Hành trình trở thành 'thế lực' hàng không Việt của Bamboo Airways

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Vượt qua nhiều hoài nghi, Bamboo Airways trở thành 'thế lực' trong ngành hàng không Việt Nam với 20% thị phần. Đây cũng được xem là 'tài sản' đáng giá bậc nhất của FLC sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết bị bắt.

"Riêng đối với cổ phiếu Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt - Bamboo Airways (BAV), chúng tôi cũng có kế hoạch xem xét chuyển nhượng cổ phần này", ông Lê Bá Nguyên - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Mã CK: FLC) - phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 lần thứ 2 (EGM 2023) của FLC.

Ông Nguyên cho biết, FLC đã đầu tư 4.015 tỉ đồng vào Bamboo Airways, tương ứng với 21,7% vốn điều lệ của hãng hàng không này. Trong năm 2022, FLC dự kiến sẽ phải trích lập dự phòng tới 3.642 tỉ đồng cho khoản đầu tư vào Bamboo Airways. Trước đó, trong năm 2021, tập đoàn này đã trích lập dự phòng 373 tỉ đồng.

Bamboo Airways thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm 2019 và cũng là dự án được nhà sáng lập FLC Trịnh Văn Quyết dồn rất nhiều tâm huyết.

Hãng hàng không này được thành lập từ tháng 5/2017, với vốn điều lệ ở mức 700 tỉ đồng. Quy mô vốn điều lệ của Bamboo Airways tăng gấp 26 lần sau hơn 4 năm hoạt động.

Cập nhật tới ngày 9/8/2021, vốn điều lệ của hãng hàng không này đạt mức 18.500 tỉ đồng - cao gấp 3,4 lần Vietjet và chỉ kém quy mô vốn của Vietnam Airlines khoảng 3.640 tỉ đồng.

Bước ngoặt của Bamboo Airways

Dù đang chìm trong thua lỗ, Bamboo Airways vẫn được xem là 'tài sản' đáng giá bậc nhất của FLC sau khi nhà sáng lập Trịnh Văn Quyết bị bắt. Nếu ban lãnh đạo FLC quyết tâm muốn bán cổ phần Bamboo Airways, với vị thế của hãng hàng không này, họ có lẽ cũng chẳng thiếu người mua tiềm năng.

Từ vị thế 'tân binh', Bamboo Airways chỉ mất ít năm để trở thành kẻ thách thức 'cuộc đua song mã' giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.

Theo số liệu từ Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways chiếm 20% tổng số chuyến bay trong năm 2021, tăng mạnh so với mức 13% của năm 2020. Cùng với đó, hãng hàng không này còn thường xuyên góp mặt trong danh sách các hãng bay có tỷ lệ chuyến bay cất cánh đúng giờ (OTP) cao nhất toàn ngành.

Bamboo Airways cũng là 'hiện tượng' của thị trường hàng không Việt. Giới chủ Techcombank từng thử sức thâm nhập lĩnh vực này với dự án hàng không Sky Việt. Vingroup cũng từng phát triển dự án Vinpearl Air. Thiên Minh Group với Kite Air, hay nhóm IPPG với IPP Air Cargo. Vietravel và Sun Group lần lượt đã cho ra mắt Vietravel Airlines và Sun Air, song chưa để lại nhiều dấu ấn.

Trong số các gương mặt kể trên, không khó để nhận ra hình bóng của các 'đại gia' bất động sản. Về dài hạn, việc sở hữu một hãng hàng không sẽ giúp họ có thêm 'mảnh ghép' để hoàn thiện hệ sinh thái, kết nối khách hàng tiềm năng đến các dự án trải dài ở nhiều tỉnh, thành phố. FLC trước khi thành lập Bamboo Airways cũng đã sở hữu một loạt các dự án nghỉ dưỡng.

Sau biến cố của nhà sáng lập FLC, dàn lãnh đạo Bamboo Airways cũng được 'thay máu'. Trong đó, nổi bật là việc ông Dương Công Minh đã trở thành Cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways.

Ông Dương Công Minh là nhà sáng lập Him Lam Group - 'đế chế' bất động sản tầm cỡ với loạt dự án trải dài trên cả nước.

Bên cạnh đó, vị doanh nhân này còn là đương kim Chủ tịch HĐQT Sacombank - nhà băng từng là một trong những chủ nợ lớn nhất của nhóm FLC và đang ở chặng cuối của quá trình tái cấu trúc.

EGM 2023 lần 2 của FLC ghi nhận 282 cổ đông trực tiếp tham dự và ủy quyền tham dự, đại diện 313,5 triệu cổ phần, chiếm 44,1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết – đủ điều kiện tiến hành.

Thông tin tại đại hội, đại diện FLC cho biết trong các năm từ 2020 đến nay, FLC đã phát hành tổng cộng 4 lô trái phiếu với tổng giá trị khoảng 2.000 tỉ đồng.

Hiện tại, FLC đã mua lại trước hạn được 3/4 lô trái phiếu đã phát hành với tổng giá trị đã thanh toán khoảng 1.000 tỉ đồng. Gói trái phiếu còn lại có dư nợ khoảng 1.000 tỉ đồng.

“Gói trái phiếu này tập đoàn đã thanh toán lãi đầy đủ cho các trái chủ. Một số trái chủ có nhu cầu hoán đổi sang các bất động sản nên trong phương án đề xuất trình đại hội đồng cổ đông lần này chúng tôi cũng xin ý kiến phê duyệt về việc giãn tiến độ thanh toán trái phiếu và hoán đổi bất động sản”, đại diện FLC thông tin./.