12 tờ trình đã được chuẩn bị sẵn để xin ý kiến Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) SSN xem xét, thông qua. Đó đều là những nội dung hệ trọng và mang tính quyết định cho chặng đường phát triển sắp tới của công ty.
Chẳng hạn như các dự án kinh doanh lớn: Hợp tác đầu tư phát triển dự án số 6 Phạm Phú Thứ, quận Tân Bình; Mua nhà và diện tích đất tương ứng của tầng trệt, lửng, lầu 5, 6, 8 tại số 49 Pasteur và số 87 Hàm Nghi, quận 1; Hợp đồng hợp tác đầu tư trị giá 500 tỷ đồng với CTCP Thương mại Dịch vụ và Xây dựng (Traseco) để tiếp tục phát triển dự án Centa Park tại 678 Âu Cơ, quận Tân Bình; Bán cổ phần tại CTCP Thương mại và Du lịch Sài Gòn (SPCo).
Hoặc là kế hoạch kiện toàn nhân sự cấp cao (miễn nhiệm và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị); Củng cố tiềm lực tài chính (tăng vốn điều lệ);…
Đặc biệt, tại đại hội này, Seaprodex Sai Gon sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh. Có nghĩa, nếu được thông qua, cổ phiếu SSN sẽ lên sàn HoSE và sẵn sàng tham gia những cuộc chơi tài chính.
Lịch sử phát triển và những chuyển động xung quanh Seaprodex Sai Gon hứa hẹn rằng, đây sẽ là một kế hoạch dày công và nhiều tham vọng.
Từ quốc doanh đến cổ phần
Tiền thân của SNN là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Tp.Hồ Chí Minh, được thành lập theo Quyết định số 11.3/TS-QĐ ngày 11/03/1992 của Bộ trưởng Bộ Thủy sản, trực thuộc Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Seaprodex và trên cơ sở hợp nhất, tổ chức lại ba đơn vị: Trung tâm Thương mại Xuất nhập khẩu Thủy sản; Công ty Kho vận; Công ty Vận tải biển.
Ngày 31/03/1993, cơ quan quản lý đã ban hành Quyết định số 243TS/QĐ-TC về việc thành lập lại doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Thủy sản Tp.Hồ Chí Minh với tên gọi là Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Tp.Hồ Chí Minh.
Ngày 08/08/2006, Bộ Thủy sản Việt Nam ra Quyết định số 604/QĐ-BTS phê duyệt phương án chuyển Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Tp.Hồ Chí Minh – đơn vị kinh tế quốc doanh trực thuộc Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) thành công ty cổ phần với tên gọi là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn, vốn điều lệ là 96 tỷ đồng.
Theo Giấy CNĐKKD số 4103005673 đăng ký lần đầu ngày 07/12/2006 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.Hồ Chí Minh cấp, danh sách cổ đông sáng lập của Seaprodex Sai Gon gồm Seaprodex, Cao Thị Quế Anh, Trần Văn Hạnh và 466 cổ đông khác.
Trong đó, quy mô sở hữu của Nhà nước (thông qua Seaprodex) là 5.858.500 cổ phần, tương ứng tỷ lệ 61,03%,.
Quy mô vốn của Seaprodex Sai Gon ổn định ở mức 96 tỷ đồng cho đến nhiều năm sau, và mức độ sở hữu của nhà nước tiếp tục được duy trì ở 61,03%.
Nhưng nói thế không có nghĩa là cơ cấu sở hữu ở doanh nghiệp này không có biến động gì. Các biến động nằm ở khu vực cổ đông thể nhân, nhỏ lẻ. Bắt đầu xuất hiện các cổ đông lớn sở hữu Seaprodex SaiGon, bên cạnh cổ đông Nhà nước.
Cập nhật đến ngày 23/08/2013, danh sách cổ đông lớn (nắm giữ từ trên 5% vốn cổ phần) của công ty này đã có 4 cái tên, nắm giữ tổng cộng 82,90% cổ phần. Ngoài Seaprodex (61,03%), còn CTCP Thanh Niên (7,36%), Võ Thị Thủy (7,29%), Nguyễn Thị Tuyết Sương (7,22%). Lưu ý, Seaprodex và CTCP Thanh Niên là hai cổ đông tổ chức duy nhất lúc đó của SSN; 31,4% cổ phần còn lại thuộc về các cổ đông cá nhân.
Bước ngoặt 2013
Trong lịch sử phát triển của SSN, năm 2013 có thể coi là một mốc thời gian có tính bước ngoặt.
Dễ nhìn thấy nhất là sự thay đổi sâu sắc trong cơ cấu lãnh đạo thượng tầng. Ngày 29/05/2013, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2013, SSN thực hiện thay 4/5 thành viên HĐQT: Miễn nhiệm ông Trần Văn Hạnh (Chủ tịch), ông Nguyễn Duy Dũng, ông Lê Văn Mạnh, bà Trần Thị Minh Nga; Đồng thời, bổ sung 4 nhân sự khác để trám chỗ, là bà Bùi Thị Phương Thảo (Chủ tịch), ông Mai Xuân Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn, ông Nguyễn Văn Liêm.
Khi này, nhân sự duy nhất trụ lại là ông Huỳnh Quang Thanh. Song đến ngày 24/01/2014, tại phiên ĐHĐCĐ bất thường (vốn được lên kế hoạch và dự kiến tổ chức trong năm 2013), SSN miễn nhiệm nốt ông Thanh. Hơn thế nữa, SSN còn bất ngờ thông qua việc miễn nhiệm 3 nhân sự mới được bầu bổ sung cách đó mấy tháng, là bà Bùi Thị Phương Thảo, ông Mai Xuân Phong, ông Nguyễn Anh Tuấn. 4 người ra đi để nhường chỗ cho 2 người mới: ông Nguyễn Ngọc Toàn và ông Nguyễn Xuân Toàn. Đại hội bất thường này cũng thông qua việc sửa đổi nhiều nội dung quan trọng trong Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty.
Trong cơn biến động trên, người duy nhất còn trụ lại là ông Nguyễn Văn Liêm. Không những thế, từ ngày 11/12/2013, vị doanh nhân quê Bình Định còn chính thức thay thế bà Bùi Thị Phương Thảo đảm nhận cương vị Chủ tịch HĐQT SSN.
Cơ cấu quản trị SSN được thay máu triệt để trong ít tháng. Và câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Ban Kiểm soát. Bà Lê Thị Minh Liên, bà Trần Việt Hà, ông Trương Văn Toa từ nhiệm để nhường chỗ cho các tân nhân sự: bà Lê Thị Diệu Phú, ông Nguyễn Thanh Quốc và ông Vũ Cao Trung.
Một sự kiện quan trọng cũng cần được nhắc tới trong năm 2013, đó là vào ngày 15/10, 9,6 triệu cổ phiếu SSN chính thức lên UPCoM và có phiên giao dịch đầu tiên. Đây có thể coi như một kết quả của những biến đổi sâu sắc bên trong lòng doanh nghiệp và cũng là tiền đề cho nhiều kế hoạch phát triển về sau.
Càng không thể không nhắc tới, câu chuyện thoái vốn của cổ đông nhà nước tại SSN, yếu tố mang tính quyết định và căn gốc cho những điều chỉnh thứ cấp khác.
Theo Nghị quyết phiên họp thứ 10 ngày 10/12/2013 của HĐQT SSN, thời điểm bàn giao được thống nhất là ngày 30/11/2013. Có nghĩa, từ ngày này, Nhà nước không còn giữ vốn tại doanh nghiệp; Seaprodex không còn quan hệ sở hữu đối với Seaprodex Sài Gòn; 96 tỷ đồng vốn điều lệ của SSN được tư nhân hóa triệt để.
Mức giá chuyển nhượng cho thương vụ thoái vốn này, theo thông tin trên một số kênh truyền thông, được xác định ở mức 10.500 đồng/cổ phần.
Năm 2013, trong số các giao dịch của SSN, có một giao dịch đáng chú ý, liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản. Theo đó, ngày 12/09/2013, HĐQT SSN đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-HĐQT/2013, quyết nghị thông qua nội dung chuyển nhượng tài sản tại số 200 Điện Biên Phủ, Quận 3, TP. HCM, bằng phương thức đấu giá công khai, với giá chuyển nhượng khởi điểm là 108 tỷ đồng.
Chưa rõ kết quả thực tế của thương vụ này ra sao. Chỉ biết, theo báo cáo năm 2013 của SSN thì trong năm, công ty đã chuyển nhượng quyền sử dụng của 678.6 m2 đất tại số 200 Điện Biên Phủ, phường 7, quận 3, Tp. HCM. Lô đất có thời hạn sử dụng 50 năm kể từ ngày 17/12/2007 và SSN được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 03/11/2008. Báo cáo tài chính cho biết, năm 2013, SSN bất ngờ có khoản thu nhập khác lên tới 114,7 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng tài sản cố định.
Công bằng mà nói, đó là mức giá không quá tệ, đối với một doanh nghiệp thua lỗ triền miên như Seaprodex Sai Gon.
Cập nhật tại 31/12/2013, tuy có vốn điều lệ 96 tỷ đồng nhưng giá trị vốn chủ sở hữu của SSN chỉ là 61,4 tỷ đồng; bởi công ty đang có một khoản lỗ lũy kế 35,5 tỷ đồng. Về kết quả hoạt động kinh doanh, năm 2013, SSN lỗ ròng 12,7 tỷ đồng; Đáng nói là trong năm này, công ty đã bất ngờ có khoản lợi nhuận khác lên tới 34,7 tỷ đồng. Trước đó, năm 2012, SSN lỗ ròng 23,6 tỷ đồng.
Tất nhiên, giống với đặc điểm của nhiều doanh nghiệp có nguồn gốc quốc doanh, sẽ là không đầy đủ nếu đánh giá về SSN mà chỉ nhìn vào những con số thống kê lãi lỗ mà bỏ qua tiềm năng to lớn từ các lô đất mà doanh nghiệp này đang quản lý, sử dụng.
Thực tế, đến thời điểm hiện tại, bất động sản đang là một trong những kênh đầu tư trọng tâm và chính yếu của SSN. Chứ không phải là lĩnh vực truyền thống, đã làm nên thương hiệu Seaprodex Sai Gon là xuất nhập khẩu và kinh doanh sản phẩm thủy sản!
Để tìm hiểu về sự xoay trục trên của SSN cần thiết phải đặt nó trong một hệ sinh thái doanh nghiệp, với sứ mệnh mà các ông chủ mới đang kỳ vọng ở nó.
Nhắc lại rằng, tại phiên đại hội diễn ra vào sáng mai (01/06), các cổ đông của Seaprodex Sai Gon sẽ cho ý kiến về kế hoạch đưa cổ phiếu SSN lên HoSE!