Cộng đồng tình báo Mỹ đặt Trung Quốc lên “top” danh sách mối đe dọa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Cộng đồng tình báo Mỹ đã đặt Trung Quốc lên đầu bảng trong bản báo cáo thường niên về những mối đe dọa an ninh quốc gia.
Sĩ quan trên tàu USS Mustin theo dõi tàu Trung Quốc trên biển Hoa Đông ngày 4/4 (Ảnh: US Navy)
Sĩ quan trên tàu USS Mustin theo dõi tàu Trung Quốc trên biển Hoa Đông ngày 4/4 (Ảnh: US Navy)

Bản báo cáo mới được công bố cũng đưa ra cảnh báo về nỗ lực của chính quyền Bắc Kinh trong việc nhận thức “sự chuyển biến địa-chính trị mở ra một kỷ nguyên mới”, tăng cường các hoạt động trên không và trên biển ở khu vực châu Á với ý định áp đặt quyền kiểm soát của họ ở nhiều khu vực tranh chấp.

“Bắc Kinh đang tăng cường kết hợp sức mạnh quân sự đang lên với nền kinh tế, công nghệ và ngoại giao của họ để củng cố chính quyền, bảo vệ cái mà họ coi là lãnh thổ của mình và sự vượt trội trong khu vực, theo đuổi hợp tác quốc tế trong khi gây bất lợi cho Mỹ” – bản báo cáo được công bố hồi tuần trước, và vừa được giải mật hôm 13/4, có đoạn.

Bản Đánh giá Mối đe dọa Thường niên của công đồng Tình báo Mỹ, được Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia (ODNI) công bố, mở đầu bằng mục có tên “Trung Quốc theo đuổi sức mạnh toàn cầu”, tiếp sau là 3 mục khác mô tả về “những hành động khiêu khích” của Nga, Iran và Triều Tiên, trước khi chuyển tới các vấn đề quốc tế như COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Ở Biển Đông và biển Hoa Đông, Bắc Kinh “sẽ sử dụng số lượng tăng dần các nền tảng thực thi luật trên biển, hàng không và hàng hải” nhằm chỉ cho Nhật Bản và các nước Đông Nam Á rằng họ quản lý hiệu quả các khu vực tranh chấp; báo cáo đưa ra cảnh báo.

“Chúng tôi dự đoán rằng PLA (quân đội Trung Quốc) sẽ tiếp tục theo đuổi việc xây dựng cơ sở và thỏa thuận quân sự ở nước ngoài nhằm tăng cường khả năng triển khai sức mạnh của họ” – báo cáo viết, thêm rằng “các hệ thống tầm trung, tầm ngắn có độ chính xác cao của PLA có khả năng đặt các căn cứ của Mỹ và các đồng minh trong khu vực vào chỗ rủi ro”.

Báo cáo này được công bố sau khi Bắc Kinh và Washington ồ ạt triển khai các nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm tới khu vực, mà phần lớn trong số này đều có tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Các nhóm tàu này được dẫn đầu bởi tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt và tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, giữa lúc căng thẳng tăng nhiệt ở khu vực gần Philippines và Đài Loan.

ODNI, giờ đặt dưới sự dẫn dắt của bà Avril Haines trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, đã bắt đầu đưa ra những động thái mới sau khi người tiền nhiệm của bà là ông John Ratcliffe rời khỏi.

Tháng 12/2020, ông Ratcliffe từng có bài viết đăng tải trên tờ The Wall Street Journal nói rằng Trung Quốc “gây ra mối đe dọa lớn nhất đối với nước Mỹ ở thời điểm hiện tại, và mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ, tự do trên toàn thế giới, kể từ Thế chiến II”.

Sự khác nhau rõ rệt trong vị trí của mục Trung Quốc trong bản đánh giá năm 2019 (trái) và đánh giá năm 2021 (phải) (Ảnh: SCMP)

Sự khác nhau rõ rệt trong vị trí của mục Trung Quốc trong bản đánh giá năm 2019 (trái) và đánh giá năm 2021 (phải) (Ảnh: SCMP)

Bình luận mà ông Ratcliffe từng đưa ra, cùng với bản báo cáo tình báo mới nhất, đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong thái độ của cộng đồng tình báo Mỹ đối với Trung Quốc.

Bản đánh giá về mối đe dọa gần đây nhất, công bố trong tháng 1/2019, thời mà ông Dan Coats còn là Giám đốc Tình báo Quốc gia, có bao gồm mục “Trung Quốc và Nga” nhưng chỉ được đặt ở phần giữa của tài liệu này, ngay dưới tiêu đề “những mối đe dọa khu vực”.

Bà Haines sẽ cùng với người đứng đầu các cơ quan khác – FBI, CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia – tham gia vào các phiên điều trần của Ủy ban Tình báo Thượng viện, Hạ viện liên quan tới “những mối đe dọa toàn cầu” trong hôm 14/4 và 15/4.

Washington và Bắc Kinh hiện đang trong tư thế đối đầu căng thẳng. Cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức – tại Anchorage, Alaska hồi tháng trước – đã nhanh chóng trở thành cuộc cãi vã, trước khi hai bên nhượng bộ và đưa ra một số ít vấn đề có thể hợp tác được.

Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ chỉ đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở ngang bằng và cảnh báo rằng Mỹ đừng hy vọng sẽ có tiếng nói cuối cùng về các vấn đề toàn cầu.

“Cánh cửa đối thoại với Trung Quốc vẫn mở. Nhưng đối thoại nên được thực hiện trên cơ sở ngang bằng và tôn trọng lẫn nhau” – ông nói.