Chuyên gia dịch tễ nổi tiếng thế giới: Tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng “chỉ là giấc mơ”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Một trong những chuyên gia dịch tễ nổi tiếng nhất thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng việc tiêm vaccine cho cả tỉ người để đạt miễn dịch cộng đồng “chỉ là giấc mơ”.
Tiến sĩ Larry Brilliant, người có đóng góp lớn trong việc xóa sổ bệnh đậu mùa (Ảnh: Getty)
Tiến sĩ Larry Brilliant, người có đóng góp lớn trong việc xóa sổ bệnh đậu mùa (Ảnh: Getty)

Tiến sĩ Larry Brilliant nổi tiếng là người từng đứng trên tuyến đầu chiến dịch giúp xóa sổ bệnh đậu mùa – bệnh dịch duy nhất mà loài người đã hoàn toàn xóa sổ được cho đến nay – và ông muốn cơ quan y tế các nước trên thế giới thay đổi chiến lược và thử nghiệm một biện pháp đã trải qua thử thách của thời gian được gọi tên “tiêm chủng vòng” (Ring Vaccination) để chống lại COVID-19.

“Tiêm chủng diện rộng chưa bao giờ có tác dụng” – Brilliant nói – “Không đối với bệnh đầu mùa, không đối với Ebola, không với bại liệt. Nó chỉ là một giấc mơ”.

Một bộ phim điện ảnh khá nổi tiếng ra mắt năm 2011, “Contagion”, có nói về những ngày đầu của một đại dịch càn quét khắp thế giới, do một chủng virus giết người lây lan qua không khí và khiến hàng triệu người chết. Người viết kịch bản Scott Burns lấy ý tưởng phim chính từ một bài diễn thuyết của Brilliant tại Ted Talk, và Brilliant sau đó cũng trở thành chuyên gia cố vấn cho bộ phim.

Một chủng vaccine chống đậu mùa đã được phát triển từ năm 1798, nhưng Ấn Độ vẫn tiếp tục chứng kiến các đợt bùng phát dịch này trong khoảng 2 thế kỷ, cho đến khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi động chiến dịch xóa sổ nó trong những năm 1970. Larry Brilliant, mặc dù không được đào tạo để trở thành một chuyên gia dịch tễ, nhưng đã trở thành biểu tượng của chiến dịch và cùng với các đồng nghiệp của mình giành được một trong những chiến thắng ấn tượng nhất mà ngành khoa học y từng đạt được.

Vào thời điểm nhận được các lô vaccine gửi tới các vùng nông thôn Ấn Độ, trong tình trạng thiếu cơ sở bảo quản, nhóm của Brilliant cần phải nghĩ ra cách để phân bổ các mũi tiêm một cách hiệu quả để dập tắt các ổ dịch. Họ lựa chọn tiêm cho những người từng tiếp xúc trực tiếp với người bị nhiễm, thay vì tiêm cho tất cả mọi người trong làng.

Biện pháp chọn lọc này được chứng minh là thành công, gọi là “tiêm chủng vòng”, được đưa ra bởi đồng nghiệp của Brilliant là William Foege, người sau này trở thành giám đốc của CDC Mỹ.

Trong cuốn sách có tựa đề “Cháy nhà: Cuộc chiến xóa bỏ Đậu mùa” (2011), Foege viết rằng đó là một chiến lược mà ông học từ hồi còn đi dập các đám cháy rừng. Do khó kiếm được đủ nước để dập tắt những ngọn lửa lan nhanh, họ lựa chọn đốn hạ những cái cây nằm trên đường đi của ngọn lửa để tạo ra một vành đai ngăn chặn lửa khỏi lây lan. (Chiến lược vaccine vòng sau này được áp dụng hiệu quả trong việc chống lại bệnh đậu mùa và Ebola).

“Nhưng chúng tôi chưa từng dùng cụm từ “tiêm chủng vòng”, đó là một cái tên tệ hại” – Brilliant nói – “Chúng tôi hay gọi chiến lược này là kiểm soát dịch có chọn lọc, và ở Ấn Độ, chúng tôi gọi nó là theo dõi và bao vây”.

Gần đây, Brilliant đã viết chung một bài viết đăng tải trên tờ Foreign Affairs, kêu gọi chính quyền y tế các nước cân nhắc về “tiêm chủng vòng”, nói rằng việc chậm trễ trong phân phối các mũi tiêm tới mọi ngóc ngách trên thế giới đang tạo điều kiện cho SARS-CoV-2 lây lan tự do ở nhiều nướ, làm tăng nguy cơ xuất hiện thêm nhiều biến chủng mới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế không đồng tình với Brilliant. Họ nêu quan ngại rằng SARS-CoV-2 khác hẳn với đậu mùa hay Ebola. Người bị nhiễm đậu mùa hay Ebola có triệu chứng bệnh rõ ràng nên dễ xác nhận và cách ly, trong khi với COVID-19, khoảng 40% người nhiễm là không có triệu chứng nên rất khó để áp dụng chiến lược “tiêm chủng vòng”.

Chuyên gia vi trùng học Siddharth Sridhar (Ảnh: Twitter)

Chuyên gia vi trùng học Siddharth Sridhar (Ảnh: Twitter)

Chuyên gia vi trùng học Siddharth Sridhar, đến từ ĐH Hong Kong, tỏ ra hoài nghi về việc “tiêm chủng vòng” sẽ có tác dụng. “Thời kỳ ủ bệnh quá ngắn, vaccine thì cần thời gian để phát huy tác dụng” – ông cho hay, thêm rằng cách duy nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này là phân phối vaccine nhanh chóng.

Brilliant cũng nhận thức rõ được những khó khăn đó, và nói rằng cách đây khoảng 3 tháng ông vẫn nghĩ rằng bản chất nhiễm bệnh không xuất hiện triệu chứng của nhiều ca nhiễm COVID-19 là một vấn đề không thể nào vượt qua được. Thế nhưng, có nhiều nghiên cứu và báo cáo về phương thức theo dõi ở nhiều nước khác nhau đã thuyết phục ông rằng, “tiêm chủng vòng” có thể được áp dụng một cách hiệu quả nếu kết hợp với các phương pháp khác.

Từng là Phó Chủ tịch của Google, Brilliant coi công nghệ như một yếu tố chủ chốt trong việc theo dõi các đợt bùng phát dịch COVID-19, nhưng không thể có một giải pháp toàn diện cho tất cả.

Ngoài ra, ông cho biết xét nghiệm nước thải có thể phát hiện ra virus, cho dù từ người mắc có triệu chứng hay không có triệu chứng. Và bên cạnh việc sử dụng chó, các nhà nghiên cứu tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh Dịch tễ London đang phát triển thiết bị đánh hơi kỹ thuật số, được sử dụng để phát hiện “mùi COVID-19-19”.

“Một số người có ý tưởng rằng người mắc COVID-19 có mùi đặc trưng” – Brilliant nói – “Tôi vẫn hoài nghi, nhưng bạn biết đấy, chúng ta phải thử tất cả mọi thứ”.