Có nên đeo khẩu trang để ngăn COVID-19? Giới chuyên gia nêu ý kiến

VietTimes -- Người dân bình thường không nhất thiết phải đeo các loại khẩu trang chuyên dụng, mà chỉ cần mang khẩu trang thông hường hay một chiếc khăn phủ kín lấy mũi và miệng của họ khi đi đến những nơi đông người trong bối cảnh dịch COVID-19; một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nói với tạp chí y khoa Live Science.
Đeo khẩu trang để bảo vệ mình ở những nơi đông người là điều nên làm (Ảnh: Live Science)
Đeo khẩu trang để bảo vệ mình ở những nơi đông người là điều nên làm (Ảnh: Live Science)

Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ có thể sớm nhất trí với đánh giá trên, họ hiện đang khuyến nghị rằng những người khỏe mạnh không cần đeo khẩu trang, trừ khi đang phải chăm sóc người mắc COVID-19. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên thuộc chính quyền liên bang nói rằng CDC có thể sớm thay đổi hướng dẫn này, thay vào đó khuyến khích phần lớn người dân che vùng mặt khi đến những nơi công cộng, theo tờ Washington Post ngày 30/3.

Theo Tiến sĩ Otto Yang – Giáo sư chuyên ngành dược phẩm, virus học, miễn dịch và di truyền phân tử Trường Y David Geffen thuộc ĐH California – người dân không cần phải đeo khẩu trang trong phần lớn thời gian trong ngày.

“Nếu bạn không đi ra ngoài dạo bộ - và quan trọng là bạn tạo khoảng cách ít nhất 1,8 m với người khác – vậy thì tôi nghĩ không đeo khẩu trang cũng không sao, và điều này phù hợp với các khuyến nghị của CDC” – ông Yang nói.

Nhưng, theo quan điểm của vị chuyên gia, “Nếu bạn ở một nơi đông người, có thể trên máy bay hay đang xếp hàng ở sân bay, bạn nên đeo khẩu trang” – ông Yang nói với Live Science.

Tranh luận về việc đeo khẩu trang giờ đã được đẩy lên tới cấp độ quốc gia ở Mỹ. Nhiều người dân Mỹ đang lùng mua khẩu trang để tự bảo vệ mình. Giới chuyên gia y tế lại lo ngại về tình trạng mua tích trữ khẩu trang, bởi các bệnh viện ở Mỹ đang thiếu thống trang thiết bị bảo hộ. Nga cả Tổng Y sĩ Mỹ Jerome Adams cũng từng lên Twitter để kêu gọi người dân: “Nghiêm túc đấy mọi người – Hãy Ngừng Mua Khẩu Trang!”.

“CDC, dường như họ đang đưa ra ý kiến theo cả hai mặt” – ông Yang nói – “Một mặt họ nói với cộng đồng rằng: “Này, các bạn không cần khẩu trang, quên nó đi”. Mặt khác lại là: “Các nhân viên y tế cần phải đeo khẩu trang N95”. Đây có phải là tiêu chuẩn kép? Họ đang quý trọng một nhóm người hơn phần còn lại?”.

Giọt thở hay khí dung?

Tiến sĩ Otto Yang đưa ra những ý kiến về việc đeo khẩu trang ngừ COVID-19 (Ảnh: Mercury News)
Tiến sĩ Otto Yang đưa ra những ý kiến về việc đeo khẩu trang ngừa COVID-19 (Ảnh: Mercury News)

Sự hoang mang về khẩu trang thông thường với khẩu trang N95 tồn tại là do chúng ta còn hiểu quá ít về COVID-19.

Đầu tiên, chúng ta vẫn chưa rõ liệu virus corona chủng mới phát tán chủ yếu qua các giọt thở (giống như bệnh cúm) hay còn thông qua khí dung (aerosol), có thể tồn tại nhiều giờ trong không khí (giống như bệnh sởi). Điều này khiến cho ngay cả giới chuyên gia cũng không dám chắc liệu các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 – có khả năng ngăn chặn các hạt chứa virus nhỏ nhất – hay khẩu trang y tế thông thường – chỉ chặn được các hạt lớn hơn – mới thích hợp trong việc ngăn chặn virus corona chủng mới.

Ban đầu, CDC khuyến nghị các nhân viên y tế đeo khẩu trang N95 bởi họ không chắc là liệu COVID-19 có thể phát tán qua khí dung hay không. Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine (NEJM) ngày 17/3 đã lý giải rõ ràng về điều này, chỉ ra rằng virus corona chủng mới có thể sống trong không khí tới 3 giờ đồng hồ dưới dạng khí dung.

Tuy nhiên, ông Yang không đồng tình với điều này. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng virus corona chủng mới có thể tồn tại trong khí dung trong phòng thí nghiệm, nhưng trong thực tế thì không, ông nói. Các tác giả của nghiên cứu trên “đã thực hiện trên lượng virus có mật độ tập trung quá cao, cao hơn nhiều so với lượng mà một người có thể tạo ra. Họ sử dụng một máy khí dung nhân tạo và đã tạo ra quá nhiều khí dung so với một người thông thường có thể tạo ra”, ông Yang lý giải.

Các tác giả nghiên cứu đã nhìn vào SARS-CoV-1 (chủng virus gây dịch SARS năm 2003) và SARS-CoV-2 và nhận thấy rằng cả hai đều có thể lây qua khí dung. “Nhưng chúng ta đều biết rằng chủng virus SARS đầu tiên không lây truyền theo cách đó” trong cộng đồng người, bởi vậy mô hình của họ “không đáng tin cho lắm”, ông Yang nói.

Nói cách khác, ngoại trừ môi trường trong bệnh viện ra thì SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt thở, giống như bệnh cúm, ông Yang cho hay. Điều này đã được minh chứng nhờ một trường hợp bệnh ghi nhận ngày 24/2 bởi Tạp chí Hiệp hôi Y khoa Canada, trong đó một người đàn ông mắc COVID-19 ngồi trên một chuyến bay từ Trung Quốc đến Canada hồi tháng 1 không hề lây bệnh cho các hành khách khác, mặc dù ông có ho khan trong chuyến bay kéo dài 15 giờ đồng hồ này.

Bệnh nhân nọ có đeo khẩu trang, nhưng do không có ai khác trên chuyến bay nhiễm bệnh, nên trường hợp này “chứng minh rằng truyền nhiễm qua các giọt thở, chứ không phải qua không khí, chính là con đường lây nhiễm chính của COVID-19”; các tác giả bản nghiên cứu đưa ra kết luận.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu virus corona chủng mới có thể lây qua khí dung hay không. Ví dụ, sau khi nhóm đồng ca Skagit Valley Chorale ở Washington gặp gỡ để biểu diễn vào ngày 6/3, 45 thành viên của nhóm đã bị mắc hoặc có triệu chứng COVID-19, ít nhất 3 thành viên nhập viện và 2 thành viên tử vong trong vòng 3 tuần lễ, theo tờ Los Angeles Times.

Theo ông Jamie Lloyd-Smith, chuyên gia bệnh truyền nhiễm thuộc ĐH California, có khả năng các thành viên trong nhóm thở dữ dội để lấy hơi lúc hát đã làm phát tán các hạt chứa virus.

“Người ta có thể dễ dàng tưởng tưởng được việc cố gắng lấy hơi để phát ra âm thanh cũng đồng thời làm phát ra thêm nhiều giọt thở và khí dung” – ông Lloyd-Smith nói.

Dùng N95 hay khẩu trang thường?

Một chiếc khẩu trang chuyên dụng N095 (Ảnh: Texas Tribune)
Một chiếc khẩu trang chuyên dụng N095 (Ảnh: Texas Tribune)

Do tình trạng thiếu N95, CDC mới đây đã phải sửa lại các văn bản hướng dẫn, nói rằng đối với các nhân viên y tế tuyến đầu, khẩu trang thường “là sự thay thế có thể chấp nhận được khi nguồn cung N95 không đủ đáp ứng cầu”.

Ngoài thiếu nguồn cung ra thì N95 cũng rất khó để đeo. Các bác sĩ ở Mỹ hàng năm vẫn phải đi tập huấn về cách đeo khẩu trang N95 sao cho đúng cách. Trong một bài kiểm tra, các bác sĩ đeo khẩu trang và có một người sẽ phun đường saccharin vào mặt họ. “Nếu bạn đeo khẩu trang đúng cách, bạn sẽ không nếm được vị của đường saccharin. Nhưng phần lớn là nếm được” – ông Yang nói.

Chính vì độ khó khi sử dụng mà N95 không được khuyến khích sử dụng rộng rãi cho người dân, bởi cần trải qua khóa tập huấn mới có thể đeo nó đúng cách. Thêm vào đó, N95 rất dày, nên khi đeo vào tạo cảm giác khó thở.

Ở nơi đông người, một người bình thường không cần quá cẩn trọng đến mức phải đeo N95; họ cũng không cần tới loại khẩu trang chuyên dụng này bởi không rơi vào tình huống tiếp xúc trực tiếp với khí dung chứa virus như những nhân viên y tế.

“Không có lý do gì để người bình thường đeo khẩu trang N95” – ông Yang nói.

Tuy nhiên, không chỉ N95 mà ngay cả các loại khẩu trang thông thường cũng đang bị thiếu, khiến cho CDC khuyến nghị sử dụng cả khăn để che miệng, mũi khi cần thiết. Không có nhiều nghiên cứu về các loại khẩu trang tự chế tại nhà, nhưng một nghiên cứu nhỏ năm 2013 chỉ ra rằng khẩu trang làm từ vải cotton khá hiệu quả, dù không thể hiệu quả như khẩu trang y tế.

“Khẩu trang y tế hiệu quả gấp 3 lần so với khẩu trang tự chế tại nhà, xét về khả năng ngăn chặn sự truyền nhiễm” – các tác giả nghiên cứu nói.

Đối với những người lựa chọn sử dụng khăn và khẩu trang tự chế tại nhà, ông Yang khuyến nghị rằng hãy giặt chúng sau mỗi lần sử dụng, và ngừng sử dụng ngay khi chúng quá ẩm ướt do hơi nước trong hơi thở. Ngoài ra cũng nên bảo vệ phần mắt bằng cách đeo các loại kính ốp sát.

Theo Live Science