Chuyên gia quân sự Lý Kiệt: Mỹ không ngừng đổi mới vũ khí và chiến thuật quân sự nhằm vào Trung Quốc

VietTimes -- Hiện nay, Quân đội Mỹ không chỉ coi trọng vượt đối thủ về vũ khí trang bị tiên tiến, mà còn muốn vượt cả nghệ thuật tác chiến, kết hợp các học thuyết tác chiến với phần cứng quân sự để áp chế các đối thủ.
Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)
Hải quân Mỹ (ảnh minh họa)

Tờ Want Daily Đài Loan ngày 23/12 có bài viết cho rằng trong đánh giá cơ cấu lực lượng năm tài khóa 2016 được công bố gần đây, Hải quân Mỹ đề xuất tăng số lượng tàu chiến hiện có của Quân đội Mỹ từ 273 chiếc lên 355 chiếc.
 
Đây sẽ là kế hoạch tăng cường quân bị có quy mô lớn nhất từ thập niên 1980 cho đến nay, trong đó có thể sẽ có một bộ phận đáng kể được điều đến châu Á - Thái Bình Dương trong tương lai.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt cho rằng cùng với việc phát triển các loại vũ khí tiên tiến, Quân đội Mỹ không ngừng đổi mới học thuyết và ý tưởng tác chiến để đạt được sự thống nhất giữa vũ khí trang bị hàng đầu với học thuyết tác chiến tiên tiến, tranh thủ thực hiện "có thanh kiếm hơn người, phương pháp sử dụng kiếm càng hơn người", đạt mục đích răn đe và áp chế Trung Quốc.

Theo chuyên gia Lý Kiệt, những năm gần đây, khi quán triệt, thực  hiện chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương, Quân đội Mỹ ngoài tích cực điều binh khiển tướng, bày binh bố trận lại, còn ra sức đẩy nhanh nghiên cứu phát triển và triển khai các loại vũ khí trang bị hải quân, không quân mới nhất chủ yếu nhằm vào Trung Quốc hoặc Nga.

Đặc biệt, trong thời gian đầu, Mỹ luôn điều và thử nghiệm chúng ở tuyến đầu Đông Á và các vùng biển xung quanh Trung Quốc.

Tàu tuần duyên USS Freedom, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)
Tàu tuần duyên USS Freedom, Hải quân Mỹ (ảnh tư liệu)

Lý Kiệt đánh giá, các học thuyết tác chiến như "tác chiến thống nhất giữa trên không và mặt đất" đã đạt được "vị ngọt" chiến thắng trong nhiều cuộc chiến tranh như chiến tranh vùng Vịnh, chiến tranh Kosovo.

Vì vậy, Quân đội Mỹ rất coi trọng xây dựng tư tưởng tác chiến hoặc học thuyết chiến tranh, thậm chí không ngừng thay đổi các biện pháp, thủ đoạn.

Từ "tác chiến thống nhất giữa trên không, trên biển" đến học thuyết tác chiến "cơ động liên hợp và can dự vùng quốc tế toàn cầu", cho đến tư tưởng tác chiến "sát thương kiểu phân tán" được Quân đội Mỹ đưa ra vào tháng 7/2016, nội hàm "phương pháp dùng kiếm mới" của Quân đội Mỹ cũng ngày càng phong phú.

Lý Kiệt chỉ ra Quân đội Mỹ hiểu rất rõ nếu chỉ dựa vào triển khai lượng lớn và phô trương đầy đủ vũ khí trang bị tiên tiến để tìm cách răn đe và áp chế Trung Quốc, ngăn chặn tốc độ phát triển sức mạnh quân sự của Trung Quốc thì chắc chắn sẽ khó đạt được hiệu quả.

Lý Kiệt phân tích cho rằng học thuyết "sát thương kiểu phân tán" của Mỹ chính là: Để ứng phó với mối đe dọa "chống can thiệp/chống tiếp cận khu vực" của các nước như Trung Quốc, Mỹ tìm cách rút biên đội tàu sân bay cỡ lớn ra ngoài tầm bắn của tên lửa đạn đạo chống hạm đối phương,
trong khi đó toàn bộ các loại tàu chiến mặt nước như tàu tuần duyên, tàu khu trục tên lửa, tàu tấn công đổ bộ, thậm chí tàu hậu cần đều lắp vũ khí tấn công tầm trung và tầm xa, mở rộng rất lớn hỏa lực tấn công đối hạm, đối đất cho các loại tàu chiến, từ đó tiến hành răn đe và phá hoại đối phương trong phạm vi lớn nhất.

Mô phỏng tên lửa chống hạm tầm xa LRASM của Mỹ tấn công (ảnh tư liệu)
Mô phỏng tên lửa chống hạm tầm xa LRASM của Mỹ tấn công (ảnh tư liệu)

Ông Lý Kiệt cho rằng học thuyết tác chiến mới này đang khắc phục và sửa chữa những thiếu sót nghiêm trọng và tình cảnh khó khăn của biên đội tàu sân bay và các lực lượng trên biển, trên không khác của Mỹ.

Mỹ thông qua cải tiến công nghệ và đột phá kỹ thuật với hàm lượng công nghệ không cao, từ đó làm cho tất cả các tàu chiến mặt nước đều được trang bị tên lửa chống hạm, tiến tới thực hiện mục đích "những trang bị chạy trên biển đều có thể chiến đấu". Đây cũng là cách để giành chiến thắng khi đối phó với tàu chiến Trung Quốc về mặt "số lượng".