Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là thị trường trọng tâm của Apple. Sức mua của thị trường Trung Quốc đã giúp Apple đi lên, trở thành công ty có giá trị nhất thế giới.
Mặc dù Trung Quốc vẫn là miếng bánh khổng lồ của Apple, nhưng chiều hướng đi xuống của thị phần cộng với những rủi ro về dịch bệnh cũng như nguồn cung trong thời gian vừa qua đã khiến Apple phải tìm đến các thị trường mới.
Hôm 18/5 vừa qua, Apple đã khai trương cửa hàng online chính thức của mình tại Việt Nam. Trước đó, vào tháng 4, Apple đã khai trương cửa hàng vật lý đầu tiên tại Ấn Độ. Điều này cho thấy tầm quan trọng của các thị trường mới nổi đối với nhà sản xuất iPhone.
Các thị trường như Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ đang trở nên quan trọng hơn với Apple khi tốc độ tăng trưởng doanh thu ở các thị trường lớn, trong đó có Trung Quốc đang chậm lại.
Apple đã không âm thầm ra mắt cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam. Chính CEO Apple, ông Tim Cook đã vui mừng loan tin trên Twitter rằng: “Cửa hàng Apple online đã chính thức mở cửa tại Việt Nam hôm nay. Chúng tôi vui mừng được mang đến những sản phẩm tốt nhất của Apple tới nhiều khách hàng hơn trên toàn thế giới”.
Trước đó ông Deirdre O'Brien, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách Bán lẻ của Apple cũng đã có dòng tweet thông báo về việc mở một cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam: "Khách hàng luôn là trung tâm trong mọi việc chúng tôi làm, và chúng tôi rất vui mừng được mang Apple Store trực tuyến đến Việt Nam".
Ông O'Brien còn viết thêm: "Với sự mở rộng ngày nay, chúng tôi tự hào mang đến cho khách hàng một cách mới để khám phá và mua sắm các sản phẩm dịch vụ tuyệt vời, kết nối với các chuyên gia và trải nghiệm những điều tốt nhất của Apple".
Giám đốc điều hành Tim Cook của Apple đã từng chỉ ra triển vọng của công ty tại các nền kinh tế mới nổi, gọi đó là những điểm sáng trong kết quả tài chính của công ty. Trong một cuộc họp các lãnh đạo Apple về doanh thu vào đầu tháng này, Tim Cook nói rằng ông “đặc biệt hài lòng” với hiệu suất tại các thị trường mới nổi trong 3 tháng đầu năm.
Doanh thu tại các thị trường mới nổi có thể coi là điểm sáng, nhưng tổng doanh thu hàng quý trên toàn thế giới của Apple lại đang sụt giảm lần thứ hai liên tiếp.
Nhận định về điều này, nhà phân tích Daniel Ives của hãng Wedbush Securities nói: “Rõ ràng, tốc độ tăng trưởng của Apple trên toàn cầu đã chậm lại và điều đó gây thêm áp lực khiến Apple phải tích cực theo đuổi các thị trường mới nổi”.
Những “siêu thị trường”
Nhà phân tích Daniel Ives dự đoán rằng trong những năm tới, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ sẽ cung cấp những miếng bánh lớn hơn cho Apple.
Thông thường, Apple sẽ hiện diện tại các thị trường mục tiêu bằng một cửa hàng trực tuyến, sau đó sẽ mở cửa hàng vật lý. Điều này đã đúng với Ấn Độ, khi Apple mở cửa hàng vật lý đầu tiên tại khu Jio World Drive Mall ở Mumbai sau khi ra mắt cửa hàng trực tuyến hồi năm 2020.
Nếu đúng trình tự như vậy, Indonesia và Việt Nam sẽ là những địa điểm tiếp theo Apple sẽ mở cửa hàng vật lý. Hiện tại ở Đông Nam Á, Apple mới có 2 cửa hàng đặt tại Singapore và Thái Lan.
Theo nhà phân tích Chiew Le Xuan của hãng Canalys, buổi ra mắt cửa hàng trực tuyến của Apple tại Việt Nam cho thấy Apple đang “củng cố hơn nữa” sự hiện diện của mình tại các thị trường mới nổi thông qua việc ra mắt cửa hàng trực tuyến hoặc vật lý, tăng cường phân phối và tăng cường mạng lưới đại lý ủy quyền.
Sức mua của người tiêu dùng ở khu vực Đông Nam Á rất hứa hẹn, khi mà số lượng các hộ gia đình có mức thu nhập trung bình và khá giả ở Việt Nam, Indonesia và Philippines dự kiến tăng 5% mỗi năm.
Hãng tư vấn Boston Consulting Group gọi các thị trường này là “siêu thị trường tiếp theo” của Apple. Trong khi đó, nhà phân tích Daniel Ives nói rằng “Đây là cơ hội vàng cho Apple”.
Có dễ dàng tăng trưởng?
Trong nhiều năm qua, Apple đã lựa chọn phân khúc cao cấp cho các sản phẩm của mình, vì thế không phải mọi người tiêu dùng đều có thể tiếp cận với các mẫu iPhone đời mới.
Những mẫu iPhone mới có mức giá từ 470 USD đến 1.100 USD, ở thị trường Việt Nam khoảng từ 18 triệu cho tới 35 triệu đồng, khá đắt đỏ so với người tiêu dùng Việt Nam nói riêng và người tiêu dùng Đông Nam Á nói chung. Sức mua của người dùng Việt tập trung chủ yếu ở các mẫu điện thoại dưới 200 USD – dưới 4,5 triệu đồng.
Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường IDC, doanh số điện thoại thông minh tại Việt Nam năm 2022 đạt 13,4 triệu máy, giảm 15,6% so với năm 2021. Về thị phần, Samsung dẫn đầu với 36,6%. Đứng thứ hai là Oppo (20,4%) và thứ ba là Xiaomi (14,8%). Apple chỉ đứng thứ tư với thị phần tương ứng là 13,1%.
Ở Indonesia, một quốc gia cũng được coi là “siêu thị trường tiếp theo” của Apple, thị phần nhà sản xuất điện thoại iPhone chỉ ở mức trên 1%.
Apple cũng sẽ gặp phải những rào cản khác. Chẳng hạn một số quốc gia đang đặt ra những yêu cầu về nội địa hóa đối với sản phẩm nước ngoài. Ví dụ, Indonesia yêu cầu ít nhất 35% linh kiện điện tử trong một sản phẩm bán ra ở quốc đảo này phải được sản xuất tại địa phương.
Còn tại Việt Nam, những cạnh tranh gay gắt về giá đã khiến mẫu iPhone 14 Pro Max liên tục lập đáy mới. Nếu như trước đây giá iPhone ở các đại lý có thể chênh nhau tới vài triệu đồng thì hiện tại mức giá đã được kéo xuống mức thấp nhất, khiến cho giá ở các đại lý gần như ngang nhau.
Việc Apple mở thêm cửa hàng trực tuyến ở Việt Nam, một số thương gia đánh giá Apple cũng không “ngon ăn”. Cửa hàng trực tuyến không đem lại trải nghiệm cho khách hàng, cũng như thiếu sự tư vấn từ các nhân viên bán hàng. Ngoài ra, nhiều khách hàng Việt thường mua iPhone dưới hình thức trả góp, không thuận tiện khi mua trực tuyến.
Nhà phân tích Daniel Ives cho rằng Apple có thể mở rộng hệ sinh thái của mình tại các thị trường mới nổi bằng cách áp dụng các chính sách đã từng thực hiện tại Trung Quốc, tức là cố gắng thu hút khách hàng thông qua các chiến lược định giá khác nhau. Khi người dùng chuyển sang hệ sinh thái iOS, họ sẽ có xu hướng trung thành với với nhãn hàng.
Tuy nhiên, ông Ives cũng thừa nhận mức giá cao của iPhone khiến “tăng trưởng sẽ rất khó khăn”.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu