Cổ tức bằng cổ phiếu: Lợi hay “tức”?

Có lẽ nhiều người sẽ ngạc nhiên khi câu trả lời là không có ai được lợi, nếu không muốn nói thẳng là nhà đầu tư sẽ bị thiệt khi phải nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Vấn đề lại không riêng với nhà đầu tư... Tại sao?
Nhà đầu tư còn có thể bị thiệt khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong các trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá. Ảnh minh họa, Tuệ Doanh.
Nhà đầu tư còn có thể bị thiệt khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong các trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá. Ảnh minh họa, Tuệ Doanh.

Trước tiên, vào ngày không hưởng quyền (ex-date) để trả cổ tức bằng cổ phiếu, thị trường sẽ điều chỉnh giảm một khoản tương ứng với tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Chẳng hạn, một công ty công bố tỷ lệ trả cổ tức bằng cổ phiếu là 25%, và giá cổ phiếu đó trước ngày “ex-date” là 20.000 đồng, thì sau khi được khử loãng vào ngày ex-date giá này sẽ chỉ còn 16.000 đồng. Bù lại cứ mỗi cổ phiếu đang sở hữu sẽ được nhận thêm 0,25 cổ phiếu mới. Cụ thể, nếu nhà đầu tư sở hữu 100 cổ phiếu liền trước ex-date thì vào ngày ex-date họ sẽ có 125 cổ phiếu mới...

Tuy số cổ phiếu có tăng lên, tổng giá trị tài sản của nhà đầu tư trước và sau sự kiện không thay đổi: 100 cổ phiếu cũ giá 20.000 và 125 cổ phiếu mới giá 16.000 đều bằng 2 triệu đồng. Nhưng điều đáng nói (và cần lưu ý) là trong số 125 cổ phiếu kia có 25 cổ phiếu sẽ bị ẩn dưới sàn (bị “lọt sàn”) một thời gian không xác định. Nhà đầu tư không có khả năng định đoạt 25 cổ phiếu này cho đến khi chúng được niêm yết và ghi nhận vào tài khoản giao dịch của mình. Nói khác đi, từ ngày ex-date cho tới trước ngày niêm yết bổ sung, nhà đầu tư chỉ thực sự sở hữu và có khả năng định đoạt chỉ 100 cổ phiếu với giá sau điều chỉnh là 16.000 đồng. Vấn đề nó nằm ở đây.

Thời gian qua khuynh hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu ở ta lại có vẻ phổ biến, nhiều trường hợp tỏ ra thái quá đến gần như lạm dụng, khiến cho tài sản nhà đầu tư bị mất oan mà họ không hay biết.

Thứ nhất, do không có quyền định đoạt và hoàn toàn bị động, nhà đầu tư mặc nhiên đứng trước rủi ro về cơ hội. Bởi, ngoài việc bị “tạm giam” một phần tài sản, họ có thể còn chịu thiệt với số cổ phiếu bị giam kia trong điều kiện giá xuống. Điều này sẽ không xảy ra với hình thức trả cổ tức bằng tiền mặt, là cách nhà đầu tư có một khoản tiền tươi bỏ túi cụ thể. Và, mặc dù việc điều chỉnh giá vào ngày ex-date để trả cổ tức bằng cổ phiếu là cách khử loãng như chiết tách, điều này (việc cổ phiếu bị lọt sàn) cũng không xảy ra với hoạt động chiết tách. Hơn nữa, chiết tách (split) là động tác thị trường thiên về thủ thuật (hiểu theo nghĩa tích cực) nhằm khuyến khích giao dịch nên dễ có xu hướng giá lên. Trong khi đó, việc trả cổ tức bằng cổ phiếu thường là do doanh nghiệp “túng thiếu” nên giá dễ bị giảm, ngoại trừ một ít trường hợp rất đặc biệt...

Thứ hai, nhà đầu tư còn có thể bị thiệt nhãn tiền khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu trong các trường hợp cổ phiếu đang được giao dịch dưới mệnh giá, nhưng giá áp dụng cho cổ phiếu trả cổ tức thì vẫn cứ bằng mệnh giá. Mệnh giá tại Việt Nam lại bị chốt cứng 10.000 đồng, nên nói khác đi, nhà đầu tư mặc nhiên “bị ép” phải nhận cổ phiếu với giá cao hơn giá thời điểm. Trường hợp SHB trả cổ tức bằng cổ phiếu 7% vào tháng 8-2015 lúc giá cổ phiếu này ở khoảng 8.000 đồng là một ví dụ. Bất hợp lý này liên quan đến việc quy định mệnh giá cứng và vấn đề vốn điều lệ ở ta.

Thứ ba là vấn đề thuế. Đã đành thuế cổ tức theo luật là 5% trên số tiền thực nhận. Điều này không có gì phải bàn đối với hình thức trả cổ tức tiền mặt, là trường hợp “tiền trao cháo múc”, nhà đầu tư nhận bao nhiêu sẽ chịu thuế bấy nhiêu. Với cổ tức bằng cổ phiếu thì khác... Không cần biết anh nhận bao nhiêu, được mất thế nào, ngay cả trường hợp dưới mệnh giá, anh vẫn phải đóng thuế 500 đồng (5% trên 10.000) cho mỗi cổ phiếu cổ tức. Đây là cách xử lý bất công với nhà đầu tư. Bởi thực ra cổ tức cổ phiếu chỉ là thứ danh nghĩa, và sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi nó được quy ra tiền trong tình trạng lỗ, lại có thể bị lỗ nhiều tầng: Lỗ từ khi nhận, lỗ khi bán, lỗ từ thuế thu nhập cứng, lỗ thuế giao dịch và lỗ phí môi giới.

Trường hợp cổ phiếu đang giao dịch dưới mệnh giá thì khoản lợi nhuận giữ lại (retained earning)tại doanh nghiệp cũng sẽ bị mất oan một khoản không nhỏ, do căn cứ để điều chỉnh (điều chuyển qua vốn góp) trên sổ sách phải bằng mệnh giá 10.000 đồng.

Thị trường cũng không tránh khỏi mất mát. Cụ thể, việc cắt giá xuống theo tỷ lệ loãng giá cùng lúc với tỷ lệ cổ phiếu bị lọt sàn sẽ làm cho chỉ số giá thị trường bị giảm điểm. Giá cổ phiếu và chỉ số giá thị trường sẽ bị giảm càng nhiều khi tỷ lệ trả cổ tức càng cao, đặc biệt là với các mã có vốn hóa lớn và giá đang cao. Vấn đề ở đây là, trong khi phương thức điều chỉnh giá được áp dụng như chiết tách thì các nghiệp vụ khác không diễn ra như hoạt động chiết tách.

Cách làm chưa đồng bộ và không tương thích lâu nay do vậy đã biến một mảng việc không mới thành vấn đề thiếu lý giải, kém thuyết phục, ảnh hưởng xấu cho cả thị trường.

Thời gian qua khuynh hướng trả cổ tức bằng cổ phiếu ở ta lại có vẻ phổ biến, nhiều trường hợp tỏ ra thái quá đến gần như lạm dụng. Cách xử lý nghiệp vụ lại máy móc, chiếu lệ, đúng quy trình nhưng đơn điệu, đơn giản, thiếu nghiên cứu các khía cạnh đặc thù liên quan đến quy chuẩn kỹ thuật... Tất cả đã vô tình làm cho tài sản nhà đầu tư bị mất oan mà họ không hay biết. Và nay dù họ biết thì chuyện cũng đã rồi, không biết kêu ai...

Riêng về mặt thuế, do việc trả cổ tức bằng cổ phiếu có đặc điểm trung tính do tiền không ra khỏi doanh nghiệp và cổ đông cũng không nhận về khoản nào (không là hình thức giải tư - withdrawal) nên cổ tức cổ phiếu không thể bị đánh thuế. Đây là lợi ích cốt lõi của việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu đánh thuế thì hình thức này chẳng còn ý nghĩa gì. Tuy nhiên, theo cách làm của một số nơi trên thế giới, nếu đợt trả có thêm tùy chọn giữa cổ phiếu hoặc tiền mặt (optional) thì sẽ bị đánh thuế cả hai, cho dù nhà đầu tư chỉ chọn cách nhận cổ phiếu.

Như vậy, cổ tức tưởng cơm gạo đã lặng lẽ gặm nhấm thị trường, cụ thể hơn đã ‘cắn’ vào tài sản nhà đầu tư. Đáng tiếc, vấn đề ở ta lại đã như một nề nếp khó ngờ, nên chẳng mấy ai quan tâm, không ai để ý, cho dù tất cả đang cùng ngậm bồ hòn... chịu thiệt.

(*)  Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC

Theo TBKTSG