đổi mới. Ngày nay, Big Tech là những "cỗ máy hút linh hồn" của nhân viên, trong khi đó Fortune 500 là nơi diễn ra tất cả những điều thú vị.
Ngay bây giờ, hàng ngàn công ty đang cam kết nguồn lực thực sự cho các dự án công nghệ tiên tiến được sử dụng bởi khách hàng thực và tạo ra dòng tiền thực. Các đại gia công nghiệp đang kết hợp các dịch vụ kỹ thuật số mới xung quanh các thiết bị gia dụng và máy móc của nhà máy, biến chúng thành những sản phẩm "thông minh" của tương lai.
Các công ty hàng tiêu dùng, nơi sản xuất các sản phẩm có mặt tại các cửa hàng tạp hóa và cửa hàng bán lẻ, cũng đang tái cấu trúc mình bằng các công nghệ mới, từ các công cụ dọn dẹp bằng rô-bốt đến bao bì được cá nhân hóa do AI tạo ra. Và khi khả năng của AI phát triển, nó tạo ra cơ hội lớn cho cả những công ty lâu đời nhất.
Ông Tien Tzou cho biết điều này thực sự đang xảy ra ở Zuora - công ty ông sáng lập. Doanh nghiệp này cung cấp dịch vụ giúp các công ty khác kiếm tiền từ các dịch vụ kỹ thuật số của họ. Theo ông, Zoura đang chứng kiến sự chuyển đổi kỹ thuật số trong thời gian thực. Ngày nay, phần lớn khách hàng của Zoura thường không làm việc trong ngành công nghệ và họ đang quay cuồng với các dự án mới.
Hiện tại, tất cả các công ty đều là công ty công nghệ và tất cả họ đều muốn thấy doanh thu định kỳ tăng trưởng dựa trên những nền tảng kỹ thuật số được ứng dụng, điều đó có nghĩa là họ cần những kỹ sư thông minh, tài năng.
Chẳng hạn, John Deere đang sử dụng vệ tinh, AI và phân tích dữ liệu trong hoạt động sản xuất thiết bị nông nghiệp của họ.
Arefin Nowshad, một kỹ sư khác của John Deere, cho biết: “Thật thú vị khi có thể nói chuyện với những khách hàng thực sự, làm việc trong lĩnh vực này và giải quyết các vấn đề thực tế. Sau khi làm việc ở những nơi như Tesla và Hulu, tôi cũng đang tìm kiếm một công ty ổn định, thân thiện với các ưu tiên rõ ràng cùng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống bền vững".
Hãng Philips đã cam kết sử dụng ứng dụng y tế từ xa (telehealth) để cải thiện cuộc sống của 2,5 tỉ người mỗi năm vào năm 2030. Ford đã đầu tư hàng tỉ USD để phát triển thế hệ pin EV tiếp theo. Nike đang xây dựng một trung tâm công nghệ mới ở Atlanta để tập trung vào chuỗi cung ứng và AI. Và có rất nhiều công ty tham gia vào việc khám phá không gian.
Theo Business Insider
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu