Chuyên gia lý giải tình trạng "ảo giác" của AI

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

AI đang phát triển với một tốc độ rất nhanh và đang đạt được mức độ thông minh đáng kinh ngạc. Tuy nhiên công nghệ này cũng tồn tại một số điểm yếu ít người biết đến, trong đó có tình trạng gọi là ảo giác (hallucination). 

VietTimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia AI Đặng Hải Lộc, CEO & CTO của Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông AIV Group. Ông có nhiều năm nghiên cứu về AI và là người tạo ra chatbot mindmaid.ai - được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu như một ứng dụng tiêu biểu của công nghệ ngôn ngữ lớn (LLM) tại Hội nghị quốc tế về Dữ liệu mở và Trí tuệ nhân tạo lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.

Cuộc trò chuyện xoay quanh những điểm hạn chế ít người biết của AI, cũng như dự đoán về sự phát triển của lĩnh vực này trong tương lại gần.

- Trong một sự kiện được tổ chức gần đây, ông đã từng đề cập đến tình trạng hallucination - ảo giác của AI. Xin ông phân tích rõ hơn về nguyên nhân gây ra tình trạng này. Đó là do dữ liệu đầu vào hay do cơ chế suy diễn của AI?

Ông Đặng Hải Lộc: Hiện tượng hallucination không chỉ có ở AI, mà con người cũng có tình trạng này. Đó là khi chúng ta ngủ mơ và có thể hình dung ra những bối cảnh, hiện tượng phi lý mặc dù trong giấc mơ ta cảm thấy những điều đó rất thuyết phục. Một số nhạc sĩ nổi tiếng thế giới cũng từng diễn tả họ nghe thấy những giai điệu tự xuất hiện trong đầu và từ đó họ viết ra bản nhạc. Tất cả những hiện tượng này đều là hallucination.

dhl.jpg
Chuyên gia về AI Đặng Hải Lộc

Hiện tượng hallucination là khi AI tạo ra những nội dung có độ thuyết phục cao, nhưng lại sai lệch với thực tế hoặc hoàn toàn vô nghĩa. Hiện tượng này có nguyên nhân do AI hiện tại rất giỏi về “mộng mơ” nhưng lại thiếu đi khả năng suy luận, giống như một người ngủ say thì các cơ chế tư duy, suy luận thông thường của não bộ bị tắt bớt.

- Theo ông thì thuật ngữ “ảo giác” đã mô tả chính xác tình trạng này chưa? Liệu có thể dùng một thuật ngữ khác như “nói dối” hoặc “bịa chuyện”?

Ông Đặng Hải Lộc: Khi ta đang trong giấc mơ, thì mọi thứ ta mơ đều có cảm giác rất chân thực. Chỉ sau khi chúng ta tỉnh dậy và dùng lý trí để phân tích, suy luận, đối chiếu, ta mới phát hiện ra giấc mơ của mình là vô lý.

Với hiện tượng ảo giác của AI cũng vậy, AI không cố tình nói dối hay bịa chuyện mà nó chỉ đang “mộng mơ” dựa trên thông tin đầu vào và dữ liệu huấn luyện mà ta đã cung cấp cho nó. Vấn đề xảy ra khi những gì AI mộng mơ bị sai lệch so với thực tế dưới cái nhìn đánh giá của con người.

- Ông từng dẫn chứng Tim Cook nói rằng không bao giờ có thể giải quyết triệt để tình trạng ảo giác của AI. Vậy đây có phải là một hạn chế công nghệ mà chúng ta phải chấp nhận? Liệu trong tương lai có thể giải quyết được không?

Ông Đặng Hải Lộc: Có các ý kiến từ giới chuyên gia cho rằng hallucination không hoàn toàn xấu, mà có thể nó chính là điểm tạo nên sức mạnh của AI hiện nay. Để hình dung, một số họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng thế giới cũng mắc một số chứng bệnh khiến họ bị ảo giác, nhìn thấy những viễn cảnh hoặc xuất hiện trong đầu những thanh âm mà người bình thường không nhìn/nghe thấy, và nhờ đó họ để lại những tác phẩm đầy sáng tạo.

Nếu như những họa sĩ, nhạc sĩ này không mắc chứng bệnh gây ảo giác trên, thì có thể những tác phẩm của họ cũng sẽ không tồn tại. Và lịch sử cho thấy xã hội hoàn toàn có thể tôn vinh và chung sống với những thiên tài “lắm tài nhiều tật” thì có thể cũng sẽ chấp nhận được những AI mạnh mẽ nhưng có khiếm khuyết.

Vấn đề ở đây có lẽ là cần tập trung vào những trường hợp mà sai sót từ AI có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, ví dụ như gần đây Hạ viện Mỹ đã đệ trình một điều luật về “ông chủ AI” trong đó cấm việc sử dụng AI đưa ra các quyết định tự động mà không có sự giám sát, kiểm tra của con người.

- Ngoài “ảo giác” thì AI còn “đãng trí”, tức là không nhớ được sự vật, hiện tượng theo logic tuyến tính thời gian phải không thưa ông? Nguyên nhân của “đãng trí”?

Ông Đặng Hải Lộc: Hiện tượng này chính xác có tên là “needle in the haystack” (dịch nghĩa đen là “cây kim trong đống rơm”, chỉ một phép thử yêu cầu AI ghi nhớ chính xác thông tin nhỏ trong một thông tin lớn hơn rất nhiều. Nghĩa là nếu chúng ta cung cấp cho AI rất nhiều thông tin, thì nó sẽ “quên” một số chi tiết trong những thông tin đã được cung cấp.

Hiện tượng “quên” này cũng rất bình thường ở con người, và thực ra so với khả năng ghi nhớ chỉ 7 cụm thông tin, thì khả năng gọi lại chính xác tới 99,99% một chi tiết nhỏ trong cả một cuốn sách 300 trang ở các LLM tốt nhất như Gemini Pro 1.5 là tốt hơn con người rất nhiều.

- Ngoài “ảo giác” và “đãng trí” thì AI còn những điểm yếu nào nữa không?

Ông Đặng Hải Lộc: AI hiện nay được phát triển theo hướng mô phỏng lại bộ não con người, do đó những vấn đề mà con người gặp phải thì AI cũng có thể gặp phải. Tiêu biểu như thiên kiến (bias), khả năng tạo ra các nội dung xấu độc (not safe for work), tiết lộ thông tin cá nhân được vô tình đưa vào trong dữ liệu huấn luyện…

- Ông dự đoán ra sao về những ngành nghề có thể bị AI thay thế trong tương lai gần?

Ông Đặng Hải Lộc: Mọi người thường hay nói rằng “người sử dụng AI sẽ thay thế người không biết dùng AI”, nhưng theo tôi thì tác động của AI tới ngành nghề của con người đến nhanh và phức tạp hơn thế rất nhiều.

Ví dụ trong lĩnh vực sinh ảnh bằng AI, việc AI có thể nhanh chóng tạo ra các nhân vật và các góc độ khác nhau của nhân vật đã nhanh chóng làm sụt giảm nhu cầu đối với các họa sĩ thiết kế nhân vật trong lĩnh vực game tại Trung Quốc. Như vậy chưa cần tới “người sử dụng AI”, mà chỉ riêng sự xuất hiện của AI trong một ngành nào đó đã có thể biến đổi cung cầu lao động trong thị trường đó và khiến một số ngành nghề biến mất rồi.

hoc-nganh-tri-tue-nhan-tao-o-viet-nam-2.jpg
Sinh viên ngành Trí tuệ nhân tạo thực hành với mô hình điện tử

Nhưng nhìn chung thì các dự đoán từ các đơn vị uy tín trên thế giới cho thấy những ngành lao động trí óc lại là những ngành dễ bị thay thế bởi AI trong ngắn hạn hơn là ngành lao động chân tay.

- Trong tương lai AI sẽ rất thông minh. GPT-5 ra mắt trong thời gian tới được coi là thông minh vượt trội so với GPT-4o hiện nay và ở một khía cạnh nào đó thì nó có thể đe dọa đến cuộc sống của con người. Theo nghiên cứu của ông thì Việt Nam đã có chính sách nào để phát triển AI không gây tổn hại cho cuộc sống con người chưa?

Ông Đặng Hải Lộc: Mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 1290/QĐ-BKHCN ngày 11/06/2024 về việc hướng dẫn một số nguyên tắc về nghiên cứu, phát triển các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) có trách nhiệm.

Tài liệu hướng dẫn này nhằm: thúc đẩy sự quan tâm của các bên liên quan trong việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng AI ở Việt Nam một cách có trách nhiệm; thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển và sử dụng các hệ thống/ứng dụng AI hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực cho con người và cộng đồng; thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động nghiên cứu, phát triển; sử dụng các hệ thống/ứng dụng AI nhằm đạt được sự tin tưởng của người dùng và xã hội.

Tuy nhiên so với thế giới, nhìn chung vấn đề kiểm soát AI tại Việt Nam vẫn còn ít được bàn luận và cũng đi sau về quy định, ràng buộc so với thế giới nhiều.

- Theo ông chính phủ Việt Nam nên làm gì để tận dụng lợi thế của AI vào phát triển đất nước?

Ông Đặng Hải Lộc: Tiếng Việt nằm trong 25 ngôn ngữ được sử dụng phổ biến nhất thế giới, do đó thường xuyên nằm trong nhóm ngôn ngữ được hỗ trợ tốt bởi các AI tốt nhất như GPT-4, Gemini, Claude… Đây là lợi thế cực lớn nếu so sánh với các quốc gia không sử dụng ngôn ngữ latin như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, khu vực Trung Đông… khi chúng ta không cần đầu tư ban đầu lớn vẫn có thể được hưởng lợi từ những bước tiến AI của thế giới.

Nhiều cơ hội lớn đang được tạo ra từ điều này, ví dụ như xóa bỏ nhanh chóng rào cản ngôn ngữ để người Việt có thể bán hàng ra toàn thế giới, hoặc đọc hiểu các tài liệu của thế giới mà không cần học ngoại ngữ. AI cũng mở ra nhiều cơ hội để phát triển các Chatbot AI, Trợ lý ảo giúp nâng cao năng lực người lao động và bù đắp thiếu hụt lao động chuyên môn ở vùng sâu, vùng xa, một số lĩnh vực mà Việt Nam còn thiếu chuyên gia.

Hiện các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc… đều nhìn thấy tiềm năng này và có chiến lược đầu tư bài bản, đoàn kết hợp tác từ chính phủ, doanh nghiệp, các phòng lab nghiên cứu tới người dân.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!