Người trung niên khó xin việc hơn người trẻ tuổi (ảnh: better.net)
Người trung niên khó xin việc hơn người trẻ tuổi (ảnh: better.net)

E-magazine Có phải những người trung niên khó kiếm việc làm hơn người trẻ?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sự phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc đang trở thành mối quan tâm nhức nhối của rất nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là trong thời kỳ đại dịch, nhóm người trung tuổi càng dễ bị tổn thương. 

Nỗi lo việc làm của người trung niên

Mới đây, một người trung niên 48 tuổi xin việc ở Thượng Hải đã khiến mạng xã hội xôn xao khi gửi một bức thư cho chính phủ.

Người này cho biết ông có bằng đại học chính quy, từng làm việc cho công ty nước ngoài nổi tiếng và khả năng kinh doanh xuất sắc. Tuy nhiên, ông đang gặp trở ngại khắp nơi trong quá trình tìm việc do vấn đề phân biệt tuổi tác.

"Mọi người đều có khả năng nhưng không có cách nào để phục vụ đất nước, trong khi đó, họ phải gánh vác trách nhiệm gia đình, chăm già nuôi trẻ", ông nói trong bức thư.

Tình trạng này không phải là hiếm, sự phân biệt tuổi tác tại nơi làm việc mà những người trung niên phải trải qua ở khắp mọi nơi và lặp lại với nhiều phiên bản khác nhau mỗi ngày.

Một nhà nhân sự nổi tiếng từng nói: "Nếu một người thất nghiệp ở tuổi 35 nộp hồ sơ để tìm việc, công ty sẽ suy xét cẩn trọng trên nhiều khía cạnh bên ngoài năng lực, và rất có thể sẽ họ không được tuyển dụng..."

Mặc dù quan điểm này có phần chung chung, nhưng nó vẫn cho thấy tình trạng khó xử của các người lao động tuổi trung niên. Sếp lo lắng rằng nhân viên trên 35 tuổi không năng động và kém hiệu quả; nhân viên trẻ không thích nhân viên trên 35 tuổi vì sợ họ bảo thủ và thiếu đổi mới.

Hơn nữa, sau 35 tuổi, rủi ro về sức khỏe, áp lực kinh tế, mâu thuẫn gia đình,… đều tăng mạnh.

Vào ngày 6/4/2021, Chủ tịch You Wei của công ty bất động sản Zhuzhou Zhongwei được chẩn đoán mắc chứng thiếu máu cục bộ cơ tim, ông từ chối nhập viện vì tự tin rằng mình có sức khỏe tốt.

Điều đáng nói là ông đã từng tâm sự sau khi đi khám bệnh rằng: "Tiền chưa tiêu hết, làm ăn chưa xong, con cái còn nhỏ, vợ vẫn còn trẻ, ông trời sao có thể đưa tôi đi chứ".

Mặc dù ông thể hiện thái độ bình tĩnh, nhưng có thể thấy qua các cuộc phỏng vấn trên phương tiện truyền thông rằng ngành nghề và công việc của ông ấy sẽ bị ảnh hưởng nếu ông phải nhập viện.

Những người trung niên đi làm đã thế này còn những người trung niên khởi nghiệp cũng không khá hơn là bao. Zhu Xiaohu, một nhà đầu tư tại Jinshajiang Venture Capital, từng nói rằng thế hệ trước những năm 1970 đã mất cơ hội đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng Internet.

Yue Jianxiong, Phó Chủ tịch của Phoenix.com, từng nói thẳng rằng lợi thế của người trẻ nằm ở chỗ nhanh chóng tiếp nhận cái mới và có động lực; các doanh nhân trung niên có thể bị mắc kẹt bởi nhiều yếu tố như gia đình, sự nghiệp, sức khỏe và họ bảo thủ hơn ở nơi làm việc. Tại sao những người trung tuổi ở nơi làm việc lại không được lòng mọi người?

Vấn đề tuổi tác tại nơi làm việc

Trên thực tế, không chỉ ở Trung Quốc, phân biệt tuổi tác đã trở thành một thách thức trên toàn thế giới.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa về phân biệt tuổi tác: phân chia mọi người dựa trên các yếu tố tuổi tác, từ đó dẫn đến bất lợi, tiến thoái lưỡng nan và đối xử bất công.

Có nhiều biểu hiện của phân biệt tuổi tác, chẳng hạn như thái độ định kiến, hành vi phân biệt đối xử và các chính sách và thể chế không công bằng.

Một cuộc khảo sát do Liên hợp quốc thực hiện tại 57 quốc gia trên thế giới cho thấy phân biệt tuổi tác đang là vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới và cứ hai người trong cuộc khảo sát thì có một người chịu sự phân biệt tuổi tác.

Báo cáo đề cập rằng phân biệt tuổi tác ảnh hưởng đến tất cả các khía cạnh của xã hội, gánh nặng y tế của quốc gia, cuộc sống và công việc bình thường của người trung niên và cao tuổi không thể được đảm bảo, bệnh tâm thần, tử vong và các vấn đề khác đang nổi lên và lan rộng.

Báo cáo này đặc biệt chỉ ra rằng trong thời kỳ đại dịch COVID-19, sự phân biệt tuổi tác đối với người trung niên và cao tuổi ở nhiều quốc gia ngày càng trở nên nghiêm trọng, và nhiều bi kịch đã xảy ra.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, người trung niên và cao tuổi, thuộc nhóm nguy cơ cao, không chỉ chịu sự phân biệt đối xử của xã hội, mà còn trở thành nạn nhân của hệ thống y tế Mỹ với hàng chục nghìn người cao tuổi đã chết trong viện dưỡng lão, và ngày càng nhiều người cao tuổi gặp khó khăn trong việc điều trị và chỉ có thể tự lo cho bản thân.

Bộ phim Đan Mạch đoạt giải Oscar 2021 "Another Round" (Thêm một chầu nữa nhé) kể về trải nghiệm của 4 giáo viên tuổi trung niên, họ không chịu nổi áp lực của xã hội, gia đình, công việc... nên đã chọn cách sử dụng rượu bia để giải tỏa tâm trạng. Bộ phim tái hiện sinh động hoàn cảnh của những người trung niên chịu nhiều áp lực như sa sút trí tuệ, suy giảm thể lực và mâu thuẫn gia đình.

Ảnh: Sina

Ảnh: Sina

Điều đáng chú ý là ở một số nước phát triển trong những năm gần đây, khi xu hướng già hóa gia tăng, sự phân biệt tuổi tác trong việc làm đã được cải thiện.

Ví dụ, trong những năm 1950 và 1960, United Airlines yêu cầu tiếp viên không quá 24. Ngày nay, tiếp viên hàng không trung tuổi của United Airlines khoảng 50 tuổi ở khắp mọi nơi. Lái xe taxi ở Nhật Bản từng là công việc dành cho những người trẻ tuổi và mạnh mẽ. Hiện nay, khi dân số già hóa của Nhật Bản ngày càng tăng, nhiều người già tóc bạc đang trở thành lực lượng chính trong ngành này.

Tuy nhiên, những thay đổi nêu trên chỉ là bề mặt nổi. Vấn đề phân biệt tuổi tác ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Trung Quốc.

Theo số liệu của cuộc điều tra dân số lần thứ bảy, độ tuổi trung bình của dân số Trung Quốc là 38,8 tuổi và sẽ đạt 49 tuổi vào cuối thế kỷ này, nhưng độ tuổi trung bình của mười công ty Internet hàng đầu ở Trung Quốc chỉ là 30 tuổi. Sự phân biệt tuổi tác đồng nghĩa với việc lãng phí nguồn nhân lực rất lớn.

Trong ngành công nghệ ở Trung Quốc, nhân viên từ 35 tuổi trở lên, không ở vị trí quản lý hoặc được trọng dụng, có nguy cơ bị sa thải cao qua các đợt cắt giảm nhân sự. Năm 2020, tập đoàn công nghệ Huawei gây tranh cãi khi sa thải khoảng 7.000 nhân viên, phần lớn trong đó khoảng 35 tuổi.

Matt Lin, lập trình viên 40 tuổi người Trung Quốc, cho biết không giống như bác sĩ và một số nghề càng có giá khi lớn tuổi, giá trị thị trường của lập trình viên có xu hướng giảm dần theo tuổi tác.

"Những công việc tốt đối với chúng tôi không còn liên quan tới lập trình nữa, mà là dẫn dắt nhóm nhân viên và một số nhiệm vụ khác ngày càng xa rời việc viết code", ông nói.

Mặc dù có những công ty ở Thung lũng Silicon có sự phân biệt tuổi tác nghiêm trọng, chẳng hạn như Amazon, nhưng họ vẫn có nhiều lập trình viên trên 50 tuổi, và phúc lợi tương đối đảm bảo.

Đánh giá từ các bình luận của cư dân mạng Trung Quốc, Thung lũng Silicon, nơi có ít phân biệt tuổi tác và người lao động có tuổi nghề lâu hơn, có vẻ được người lao động ưu ái hơn. Điều này cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho các ngành liên quan tại Trung Quốc.

Với sự thay đổi của thế hệ, những người trẻ tuổi đã trưởng thành quan tâm nhiều hơn đến sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc. Đặc biệt trong thời đại phân bổ nguồn nhân lực toàn cầu, nhân tài công nghệ cao là đối tượng cạnh tranh của tất cả các quốc gia. Nếu các công ty trong nước không giải quyết được vấn đề phân biệt tuổi tác thì việc chảy máu chất xám là điều dễ hiểu.

Sự phân biệt tuổi tác trong ngành Internet đồng nghĩa với việc người trung niên thất nghiệp trong ngắn hạn, về lâu dài, nó cũng sẽ tác động đến sự lựa chọn nghề nghiệp của giới trẻ vì nếu họ thất nghiệp ở độ tuổi 35, tại sao họ phải đi đến các thành phố đắt đỏ như Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu?

Nguyên nhân sâu xa của sự kém hiệu quả không nằm ở độ tuổi của nhân viên, mà là vấn đề quản trị công ty. Một nhân viên trung niên giỏi và đáng tin cậy có phải là gánh nặng hay nguồn lực của công ty hay không phụ thuộc vào cách công ty sử dụng họ.

Tuy nhiên, phân biệt tuổi tác là nỗi nhức nhối khó tránh khỏi trong quá trình phát triển kinh tế, để chống lại sự phân biệt đối xử độ tuổi ngoài 35 đòi hỏi sự chung sức của toàn xã hội.

Trước hết, các luật và quy định liên quan phải được thực hiện. Năm 2019, trong kế hoạch chuyển đổi chiến lược, IBM đã quyết định sa thải 100.000 nhân viên cũ. Các nhân viên cũ đã đệ đơn kiện IBM nhiều lần, cuối cùng IBM quyết định tạm dừng quyết định sa thải nhân viên. Alan Wild, cựu Phó Chủ tịch phụ trách nhân sự của IBM, tiết lộ rằng tập đoàn sa thải hơn 100.000 nhân viên trong vài năm qua để tỏ ra hấp dẫn hơn với giới trẻ. Người lao động thắng kiện IBM nhờ "Đạo luật Phân biệt Tuổi tác trong Việc làm" mà Mỹ ban hành vào năm 1967.

Thứ hai, doanh nghiệp phải có hệ thống bảo lãnh tương ứng. Ví dụ, các giáo sư lớn tuổi từ các doanh nghiệp nhà nước và các viện nghiên cứu chuyên nghiệp phần lớn đều được tái tuyển dụng sau khi nghỉ hưu tại doanh nghiệp.

Cuối cùng, toàn xã hội phải thoát khỏi tâm lý hoang mang về hưu lúc 35 tuổi. Người đàn ông Thượng Hải, người viết thư thất nghiệp cho chính phủ được đề cập ở đầu bài viết, sau đó đã tìm được việc làm theo sự giới thiệu của Trung tâm việc làm, nhưng "đã làm được một tháng và cảm thấy không phù hợp nên tôi đã nghỉ". Các nhóm tuổi khác nhau phải điều chỉnh vị trí và tâm lý của chính họ.

Dù ở độ tuổi nào, bạn cũng phải giữ vững tâm hồn lạc quan, tiếp tục học hỏi và điều chỉnh bản thân, luôn chuẩn bị cho mùa xuân thứ hai của sự nghiệp. Ví dụ, nhiều nhân viên trung niên đã từ chức tại các công ty Internet sau đó đã tham gia vào cộng đồng từ chức của các công ty này để chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau phát triển.

Không có công việc nào kéo dài một lần và mãi mãi. Chỉ bằng cách giữ bản thân có sức cạnh tranh, bạn mới có thể sống sót qua cuộc khủng hoảng tuổi trung niên một cách an toàn.

Mads Mikkelsen nổi bật trong dàn diễn viên của bộ phim Another Round
Mads Mikkelsen nổi bật trong dàn diễn viên của bộ phim Another Round

Cũng giống như chú Mads trong "Another Round", dù gặp bao bất hạnh của cuộc đời trung niên vẫn có thể tung hoành trong cuộc đời.

Liang Jianzhang khởi nghiệp Trip.com năm 30 tuổi, nghỉ hưu năm 35 tuổi và trở lại công việc ở tuổi 40. Điều này cho thấy tuổi tác không phải là vấn đề, mà trí lực và năng lực mới là vấn đề.

Theo Sina