Theo chuyên gia Kazuhiko Togo - nhà nghiên cứu chính trị, một trong những chuyên gia uy tín nhất về vấn đề quan hệ Nhật-Nga, cuộc gặp diễn ra ngày thứ Sáu tuần trước giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể đưa quan hệ giữa hai nước trở lại cấp độ đã đạt được thời trước khi xảy ra những sự kiện ở Ukraine.
Ông Kazuhiko Togo - người từng nằm trong nhóm lãnh đạo Vụ châu Âu và châu Á của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, từng chuẩn bị cho cuộc gặp của ông Putin và Thủ tướng Nhật Bản Yoshiro Mori tại Irkutsk năm 2001.
Vị chuyên gia hiện đang là Giám đốc Viện nghiên cứu các vấn đề thế giới thuộc Viện Công nghiệp ở Kyoto cho hay:
"Quan hệ giữa hai nước đã phát triển rất tốt đẹp trong năm đầu tiên (năm 2013) trước khi xảy ra các sự kiện Ukraine, rồi sau đó đình trệ. Tôi nghĩ rằng cả hai nhà lãnh đạo đều muốn trở lại mức trước đây.
Bây giờ, nhờ cuộc gặp ở Sochi, mối quan hệ đã trở lại điểm từng có trước cuộc khủng hoảng Ukraina. Tôi cho rằng trong ý tưởng này, đối với cả hai nhà lãnh đạo, đó là một cuộc gặp tốt đẹp. Nhưng hiển nhiên phía trước vẫn còn nhiều nhiệm vụ khó khăn".
Kazuhiko Togo cho rằng mối quan hệ của Nga với Nhật Bản không chỉ nằm trên bình diện lợi ích hợp tác kinh tế cùng có lợi, vốn đã trở thành đặc biệt cần thiết vì sự lao dốc của giá dầu và biện pháp trừng phạt kinh tế.
Ông tin chắc rằng Nhật Bản có thể trở thành trung gian hòa giải và truyền đạt tới các đối tác phương Tây về lập trường của Nga trong vấn đề bán đảo Crimea và những sự kiện ở Ukraine, và Nhật Bản sẽ đảm nhận vai trò kiểu "cây cầu hai chiều" nối giữa Nga và phương Tây.
"Nga hiện đang chịu sự trừng phạt từ phía châu Âu và Hoa Kỳ, và trong bối cảnh này điều quan trọng với Moscow là đảm bảo rằng mối quan hệ với Tokyo sẽ phát triển", — chuyên gia Nhật Bản kết luận.
Trước đó, tại cuộc hội đàm ở Sochi với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã giới thiệu kế hoạch hợp tác kinh tế. Theo báo Nhật Bản Nikkei, tài liệu này gồm tám điểm.
Kế hoạch của Nhật Bản hướng tới mục đích phát triển lĩnh vực ứng nghiệm tại Nga. Cụ thể, tài liệu hoạch định việc xây dựng các nhà máy chế biến khí thiên nhiên hoá lỏng, nhà ga hàng không, hải cảng, cơ sở y tế và những chủ thể cơ sở hạ tầng khác, mà trước hết là ở vùng Viễn Đông.
Đồng thời, như hãng tin Nikkei lưu ý, song song với hợp tác kinh tế Tokyo sẽ cố gắng đạt tiến bộ trong việc giải quyết vấn đề với quần đảo Kuril.
Theo Sputnik